'Phát khóc' vì sức khỏe doanh nghiệp Việt

00:00 12/10/2020

Dù ít hơn về số lượng nhưng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lại chiếm tới hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Rõ ràng, Việt Nam chưa thực sự có một lực lượng doanh nghiệp Việt đúng nghĩa, đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước, quốc tế và ứng phó với các cú sốc bên ngoài.

Tại Hội nghị ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp (DN) Việt diễn ra ngày 15/5, Ts. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết khi bàn về DN Việt Nam, ông rất xúc động.

"Tôi nghĩ không riêng mình tôi có cảm xúc như vậy, mà ai yêu đất nước Việt Nam khi nói tới năng lực DN Việt đều muốn khóc bởi "sức khỏe" của DN quá yếu", ông Thiên chia sẻ.

"Sức khỏe" quá yếu

Ts. Lương Minh Huân, Viện Phát triển DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết số lượng DN tham gia trực tiếp vào xuất nhập khẩu năm 2017 là 79,8 nghìn DN (chiếm 12,2% tổng số DN đang hoạt động); năm 2018 là 85,6 nghìn DN (gần 12% tổng số DN đang hoạt động).

Tuy nhiên, Báo cáo triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy chỉ có 21% các DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan và 46% của Malaysia.

Trong khi đó, Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, dẫn lại Báo cáo Tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy hiệu quả kinh doanh (tính bằng lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản – ROA) bình quân năm 2016 của khối DN chỉ đạt 2,7%; trong đó khu vực DN FDI có hiệu suất sinh lời cao nhất (6,9%); tiếp đến là khu vực DN nhà nước (2,6%) và thấp nhất là khu vực DN ngoài nhà nước (1,4%, cao hơn không đáng kể mức 1,2% năm 2011).

Về tình hình phát triển DN, mức tăng trưởng bắt đầu có xu hướng chững lại từ giữa năm 2018 (năm 2018 chỉ tăng 3,48% về số DN và 13,77% về số vốn đăng ký; 4 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 4,87% về số DN và 31,66% về vốn đăng ký), trong khi số DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể có những giai đoạn tăng mạnh trên 30 – 40% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của khối DN ngoài nhà nước chưa cao có thể do hạn chế về quy mô, công nghệ, quản trị điều hành DN; môi trường kinh doanh vẫn là một trở ngại… Tuy nhiên, ông Lực cho rằng một trong những nguyên nhân lớn nhất chính là nội tại DN… dẫn đến khả năng ứng phó với các cú sốc bên ngoài chưa tốt.

Tại Hội nghị, đại diện CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nêu câu hỏi: DN này đang xuất khẩu (XK) sản phẩm phích nước sang thị trường Trung Quốc, một số nhà nhập khẩu đặt vấn đề thanh toán bằng Nhân dân tệ (NDT) thay vì USD. Vậy, trong bối cảnh hiện nay, DN nên chấp nhận thanh toán bằng NDT để có đơn hàng và giữ khách hàng, hay có cách làm gì khác?

Trả lời thắc mắc này, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng DN phải tự dự báo và đánh giá rủi ro, đưa ra kịch bản cho mình. Nếu kịch bản thay đổi USD bằng NDT thì rủi ro gì xảy ra, còn nếu giữ nguyên sẽ ra sao. Trên cơ sở đó chọn phương án ít rủi ro nhất.

"Bản thân DN mới có thể tự đánh giá rủi ro, cơ hội của mình trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện nay", ông Tuấn cho biết.

Ts.Trần Đình Thiên đồng tình cho rằng: "Đúng là câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào DN, chỉ có DN mới có thể tự quyết định tương lai cho mình. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ đem tới nhiều cơ hội nhưng cơ hội chỉ dành cho người có năng lực. Thời cơ bao giờ cũng rất lớn nhưng chỉ dành cho những người giỏi, người tài. Giải pháp không có sẵn cho bất cứ một câu hỏi nào mà tuỳ điều kiện mỗi người".

Ông Thiên đánh giá như thời gian vừa qua, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và chúng ta luôn đánh giá là cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, ai là người hưởng thành quả của lợi ích cắt giảm thuế quan? Câu trả lời chính là khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – chiếm hơn 70% kim ngạch XK. Điều này cho thấy cơ hội là rất lớn nhưng chúng ta không có năng lực sẽ bị người khác "ăn hết".

gia-tang-suc-canh-tranh-cua-do-9591-6514

Mỗi DN cần tự tìm ra lợi thế để gia tăng sức cạnh tranh của chính mình

Câu trả lời ở chính mỗi DN

Theo ông Thiên, hiện nay chỉ "đếm trên đầu ngón tay" số ít DN lớn, đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài tại Việt Nam và cạnh tranh trên trường quốc tế.

