Sai phạm tại KBT Osean View Nha Trang : Bài học đắt giá cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương

00:00 12/10/2020

Liên quan đến những sai phạm trật tự xây dựng tại khu biệt thự Osean View Nha Trang, thuộc phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã đăng tải loạt bài viết đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan và chính quyền địa phương, các ý kiến đa chiều về biện pháp xử lý các công trình sai phạm, trong đó có kiến nghị của các chủ biệt thự tại đây xin được giữ lại các công trình để yên ổn cuộc sống và đảm bảo được an toàn chất lượng công trình. Bài viết dưới đây sẽ phân tích, làm rõ hơn nguyên nhân dẫn đến sai phạm, những bài học rút ra đối với cơ quan quản lý, chính quyền và doanh nghiệp, hướng giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng.

Diễn biến sai phạm

Khu biệt thự Osean view Nha Trang nằm trên đường Trần Phú nối dài, thuộc phường Vĩnh Trường, được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt năm 2009. Theo đó, khu biệt thự có diện tích 27.725 m2 được chia làm 69 lô, trung bình mỗi lô nhỏ nhất gần 300 m2, lớn nhất trên 500 m2. Do khu biệt thự được qui định mật độ xây dựng từ 40 đến 60% và do  địa hình có độ dốc, lại độ cao không quá 13,7 m (ba tầng) nên tất cả các căn đều được nhìn ra biển. Đây là đặc trưng nổi bật thu hút khách hàng.  

Triển khai dự án, chủ đầu tư là ông Nguyễn Việt Hùng- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thiên Nhân II, áp dụng cơ chế kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp góp vốn. Vậy là chủ đầu tư mắc phải sai lầm: Nhận tiền của nhiều nhà đầu tư thứ cấp trên một thửa đất. Khi hành vi bại lộ, một số nhà đầu tư thứ cấp tố cáo, Công an tỉnh Khánh Hòa vào cuộc, đến năm 2017 ông Nguyễn Việt Hùng bị khởi tố về tội “Lừa dảo chiếm đoạt tài sản” và bỏ trốn buộc cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã toàn quốc thì khu biệt thự bắt đầuu trở nên rối loạn.

 Toàn bộ thửa đất dành cho công viên cây xanh khu biệt thự bị ông Ngô Phi Hùng đào tận móng bờ taluy phía mặt đường Trần Phú nối dài.

Bài học về chấp hành pháp luật chưa kịp rút ra thì vào đầu năm 2018 đến giữa năm 2019, một loạt nhà đầu tư thứ cấp rơi vào tình trạng vi phạm. Trước sự bùng phát của khách du lịch Trung Quốc, các nhà đầu tư thứ cấp tự chuyển hướng mạnh mẽ thay vì xây biệt thự nghỉ dưỡng như qui hoạch liền chuyển sang xây khách sạn cho thuê. Trong số vi phạm đó có ông Ngô Phi Hùng, nhà đầu tư thứ cấp lô số 69 là người có những hành vi táo bạo nhất. Ngoài việc đứng ra cổ vũ, khuyến khích những người khác, ông Phi Hùng đã có một hành vi “động trời”, đó là đào toàn bộ công viên được qui hoạch có diện tích 1.500 m2 của khu dự án để xây nhà hàng ngầm với lời giải thích hết sức đơn giản: “Nhà hàng hướng ra mặt đường Tràn Phú. Xây nhà hàng xong sẽ san bằng mặt bằng, trả lại công viên cho khu biệt thự”. Như vậy, công viên của khu biệt thự sẽ nằm trên sân thượng nhà hàng của ông Phi Hùng. Lý giải của ông Phi Hùng không được người dân trong khu biệt thự và các cấp thẩm quyền chấp nhận. Vậy là ông này lại phải đào bới ở nơi khác để lấy hơn 10.000 m3 đất, đá lấp lại toàn bộ cái công viên đã đào. Bài học này cũng thuộc loại đắt giá về mặt tài chính, nhưng ông Hùng và các nhà đầu tư thứ cấp khác vẫn chưa chịu. 

