Người bán vé số dạo TP.HCM: "Mừng rớt nước mắt khi được đùm bọc, yêu thương!"

00:00 12/10/2020

"Khi nghe tin từ đầu tháng 4, các công ty XSKT sẽ ngưng phát hành vé số để phòng chống dịch Covid-19 trong 15 ngày, tôi rụng rời chân tay. Vì lâu nay mình chỉ biết sống bằng nghề bán vé số, nhờ vào đó mà nuôi thân, nuôi con ăn học, giờ phải nghỉ bán tới nửa tháng thì biết lấy gì để sống", ông Nguyễn Kim Bào, quê Phú Yên, hành nghề bán vé số khu vực Quận 2, TP.HCM chia sẻ khi gặp chúng tôi vào ngày cuối của tháng 3/2020.

 

Thế nhưng hơn một tuần sau, gặp ông trong căn phòng trọ ở phường Bình An, Quận 2, thấy ông nở nụ cười, dù nét mặt vẫn chưa hết lo lắng: "Tạm ổn rồi chú, ngay những ngày đầu tháng, tôi đã được chủ đại lý hỗ trợ mỗi ngày 50.000 đồng, lại được một số nhà hảo tâm tặng ít mì gói, sắp tới lại tiếp tục được nhận hỗ trợ từ chính quyền thành phố, không còn lo đói khát nữa".

Ông Nguyễn Kim Bào vui mừng khi nhận được những sự hỗ trợ từ cộng đồng và chính quyền thành phố

Ông Bào năm nay ngoài 70 tuổi, rời quê nhà Phú Yên vào Sài Gòn từ năm 2004. Suốt từ bấy đến giờ, ngay nào ông cũng vừa đạp xe, vừa cuốc bộ hơn 20 km bất kể nắng mưa, để bán từng tờ vé số. Ông cho biết, bình thường mỗi ngày ông bán được khoảng 300 tờ, kiếm được trên dưới 300.000 đồng. Khoản tiền ấy ông chia làm 3 phần: Một phần chi phí cho 2 bữa ăn đạm bạc để có sức mà "chiến đấu với đời", một phần lớn chi trả tiền học và tiền ăn cho cậu con trai đang học đại học ở Sài Gòn, phần còn lại gửi về quê phụ giúp cho người vợ cũng tuổi cao, đau yếu quanh năm.

"Phải nghỉ bán, sống bằng tiền trợ cấp và từ thiện là điều chẳng ai mong muốn. Như tôi, có đủ ăn cũng là may rồi, còn tiền học cho con, tiền gửi về quê cho vợ phải tạm "cắt", chờ đến khi đi làm lại sẽ tính sau", ông lại cười, nhưng những nếp nhăn của tuổi già đã in hằn trên gương mặt dường như sâu hơn, khiến cho người đàn ông nhỏ thó, khắc khổ càng trở nên đáng thương hơn.

Cùng quê Phú Yên, ông Đào Văn Hùng từng có 12 năm bươn chải khắp các tuyến đường khu vực ven Sài Gòn để bán vé số. "Đã trải qua nhiều nghề khác nhau, nhưng cuối cùng tôi lại gắn bó với nghề bán vé số. Bởi cái nghề này có vẻ "hợp" với tôi - một người không có nghề nghiệp, sức khỏe không tốt, chỉ được cái cần cù, chịu khó. Nhưng năm trước, cứ 3 tháng tôi gửi tiền tiền quê một lần, khi 15, lúc được 20 triệu, giúp các con được học hành đến nơi đến chốn, vợ tôi cũng sửa được căn nhà đỡ xập xệ. Hồi cuối tháng 3, tôi đã nghe tin đồn vé số sẽ ngưng phát hành từ ngày 1/4, dù không tin nhưng tôi cũng phải dự liệu cho tình huống xấu. Tuy nhiên, do trước và sau Tết năm nay, lượng vé bán hằng ngày giảm mạnh, đến khi dịch Covid-19 bùng phát thì gần như không còn bán được nữa, nên chút ít tiền tôi để dành cũng cạn kiệt. Không thể không lo lắng, khi nguy cơ đói kém đã cận kề. Rất may là ngay từ những ngày đầu tháng 4, tôi đã nhận được một số khoản hỗ trợ của các nhà hảo tâm và đại lý, nên cũng tạm đủ ăn qua ngày. Càng mừng hơn khi vài ngày tới sẽ được nhận tiền hỗ trợ từ UBND TP.HCM. Dù khoản tiền 50.000 đồng/ngày là khá ít ỏi so với thời "hoàng kim" nhưng dẫu sao cũng giúp tôi vững tâm hơn, có thể xác định tiếp tục gắn bó với nghề sau khi hết dịch", ông Hùng chia sẻ.

Ông Đào Văn Hùng: Sự hỗ trợ kịp thời giúp ông tự tin để tiếp tục gắn bó với nghề

Cũng như ông Bào, ông Hùng, những ngày này, khoảng 12.000 người bán vé số dạo ở TP.HCM đang sống trong tình yêu thương, đùm bọc của cộng đồng. Khoản hỗ trợ với tổng giá trị lên tới 9 tỷ đồng của chính quyền thành phố - trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Công ty TNHH MTV XSKT TP.HCM sẽ đến tay họ trong những ngày tới, hẳn sẽ giúp mọi người cảm thấy ấm lòng.

Bà Đào Thị Thu (phải) xúc động khi nhận được những "món quà nghĩa tình" của cộng đồng và chính quyền TP.HCM dành cho người bán vé số dạo

"Chúng tôi đã từng gắn bó với nghề bán vé số dạo nhiều năm, đã từng đối mặt với không ít thời điểm khó khăn, nhưng đây đúng là khó khăn lớn chưa từng thấy. Tuy nhiên, điều may mắn cho chúng tôi là có được sự chia sẻ đầy nghĩa tình của các nhà hảo tâm và đại lý vé số, cùng với sự hỗ trợ đầy tinh thần trách nhiệm của chính quyền thành phố, nên chúng tôi tin rằng, sau khi dịch tan chúng tôi sẽ lại tiếp tục công việc quen thuộc của mình. Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng, mong rằng dịch sớm qua để cuộc sống sớm trở lại bình thường, những người bán vé số dạo như chúng tôi sẽ sớm có cơ hội tự tạo cho mình nguồn thu nhập để nuôi sống bản thân và trợ giúp gia đình ở quê. Còn giờ đây, chúng tôi hiểu rằng việc phải ở nhà để cùng cộng đồng phòng chống dịch là trách nhiệm của mỗi người. Chúng tôi không đơn độc khi có sự đùm bọc của cộng đồng và sự hỗ trợ của chính quyền, của Công ty Xổ số thành phố. Xin cảm ơn tất cả!" - bà Đào Thị Thu xúc động nói với chúng tôi khi vừa đang chuẩn bị bữa ăn chiều, vừa "lướt mạng" xem thông tin về tình hình dịch bệnh cùng các "đồng nghiệp" trong căn phòng trọ ở miễn phí tại một đại lý vé số ở quận 2.

Những ngày gần đây, đã có những tín hiệu tích cực khi số ca nhiễm mới giảm, nhưng mọi người - kể cả những người bán vé số dạo đều hiểu rằng, khó khăn thử thách vẫn còn ở phía trước. Họ sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi để cùng cả nước chống dịch!

BẢO KHÁNH