Những gương sáng trong cuốn "Hào khí Trường Sơn"

00:00 12/10/2020

Cuốn sách "Hào khí Trường Sơn" Nhà xuất bản Hội nhà văn 2019 do Ban chấp hành Hội Trường Sơn, Báo cựu chiến binh Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương tổ chức cuộc thi viết "Hào khí Trường Sơn". Cuốn sách ra đời được tập hợp 46/1200 bài viết của 46 tác giả đoạt giải từ giải nhất cuộc thi đến giải tư. Cuốn sách "Hào khí Trường Sơn" đã tái hiện phần nào về những chiến sĩ Trường Sơn trong cuộc chiến đấu và chiến thắng vĩ đại đế quốc Mỹ có đội quân tinh nhuệ, trang thiết bị, vũ khí hiện đại nhất ở Thế kỷ 20.

Cuốn sách "Hào khí Trường Sơn"

Cuốn sách "Hào khí Trường Sơn", với hai chủ đề: Trường Sơn những năm tháng hào hùng, viết về gương chiến đấu hy sinh của các lực lượng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên dọc tuyến đường Trường Sơn hiểm trở đầy khó khăn gian khổ. Về một thời của dân tộc "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" và tinh thần đoàn kết quốc tế Việt Nam - Lào - Campuchia. "Tỏa sáng Trường Sơn" viết về những câu chuyện, những gương sáng cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường mang tên Bác Hồ kính yêu, đường Hồ Chí Minh. Nay họ tiếp tục tỏa sáng trên trận tuyến mới đầy cam go đó là lao động sản xuất, kinh doanh... Tròn mười năm kể từ ngày phát động 22-3-1908 đến 22-3-2019 đã có 1200 tác phẩm dự thi. Mỗi bài viết đều đậm nét trên ấn phẩm "Hào khí Trường Sơn" đều mang ý nghĩa tôn vinh những con người đã đóng góp sức lực, trí tuệ, máu xương cả một thời xuân sắc để làm nên một con đường Trường Sơn, con đường huyền thoại. Cố nhà thơ Nguyễn Đình Phương là người lính Cụ Hồ đã từng chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn máu lửa. Nhà thơ có cảm nhận về nữ thanh niên xung phong thời đánh Mỹ và bây giờ ... trở về đời thường: "thương thay nàng Tô Thị/ Bồng con đứng đó chờ chồng/ Thương em một thời đánh Mỹ/ Bây giờ ...".

Về chủ đề gương chiến đấu hy sinh của các lực lượng tham gia chiến đấu, tôi đọc bài: "Tôi được kết nạp Đảng" của tác giả Trương Văn Nhi, quê quán thôn Quao (Lâm Xuyên), xã Phú Điền, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, ông là cựu chiến binh Việt Nam, kĩ sư chế tạo máy đại học Bách Khoa Hà Nội, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Mở đầu bài viết: "Tôi được kết nạp Đảng" đã có lời phi lộ như nhiều cựu chiến binh khác từng tham gia chiến đấu ở đường Trường Sơn khói lửa. Xin trích đoạn mở đầu trong ấn phẩm trang 169 cuốn "Hào khí Trường Sơn". "Tháng 2-1966 đến tháng 7-1966, Đại đội 4 ô tô thuộc Cục Hậu cần Quân khu 4 chúng tôi được điều động về Binh trạm 1 Bộ Tư lệnh 559 làm nhiệm vụ vận tải phục vụ hơn 3 tháng trên tuyến Nhommalat - Mụ Dạ. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tôi trở thành đối tượng kết nạp Đảng của Chi bộ Đại đội 4. Bản thân tôi lý lịch rõ ràng, bố là đảng viên tham gia kháng chiến chống Pháp, chú ruột là bộ đội tình nguyện chống Pháp, một cô ruột là du kích chống Pháp. Duy chỉ có vướng mắc: Một cô ruột khác lấy chống ngụy quân, vào Nam năm 1955, không rõ sống chết ra sao. Vì thế tôi muốn trở thành đảng viên cần phải phấn đấu ở mức cao hơn. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi thử thách để được trở thành một đảng viên của Đảng".