Ông Thiên cho rằng đã đến lúc phải đặt lại câu hỏi Việt Nam đã thực sự có lực lượng DN Việt hay không, hay chỉ có tập hợp các DN khác chuỗi sản xuất, khác chuỗi giá trị nhưng cùng đặc điểm là nhỏ bé, sống tách biệt?

"Hiện, hơn 65% DN là siêu nhỏ. Tại sao DN siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn như vậy? Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân, kích thích để DN Việt lớn lên", ông Thiên nêu giải pháp và nhấn mạnh chính bản thân mỗi DN cũng cần tìm ra lợi thế của mình để nâng cao sức cạnh tranh.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM), cho rằng hiện nay, khái niệm quản trị là xa xỉ với các DN của Việt Nam. Mặc dù quản trị góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho DN, quản trị không tốt là hủy hoại công ty.

Đánh giá về mức độ quản trị của DN Việt Nam, ông Hiếu khẳng định, các DN Việt Nam mới đang chuyển từ giai đoạn thức tỉnh, bắt đầu nâng cao nhận thức chứ chưa áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế.

Những DN có trình độ quản trị tốt nhất của Việt Nam mới chỉ đạt điểm số 41/120 điểm trên bảng xếp hạng các quốc gia trên thế giới – xếp sau các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan. Bình chọn DN có trình độ quản trị tốt nhất, đa số DN mới đang nằm ở mức độ đáng khen, chứ chưa đến mức độ tạm gọi là trung bình.

Ông Hiếu không cho rằng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật có ảnh hưởng tới trình độ quản trị của DN. Minh chứng dễ thấy nhất là luật pháp của Thái Lan còn yếu hơn Singapore nhưng xếp hạng quản trị DN vẫn nằm tốp đầu khu vực… Do vậy, quản trị DN là nhu cầu bức thiết của mỗi DN, chừng nào bản thân chủ DN chậm thay đổi, DN sẽ càng kém cạnh tranh, cộng đồng DN Việt nói chung sẽ càng yếu.

"Cam kết quản trị tốt là cam kết của DN, quản trị phải là quản trị thực chất, chứ không phải hình thức. Quản trị trước hết vì lợi ích của chính DN", ông Hiếu nhắn nhủ.

Theo ông Cấn Văn Lực, để tăng khả năng chống chịu với các tác động bên ngoài, các DN cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón lường các thuận lợi, thách thức đem lại. Các DN Việt cần nâng cao trình độ quản trị, chất lượng sản phẩm, có chiến lược phát triển kinh doanh, thị trường và thương hiệu.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực, hết sức chú trọng lực lượng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn cao, nhất là kiến thức về kinh doanh số và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ trong bối cảnh kinh tế số, kinh doanh số…

Ts. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Việt Nam cần nhấn mạnh đến khái niệm "Make in Vietnam", "Make by Vietnam" bởi nó đồng nghĩa với việc làm ra bởi người Việt Nam, tạo ra giá trị gia tăng cho người Việt Nam. Nó hoàn khác với khái niệm "Made in Vietnam" có nghĩa là bao gồm tất cả sản phẩm được làm ra ở Việt Nam nhưng chủ yếu do DN FDI sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng nhưng vẫn nhìn thấy sự không bền vững. Giai đoạn 2009-2010, kim ngạch XK của DN Việt Nam so với DN FDI là tương đương, giờ sau 9 năm, khối DN FDI vươn lên hơn 70%. Đến một ngày nào đó, XK sẽ thuộc về khối ngoại. Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế hơn 30 năm nhưng dường như cách làm của DN Việt vẫn như những ngày đầu, tức là làm xong sản phẩm mới đi tìm thị trường. Tại sao DN không chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tự định giá và quyết định số phận chính sản phẩm của mình?

Ts. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế DN

Việt cần nâng cao năng lực hội nhập bằng cách chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các FTA đã ký kết, đảm bảo hưởng tối đa các ưu đãi (như tiêu chí về xuất xứ hàng hóa và nguồn nguyên liệu; các vấn đề về an toàn thực phẩm và môi trường, các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền), chủ động đầu tư theo chiều sâu và liên kết nhằm nâng cao hiệu quả cho mỗi khâu…

Lê Thúy