Phục hồi kinh tế cần các giải pháp khả thi

00:00 12/10/2020

“DN đang khó khăn, các bộ, ngành, địa phương muốn hoàn thành các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay cần phải đi cùng với DN, hỗ trợ DN bằng chính các đề xuất cắt bỏ, thay thế các điều kiện, quy định không còn phù hợp. Có thể đây chính là thời điểm dễ có sự đồng thuận trong cải cách, để cùng vượt qua khó khăn”, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh (CIEM) nói.

Không cần nhiều mà phải khả thi

Ông Phan Hải - Giám đốc Công ty Giày BQ (Đà Nẵng) không hề rỗi rãi trong những ngày Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội. 7 cửa hàng ở Đà Nẵng đóng cửa, nhưng 22 cửa hàng và hơn 150 đại lý trên cả nước vẫn đang hoạt động. “Đơn hàng với các nhà sản xuất trong nước của chúng tôi giảm do việc tạm đóng các cửa hàng ở Đà Nẵng trong 2 tuần. Nhưng điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải thúc đẩy doanh số ở các cửa hàng còn lại, để gồng gánh doanh thu và cũng để các DN sản xuất của chúng tôi không đứt chuyền”, ông Hải chia sẻ.

Ảnh minh họa

Cũng phải nói thêm, sự trở lại của Covid-19 không phải nằm ngoài dự đoán, nhất là khi tình hình dịch bệnh trên thế giới tiếp tục phức tạp. Tuy nhiên, ông Hải lo lắng, nếu thời gian giãn cách kéo dài hơn 2 tuần, sức chịu đựng của Công ty Giày BQ cũng như nhiều DN khác có thể sẽ khó giữ.

“Trong kinh doanh thời trang, hàng tồn kho là ác mộng. Cũng tương tự như các DN khách sạn, nhà hàng... những DN kinh doanh theo mùa vụ đang tranh thủ mùa hè. Chúng tôi đã cố gắng không sa thải lao động trong lần giãn cách hồi tháng 3/2020. Lần này cũng vậy, tôi đã xác định sẽ chịu hy sinh tài sản, để giữ việc làm cho người lao động”, ông Hải chia sẻ.

Đó cũng là kế hoạch mà ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Công ty T&T 159 Hòa Bình đang xây dựng, mặc dù một số đơn hàng xuất khẩu của ông đã vừa bị đối tác dừng lại, các đơn hàng trong nước đang bấp bênh. “Chúng tôi cung cấp thực phẩm cho các trường học, nhà máy, nên dịch bệnh phức tạp đang làm khó các kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định, sẽ cố giữ lao động”, ông Thắng nói. Cách đây 2 tháng, vào đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên, vào tháng 3/2020, Công ty T&T159 đã phải áp dụng phương án làm việc luân phiên để không phải cho nghỉ việc một người nào, dù thu nhập có giảm.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của Công ty Giày BQ hay T&T 159 Hòa Bình, cũng như nhiều DN khác, nhất là các DNNVV, đó là dòng tiền. Tuy nhiên, cả hai DN nói trên cũng như nhiều DN khác vẫn chưa tiếp cận được với các gói hỗ trợ của Chính phủ.

“Chúng tôi đã tìm hiểu, để xem có thể tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ thế nào, nhất là khoản hỗ trợ liên quan đến người lao động, nhưng rồi xác định luôn là không đủ điều kiện vì chúng tôi đã không cho công nhân nghỉ việc mà chỉ giảm thời gian làm việc. Chúng tôi buộc phải đặt câu hỏi rằng, những đề xuất này có thực sự nhắm đến đối tượng DN cần hỗ trợ không”, ông Thắng nói.

Đây không phải lần đầu ông Thắng đặt câu hỏi này. Ngay khi các nghị quyết về hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 được ban hành, ông Thắng đã thấy nhiều điều kiện “không thực sự phù hợp với thực tế”, thậm chí làm khó cho các DN.