Đúng là phấn đấu để được kết nạp Đảng, rồi thử thách đã đến: Tối ngày 27-5-1968 đoàn xe chở hàng gồm 5 chiếc, trong đó có xe Trương Văn Nhi xung phong đi đầu nhận hàng ở gần thị xã Hà Tĩnh, giao hàng ở Ba Đồn (Quảng Bình). Đêm càng về khuya lại đi trên tuyến đường có nhiều bom từ trường do địch cài lại. Xe của Trương Văn Nhi đi đầu đã trúng bom từ trường. Trương Văn Nhi và anh Nhiên Tiểu đoàn phó bị thương nặng, đơn vị đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Cẩm Xuyên rồi về quân y 4, ra viện về an dưỡng ở đoàn 200. Ở đây Hội đồng y khoa xếp hạng loại thương binh tỷ lệ thương tật 31%. Về đơn vị được thủ trưởng tuyên dương trao tặng danh hiệu chiến sĩ Quyết thắng và Huy hiệu Quyết thắng. Đồng thời anh được kết nạp vào Đảng ngày 25-2-1969 thuộc chi bộ Đại đội 4, Binh trạm 3 Trường Sơn.

Với chủ đề gương chiến đấu hy sinh, tôi đọc đi đọc lại hai ba lần cuốn sách "Hào khí Trường Sơn" cho vợ tôi nghe. Có lúc vợ tôi xúc động thương bộ đội, thương thanh niên xung phong, thương dân quân hỏa tuyến. Họ hy sinh xương máu nhiều quá. Vợ tôi thời kỳ ấy cũng là bộ đội biên chế ở Bộ Tư lệnh Thông tin. Đặc biệt bài viết Người anh hùng chưa được vinh danh của Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu. "Trên toàn tuyến chưa đầy 50km hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi khảo sát, thi công, vận hành tuyến đường ống để đưa xăng vào mặt trận. Trong gian khổ ác liệt đã xuất hiện rất nhiều gương dũng cảm hy sinh vì đồng đội. Chiến sĩ Nguyễn Lương Định là một tấm gương trong số đó". Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nói: "Nếu đường Trường Sơn là huyền thoại, thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó". Tác giả bài báo viết: "Nguyễn Lương Định thực sự là một anh hùng, một người anh hùng chưa được vinh danh...".

Với chủ đề 2: Tỏa sáng Trường Sơn. Các tác giả viết về những gương sáng cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu dân quân hỏa tuyến từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Nay họ tiếp tục tỏa sáng trên các trận tuyến lao động sản xuất, kinh doanh. Điển hình là anh Phan Trung Lý là một ví dụ và đây là anh Phan Văn Quý, xin trích đoạn của tác giả Phạm Thị Nhung trong bài "Người chiến sĩ ấy", trang 29 của cuốn sách: Hai mươi ba tuổi khi đang là chiến sĩ lái xe Trường Sơn, Phan Văn Quý được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bốn mươi lăm tuổi, ông chính thức vào thương trường sau khi đã nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Năm mươi bảy tuổi, ông tự ứng cử và trúng cử Đại biểu Quốc hội. Tập đoàn Thái Bình Dương do ông làm Chủ tịch đã và đang đồng hành cùng nhiều Tập đoàn nổi tiếng thế giới với những dự án tỷ đô. Có quá nhiều điều để viết về ông - "Người chiến sĩ ấy".

Là người có tầm và có tâm, khi thành đạt trong sản xuất kinh doanh, Nguyễn Đăng Giáp rất coi trọng xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp; đặc biệt là phục dựng văn hóa truyền thống và thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa". Ông và các thành viên trong gia đình khởi xướng, tự nguyện đóng góp tài lực và tập hợp được sự ủng hộ của nhiều nhà hữu sản, hữu tâm, phục dựng đề Diên Cờ (Nghi Lộc) từ phế tích, được công nhận là di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia; đóng góp tôn tạo di tích lịch sử Truông Bồn. Bản thân, gia đình ông và Tổng Công ty 36 đã đóng góp nhiều tỷ đồng xây dựng Đài tưởng niệm 32 cán bộ, chiến sĩ B6, C2, D4, E270 chiến đấu hy sinh tại Cao điểm 21 xã Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị... Trong hào quang thành đạt, ông không quên đồng chí, đồng đội một thời bom đạn ở Trường Sơn... Những việc làm nói trên và nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện khác đã đưa Nguyễn Đăng Giáp vào hàng ngũ "Những người biết sống và đáng sống" (lời Giáo sư Nguyễn Đình Chú).

Cuốn "Hào khí Trường Sơn" là một ấn phẩm để đời, một phần quà quý giá cho các chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến từng chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn. Đặc biệt không bao giờ quên Tư lệnh Binh đoàn 559 Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Vị Tư lệnh gắn bó máu thịt với chiến trường Trường Sơn, là linh hồn của con đường huyền thoại.

 Quang Minh