Những giải pháp tu tập của Phật giáo làm cân bằng đời sống vật chất và tinh thần

00:00 12/10/2020

“Đạo đức trong kinh doanh, trong cách ứng xử theo tinh thần Phật giáo, theo những phương pháp tu tập đạo luật nhân – quả sẽ giúp cho người làm kinh doanh có được tinh thần bình an và là nền tảng cho phát triển sự nghiệp…” Đó là chia sẻ của Thượng tọa Thích Thọ Lạc- Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập nhân kỷ niệm Ngày báo chí Việt Nam 21/6.

 

Đại lễ Vesak đã kết thúc tốt đẹp với nhiều kỷ lục được xác lập. Thành công đó là niềm vui, niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam - ở đất nước mà đạo Phật có thể coi là Quốc đạo. Cảm xúc đó sẽ lớn hơn rất nhiều khi là những người con của Phật. Xin Thượng tọa chia sẻ thêm về điều này?

Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa của thế giới được Liên Hợp Quốc công nhận vào năm 1999. Đến năm 2019 là lần tổ chức thứ 16. Đại lễ Vesak được tổ chức tại Việt Nam 3 lần: Năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia; lần thứ 2 được tổ chức ở chùa Bái Đính và lần thứ ba được tổ chức tại chùa Tam Chúc, Hà Nam. Cả 3 lần có thể nói Việt Nam tổ chức rất thành công, đặc biệt lần thứ 3 được tổ chức gọi là thành công nhất, được xác lập rất nhiều kỷ lục và được quốc tế đánh giá rất cao.

Với 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, 20.000 đại biểu trong nước tham dự…chưa bao giờ có số lượng khách nước ngoài đến tham dự Đại lễ đông như vậy, đặc biệt rất nhiều các vị nguyên thủ quốc gia đến tham dự cũng được xem như là một kỷ lục như: Tổng thống của Myanmar; Thủ tướng của Nepal; Phó Tổng thống, Thượng viện, Nghị viện của Ấn Độ; Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc. Đó là nhưng nguyên thủ rất quan trọng và đến có những phát biểu rất sâu sắc tại Đại lễ.

Kỉ lục 510 bài tham luận trong nước và ngoài nước tại Đại lễ với các chủ đề phù hợp với xu hướng phát triển chung của toàn cầu và đất nước Việt Nam. (Chủ đề chính của Vesak 2019 là Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững. Nhiều diễn đàn về chủ đề này được tổ chức như: Lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục, gia đình hòa hợp; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm). Tôi nghĩ rằng, nhìn chung cả về nội dung lẫn hình thức cũng như các chương trình hội thảo, chương trình giới thiệu văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật biểu diễn đều rất thành công. Là người con của Phật, đệ tử của phật, công dân của đất nước Việt Nam, tôi thấy rất vinh dự cho Phật giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam đã làm một việc hết sức ý nghĩa và đóng góp tuyên truyền chung cho cộng đồng quốc tế.

 Thượng tọa Thích Thọ Lạc- Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Thưa Thượng tọa, vậy sự thành công của Đại lễ Vesak 2019 đã khẳng định được rất lớn tâm thế, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng Giáo hội Phật giáo quốc tế?

 Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Đúng vậy, qua Đại lễ hội này họ đánh giá rất cao cả về cơ chế của đất nước Việt Nam cũng như tôn giáo Việt Nam. Tại Đại hội, ngài Phó Chủ tịch Vesak thế giới nói: Việt Nam kết nạp được 37 thành viên mới đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ rất yêu mến Phật giáo Việt Nam và đất nước dân tộc Việt Nam nên họ đến tham dự và rất thích gia nhập vào Đại hội Vesak này. Điều đó đã khẳng định được vị thế Phật giáo nói riêng và Giáo hội Phật giáo nước ta nói chung được cộng đồng quốc tế ghi nhận và họ đến tham gia đông đủ.