 Bờ kè đường Trần Phú nối dài và những ngôi biệt thự được xây dựng lúc ban đầu đúng thiết kế

Sau vụ đào bới phần đất dành cho công viên không thành, khi chủ đầu tư dự án Nguyễn Việt Hùng đang trốn lệnh truy nã, thấy có vài ba nhà đầu tư thứ cấp xây xong khách sạn từ 5 đến 8 tầng với mật độ xây dựng chiếm 80 đến 100% diện tích đất, nhưng không bị cơ quan thẩm quyền xử lý, lại được khách du lịch Trung Quốc thuê trọn gói làm nơi tụ tập đánh bạc, mỗi tháng thu 400 đến 500 triệu đồng, ông Phi Hùng và nhiều nhà đầu tư thứ cấp khác liền đổ xô vào xây dựng khách sạn. Riêng lô đất của ông Hùng có cốt nền cao khoảng 7 m so với mặt đường Trần Phú nối dài, đầu năm 2019, ông Hùng đã sử dụng chất nổ phá đá, hạ cốt nền, rồi đúc móng xây khách sạn, với dự kiến vài chục tầng. Qúa trình xây dựng khách sạn, nhiều hộ dân ở khu biệt thự có đơn thư tố cáo, báo chí liên tục cập nhật thông tin, lên tiếng phản đối, đề nghị các cấp thẩm quyền và ngành chức năng với trách nhiệm của từng cơ quan đưa ra biện pháp ngăn chặn. Sở Xây dựng và UBND TP.Nha Trang, đã có một số động thái cụ thể như triệu tập chủ đầu tư dự án (lúc này đã ra đầu thú) và các chủ đầu tư thứ cấp vi phạm để làm việc; họp các nhà đầu tư khác để quán triệt; lập chốt kiểm soát để ngăn chặn xe chở nguyên vật liệu ra vào khu vực dự án… Thế nhưng, một số biện pháp quan trọng, có tính chất khả thi lập tức như cúp điện, cúp nước thì Công ty cấp thoát nước và Điện lực Khánh Hòa lại tỏ ra do dự, với lý do qui định của pháp luật không cho phép. Riêng việc lập chốt chặn xe chở nguyên vật liệu ra vào khu vực dự án thì đó lại là động tác giả, nghĩa là có lập chốt, có người canh giữ tại chốt, nhưng không kiểm soát ngăn chặn. Bởi vậy, xe lớn, xe nhỏ chở nguyên vật liệu vẫn vô tư ra vào dự án mà không gặp phải một sự trở ngại nào. 

Lô số 69, khách sạn của ông Ngô Phi Hùng đã bị đình chỉ trước Tết Canh Tý

 Tòa khách sạn (màu đỏ) đã vi phạm, mặc dù lúc đầu chỉ mới xây 5 tầng.

Xử lý lừng khừng, thiếu dứt khoát

Tại phiên họp HĐND tỉnh Khánh Hòa cuối năm 2019, nhiều đại biểu HĐND đã chất vấn UBND tỉnh và Sở Xây dựng về tình trạng xây dựng bát nháo ở khu biệt thự Osean View, Vĩnh Trường, Nha Trang, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tuân (lúc này vừa được bổ nhiệm) đã tỏ thái độ kiên quyết xử lý để giữ vững kỷ cương phép nước. Thực tế, UBND tỉnh đã ban hành 14 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và 15 Quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, tại cuộc họp HĐND tỉnh ngày 22/07/2020 vừa qua, Sở Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa lại thay đổi quan điểm, đưa ra lý do vì cận Tết Canh Tý, vì do dịch bệnh Covid-19 bị giãn cách xã hội, do dự án không có chủ đầu tư chính (đang bị giam giữ), do các nhà đầu tư thứ cấp không hợp tác… nên không thực hiện được. Bởi vậy, tại kỳ họp lần này, Sở Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra phương án là xin “xử phạt thu tiền, cho tồn tại”. Phương án không được sự đồng tình của nhiều đại biểu HĐND tỉnh và ông Lê Xuân Thân, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực  HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp đã kết luận: Không đồng ý “xử phạt thu tiền, cho tồn tại”. 

