Những kịch bản chi phối các trục quan hệ trong một thế giới đa cực

00:00 12/10/2020

Các nhà lãnh đạo thế giới khi tập trung ở New York để chuẩn bị cho các cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ có rất nhiều vấn đề để thảo luận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của báo The Business Times, khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung ở New York để chuẩn bị cho các cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, họ sẽ có rất nhiều vấn đề để thảo luận ngoài những vấn đề như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đặc biệt, trước tình trạng đối địch đang leo thang giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, chắc chắn nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của tổ chức này là giúp thế giới tránh một cuộc chiến tranh lạnh khác.

Một số chuyên gia lập luận rằng chúng ta giờ đây đang sống trong một thế giới đa cực, trong đó các nước trung bình quan trọng có đủ sức mạnh để chi phối các vấn đề toàn cầu.

Theo quan điểm này, trong khi thế giới không còn bằng phẳng, nó có nhiều trung tâm trong các lĩnh vực như dòng tài chính, thương mại, quản lý dữ liệu lớn và Internet... Cấu trúc trung tâm và các vệ tinh này đem lại nhiều hình thức hợp tác và cạnh tranh khác nhau giữa các chính phủ. 

Mô hình này đem lại một diện mạo đáng tin cậy về vai trò của các nước như Ấn Độ, Đức, Nga, Brazil và Nhật Bản trong hệ thống toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, quan điểm về thế giới đa cực này cũng chỉ phần nào làm giảm bớt mức độ nghiêm trọng của sự mất cân bằng quyền lực rất lớn giữa G-2 và phần còn lại.

Ấn Độ tương đương Trung Quốc về mặt dân số, nhưng GDP của nước này (tính theo giá thị trường) chỉ bằng khoảng 20% GDP của Trung Quốc. Hơn nữa, năng lực quân sự và công nghệ của Ấn Độ, mặc dù ấn tượng, nhưng cũng còn cách xa Trung Quốc hay Mỹ. Điều tương tự cũng xảy ra với các nước trung bình quan trọng khác. 

Mỹ và Trung Quốc bị chia rẽ bởi hệ tư tưởng và có quan hệ đối kháng nhau. Về kinh tế, nhiều thập kỷ toàn cầu hóa đã làm cho hai nước trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn rất nhiều.

Sự phụ thuộc lẫn nhau này vừa trở thành một tài sản chiến lược vừa là một món nợ, bởi cả hai bên đều có thể tìm kiếm lợi ích địa chính trị bằng việc vũ khí hóa các mạng lưới toàn cầu như chuỗi cung ứng, cơ chế minh bạch tài chính cũng như cơ sở hạ tầng viễn thông. 

Hai diễn biến có thể làm thay đổi bức tranh hiện nay. Thứ nhất, Trung Quốc và Mỹ mỗi bên đều có thể phát triển theo cách đưa họ đến gần nhau hơn về hệ tư tưởng.

Chính quyền mới của Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 có thể hướng theo một tiến trình mang xu hướng quốc tế hơn, trong khi sự tiến bộ nổi bật về mặt kinh tế của Trung Quốc có thể tiến tới tự do hóa chính trị dần dần. Tuy nhiên, một triển vọng như vậy không có khả năng trở thành hiện thực trong tương lai gần. 

Thứ hai, một Liên minh châu Âu (EU) hội nhập hơn có thể trở thành siêu cường thứ ba trong thế giới G-3 và đóng vai trò cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Châu Âu có các nguồn lực cần thiết về kinh tế, tài chính, công nghệ và con người. Chủ nghĩa đa phương đã ăn vào máu của lục địa này. 

Một cách lý tưởng hơn đó là cả hai diễn biến trên diễn ra đồng thời. Nếu một châu Âu hội nhập hơn và một nước Mỹ hướng ngoại tăng cường mối quan hệ của họ và một lần nữa ủng hộ chủ nghĩa đa phương, coi đó là cách tốt nhất để duy trì hòa bình và đem lại điều tốt đẹp chung cho toàn cầu, thì khi đó việc Trung Quốc đứng ngoài tiến trình này sẽ trở nên khó khăn và tốn kém hơn. 

Tuy nhiên, về lâu dài, sức mạnh của Trung Quốc có thể đối địch được với sức mạnh của Mỹ và châu Âu cộng lại. Mặc dù những dự đoán kinh tế dài hạn cần phải được xem xét một cách thận trọng, nhưng những đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế châu Âu (OECD) về tăng trưởng GDP thực cho rằng đến năm 2040, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ lớn bằng nền kinh tế của Mỹ và EU-27 cộng lại.

Đương nhiên, GDP chỉ là một tham số, nhưng những thước đo khác liên quan đến công nghệ hay các kỹ năng cũng đem lại những kết quả tương tự. 

Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay diễn ra giữa những lo ngại đồng thời. Qua những tranh chấp thương mại đang leo thang, Mỹ và Trung Quốc đang gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể cho bản thân họ và các nước khác./.

Nguyễn Thúy (TTXVN tại Singapore)