Các đại biểu tham dự Đại lễ có từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ coi giáo pháp của đức Phật như sự dẫn dắt tinh thần cho nền quản trị toàn cầu. Là giải pháp khả thi cho sự thịnh vượng, phát triển và tiến bộ của nhân loại trong tinh thần duyên sinh. Vesak 2019 ra thông điệp thừa nhận “Sự vĩ đại của Phật giáo trong thời hiện đại”. Xin Thượng tọa giải thích về vấn đề này?

Thượng tọa Thích Thọ Lạc: Những hoạt động của Vesak và kết quả của Vesak phần nào minh chứng cho thông điệp: Phật giáo là hướng tới thế giới hòa bình, sự chung sống và ổn định. Đề nghị các nước trên thế giới thực hiện 5 điều răn của Phật (tránh xa sát sinh; tránh xa sự trộm cắp; tránh xa sự tà dâm; tránh xa sự nói dối; tránh xa sự dễ dãi uống rượu và các chất say). Những đạo đức căn bản của Phật giáo cũng là những đạo đức căn bản của xã hội nên áp dụng vào trong các trường học. Tôi được biết có một trường ở miền Nam đưa chương trình này vào học đường, thành các môn học chính thức.

Ảnh minh họa

Chủ đề của Đại hội này là Phật giáo đóng góp trong lãnh đạo toàn cầu và đem những giải pháp để phát triển xã hội, đó là những khía cạnh như: giáo dục, y tế, môi trường, thương mại và thông điệp hòa bình của Phật giáo. Trong 510 bài tham luận đều đào sâu chân lý tinh thần, tư tưởng của đạo Phật trên tinh thần tư tưởng lối sống của Phật giáo một giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn toàn cầu hiện nay như vấn đề môi trường, chiến tranh, xung đột xã hội, bất bình đẳng giới tính, y tế, CM 4.0… Những vấn đề đó được xem như là vấn đề đạo đức học…sẽ được áp dụng trong toàn cầu để làm giảm nhiệt những vấn nạn hiện nay toàn cầu đang phải hứng chịu. Những giải pháp đó sẽ giúp thế giới bình an hơn để những vấn đề y tế, xã hội… phát triển một cách bền vững. Đây chính là thông điệp của Vesak 2019 đưa đến cho nhân loại toàn cầu, cũng là một đóng góp rất lớn của Đại lễ Vesak năm 2019 của Việt Nam.

Hiện nay, giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã lấy tư tưởng của Phật giáo làm kim chỉ nam trong đạo đức kinh doanh. Vậy với những thông điệp mà Vesak 2019 đưa ra sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp doanh nhân?

Thượng tọa Thích Thọ Lạc:Tôi nghĩ nếu các doanh nhân, doanh nghiệp áp dụng những thông điệp tư tưởng định hướng của Phật giáo và thông điệp của Đại lễ Vesak này sẽ giúp các doanh nhân, doanh nghiệp thành công hơn. Khi anh là doanh nhân, làm doanh nghiệp, áp lực trong cuộc sống rất là lớn. Chính những giải pháp tu tập của Phật giáo làm người ta cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần. Đặc biệt, muốn có uy tín thì chúng ta phải có đạo đức, và ngược lại, mọi người sẽ mến ngộ và dễ thành công trong kinh doanh.

 Nếu chúng ta thiếu những đạo đức cơ bản thì chắc chắn không có được niềm tin từ quần chúng và mọi người. Khi người ta không tin tưởng thì sự hợp tác giữa 2 bên sẽ bị giảm thiểu, nên đạo đức trong nghề nghiệp, trong kinh doanh, trong cách ứng xử theo tinh thần Phật giáo, theo những phương pháp tu tập đạo luật nhân – quả sẽ giúp cho người làm kinh doanh có được tinh thần bình an…, là nền tảng cho phát triển sự nghiệp và giữ được thăng bằng trong nội tâm của con người, điều hòa được đời sống vật chất và tinh thần.

Xin cám ơn Thượng tọa!

Diệu Hồng