Khu biệt thự Osean View với hàng loạt khách sạn xây dựng trái phép

Nhân dân hoan nghênh quyết định của HĐND tỉnh, nhưng dư luận lại đi tìm nguyên nhân của tình trạng bát nháo ở dự án này. Chủ đầu tư đang ở tù, liệu có chịu trách nhiệm? Nhà đầu tư thứ cấp làm ẩu, bất chấp pháp luật, phải chịu trách nhiệm là điều khó tránh. Tuy nhiên, ở đây rất cần sự phân tích đánh giá trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Sở Xây dựng. Hậu quả của 15 chủ đầu tư sẽ bị cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ 15  khách sạn là vô cùng lớn. Nếu ngay từ đầu, cơ quan cấp phép quyết tâm ngăn chặn, xử lý sai phạm thì “ba đầu sáu tay” của các chủ đầu tư thứ cấp, lẫn các ngành liên quan như cấp thoát nước, điện lực cũng như TP.Nha Trang và phường Vĩnh Trường cũng không dám. Sở Xây dựng có trong tay lực lượng thanh tra. Dưới Sở còn có TP.Nha Trang và phường Vĩnh Trường, do đó chẳng có chuyện không ngăn chặn được hành vi xây dựng trái phép đến mức nghiêm trọng như hiện nay. Dư luận cho rằng, chính Sở Xây dựng đã có hành vi buông lỏng quản lý để các nhà đầu tư thứ cấp lộng hành (?).

Chúng tôi đồng tình với dư luận; hoan nghênh ý kiến tại phiên chất vấn và của các đại biểu không đồng tình với phương án “xử phạt thu tiền, cho tồn tại” của UBND tỉnh Khánh Hòa; hoan nghênh kết luận của ông Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa. Nhân đây cũng xin đưa ra đôi điều kiến nghị:

1, Phải thực hiện phương án tháo dỡ, kiên quyết tháo dỡ, dù tốn kém bao nhiêu cũng tháo dỡ vì đây là kỷ cương, phép nước! Không được tạo thêm tiền lệ nguy hiểm cho hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực xây dựng như ở TP.Nha Trang lâu nay đã diễn ra. Nếu ở Osean View, phạt cho tồn tại thì từ nay trở đi ở đâu cũng có “thể phạt cho tồn tại”.

2,Tổn thất do hành vi xây dựng trái phép ở Osean View Nha Trang sẽ rất lớn, do đó cần xem xét trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền các ngành chức năng liên quan, nhất là Sở Xây dựng, đặc biệt là người đứng đầu. Chúng tôi thấy dấu hiệu “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đã hé lộ; do đó kiến nghị lãnh đạo tỉnh có giải pháp làm rõ và xử lý nghiêm. 

3, Việc xây dựng trái pháp luật ở Nha Trang, Khánh Hòa đã diễn ra từ lâu và rất nghiêm trọng đã và đang để lại hậu quả phức tạp. Nhiều công trình khong phép hoặc sai phép chưa được xử lý thậm chí không xử lý được là có sự bao che, dung túng của cán bộ ngành đô thị, xây dựng; do đó đề nghị lãnh đạo tỉnh có biện pháp chấn chỉnh ngay từ cơ quan cấp phép và đội ngũ cán bộ giám sát. Có như vậy trật tự xây dựng mới đi vào nề nếp, mới quản lý được trong tình hình phát triển đô thị như hiện nay.

Khu biệt thự Osean view Nha Trang có 69 căn, nhưng đã có 15 căn xây thành khách sạn. Kỳ họp cuối năm 2019, HĐND tỉnh Khánh Hòa kiên quyết tháo dỡ và UBND đã ban hành 15 quyết định cưỡng chế. Thế nhưng kỳ họp HĐND tỉnh năm nay vừa diễn ra vào ngày 22/7, thì UBND tỉnh lại đưa ra phương án khác: “Đề nghị HĐND tỉnh phạt thu tiền cho tồn tại”. Đáng mừng, HĐND chưa thông qua, nhưng bài học đắt giá cho các nhà đầu tư và chính quyền địa phương thì lộ rõ.

Nguyên Xuân