Đơn cử như việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất chỉ áp dụng với DN có số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra… “Hai tháng trước, chúng tôi đã hỏi tại sao không hỗ trợ các DN giữ chân lao động. Nhưng hiện giờ, chúng tôi lại hỏi, tại sao các nhà hoạch định chính sách không rà soát, đánh giá tình hình thực hiện của các giải pháp này, để có sự chỉnh sửa cho phù hợp hơn. DN không cần nhiều giải pháp, nhưng cần các giải pháp khả thi, có hiệu lực thực tế và quan trọng là thực hiện càng nhanh càng tốt”, ông Thắng bình luận.

Môi trường kinh doanh thuận lợi vẫn là chìa khóa vàng

Trong nền kinh tế thị trường, việc DN phải đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường vì yếu kém là điều không tránh khỏi cho dù dịch bệnh có xảy ra hay không. Vì vậy, khi trao đổi về các giải pháp hỗ trợ DN, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã xác định, trong nguồn lực có hạn, chính sách cần lưu ý tập trung hỗ trợ cho các DN có tiềm năng, đang gặp khó khăn tạm thời do dịch bệnh.

“Hỗ trợ là hỗ trợ phát triển, chứ không phải hoạt động cứu tế cho những DN không đủ sức cạnh tranh. Hỗ trợ các DN có tiềm năng sẽ không chỉ giúp nền kinh tế không đổ vỡ khi dịch bệnh mà còn định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi”, ông Lộc nói.

Vấn đề là, các DN tiềm năng không chỉ nhìn vào các gói hỗ trợ trước mắt mà cần nhiều hơn các không gian phát triển, để họ có thể tận dụng mọi cơ hội phục hồi, dù là nhỏ nhất.

Vào thời điểm này, các DN đang nói nhiều về cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa có hiệu lực vào đầu tháng 8/2020 đã mở ra.

Tuy nhiên, Covid-19 khiến thời điểm hiệu lực này trở nên không mấy thuận. Covid-19 đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung - cầu, nhu cầu của thị trường EU bất định, làm nhiều DN Việt mất đi khả năng chủ động tận dụng cơ hội tham gia “tuyến cao tốc đặc biệt” này. Vì lúc này, bài toán tồn tại đang được thay cho các kế hoạch phát triển...

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết có hiệu lực vào thời điểm bất ổn của kinh tế toàn cầu. Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, thì năm 1996, những dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng tài chính châu Á đã nổi lên ở Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia… trước khi bùng phát vào một năm sau đó. Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng là năm đầu tiên của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu 2008 làm rung chuyển cả hệ thống tài chính, được xác định là tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1930.

Lần này, WTO dự báo, tình trạng suy thoái và mất việc làm do Covid-19 có thể còn nghiêm trọng hơn cuộc suy thoái mà khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 gây ra. Là một nền kinh tế mở, Việt Nam chắc chắn không đứng ngoài các hệ lụy.

Nhưng, khi đánh giá các bước hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, thành tựu lớn nhất luôn được nhắc tới, đó là năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ nhờ cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật; vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng toàn cầu được cải thiện liên tục.

Lần này, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, EVFTA tiếp tục tạo sức ép để Việt Nam tăng tốc thực hiện các kế hoạch cải cách thể chế, nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh đạt chuẩn mực của thông lệ quốc tế tốt nhất.

Hơn thế, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh (CIEM) còn tin rằng, Covid-19 không thể làm dừng lại các nỗ lực cải cách, nhất là cắt giảm điều kiện kinh doanh, các quy định không phù hợp với thông lệ thị trường của các bộ, ngành và Chính phủ.

“DN đang khó khăn, các bộ, ngành, địa phương muốn hoàn thành các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay cần phải đi cùng với DN, hỗ trợ DN bằng chính các đề xuất cắt bỏ, thay thế các điều kiện, quy định không còn phù hợp. Có thể đây chính là thời điểm dễ có sự đồng thuận trong cải cách, để cùng vượt qua khó khăn”, bà Thảo nói.

Linh Ánh