Nghệ sĩ Thanh Bùi: Ở Việt Nam, các nhãn hàng định hướng nghệ thuật chứ không phải điều ngược lại

00:00 12/10/2020

Đó là chia sẻ của Thanh Bùi tại buổi nói chuyện của Đại học Fulbright Việt Nam về những xu hướng mới định hình tương lai của công nghiệp giải trí và truyền thông. Nghệ sĩ này cho rằng, lý do khiến các nhãn hàng định hình nghệ thuật là mọi người nghĩ nghệ thuật không cần phải mua.

Nghệ sĩ Thanh Bùi: Ở Việt Nam, các nhãn hàng đang định hướng nghệ thuật chứ không phải điều ngược lại
 

Thanh Bùi đã trở thành cái tên quen thuộc được khán giả khắp nơi yêu thích. Điều khiến nhiều người bất ngờ đó là ngoài vai trò là một ca sĩ, nghệ sĩ, anh còn là Chủ tịch Công Ty Cổ Phần Quản Lý En Pointe – đơn vị quản lý các công ty thành viên có tiếng trong lĩnh vực truyền thông giải trí như Amberstone Media, InQ Media, Novel Production, Capital Studio.

Trong buổi trao đổi với chủ đề "Ngành công nghiệp giải trí và Truyền thông tương lai", Thanh Bùi cho rằng, Covid-19 đã ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến việc làm trong ngành công nghiệp truyền thông. Thế nhưng, các nghệ sĩ ở Việt Nam may mắn hơn bởi "chúng ta không còn phải bịt khẩu trang lại nữa, và đã có thể bắt đầu quay lại với cuộc sống thường nhật".

Khi nói về những hoạt động trên nền tảng trực tuyến của Việt Nam trong thời gian gần đây, nghệ sĩ Thanh Bùi chỉ ra rằng: thời điểm Covid-19, những dịch vụ streaming như Netflix, Spotify,… đã tạo ra được một xu hướng mạnh mẽ và streaming chiếm 80% doanh thu ngành công nghiệp âm nhạc năm vừa rồi. Đây là điều không ai có thể ngờ được. "Qua công nghệ 4.0, các nhà sản xuất sẽ có cơ hội đem những câu chuyện ở Việt Nam ra thế giới. Đây là một xu hướng rất tích cực", Thanh Bùi nhận xét. Nghệ sĩ này cho rằng, điều đặc biệt ở đây là khi thế giới đóng, Việt Nam lại mở. Điều này cũng mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam.

 Nghệ sĩ Thanh Bùi: Ở Việt Nam, các nhãn hàng đang định hướng nghệ thuật chứ không phải điều ngược lại  - Ảnh 1.
 

Thanh Bùi cho rằng thị trường ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác triệt để. Đây là ngành công nghiệp vẫn chiếm một phần rất nhỏ trong GDP hàng năm của Việt Nam. Tuy nhiên, những quốc gia phát triển như Úc, Mỹ hay Hàn Quốc thì ngành công nghiệp này lại chiếm tỷ lệ GDP cao. Theo Thanh Bùi, với một thị trường hơn 95 triệu người, 70% dân số từ 30 tuổi trở xuống, quy mô của thị trường giải trí Việt Nam sẽ tăng mạnh bởi các bạn trẻ cần và muốn tiếp cận với âm nhạc, nghệ thuật.

Nghệ sĩ này cho rằng Việt Nam là đại diện cho một kỳ tích kinh tế, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam - GDP mỗi năm đều tăng từ 6% đến 7%. "Thị trường về nghệ thuật có rất nhiều tiềm năng, nhưng chúng ta cần tập trung vào đầu tư dài hạn, các cột mốc quan trọng để có thể ảnh hưởng vào thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tìm các đề án kinh doanh để vấn đề về dòng tiền cũng được giải quyết".

Nhận xét về xu hướng phát triển của nghệ thuật, Thanh Bùi nói: "Ở Việt Nam hiện giờ, các nhãn hàng đang có những ảnh hưởng rất mạnh tới nghệ thuật. Họ đang định hướng nghệ thuật chứ không phải điều ngược lại".

Giải thích thêm về lý do này, Thanh Bùi cho rằng: ở Việt Nam, quyền tác giả, bản quyền còn chưa mạnh, mọi nguời vẫn đang tư duy theo hướng nghệ thuật thì không cần phải mua. Đây cũng là lý do các nhãn hàng định hướng nghệ thuật, do họ là những người cung cấp tài chính cho người làm nghệ thuật. Thanh Bùi tin rằng, nếu dần có sự thay đổi trong cách quản lý, nghệ thuật sẽ có thể định hướng các nhãn hàng chứ không còn là điều ngược lại.

Tham gia thảo luận về chủ đề này, bà Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch Tập đoàn Publicis Groupe Vietnam, giải thích rằng: ở Việt Nam, văn hoá phổ cập đại chúng để đánh giá một chất lượng nghệ thuật chưa được đồng đều. Các nhãn hàng thực chất không thay đổi nghệ thuật theo một hướng cố định, mà thị trường thường đi theo thị hiếu.

Có những văn hoá đại chúng không phải nghệ thuật cổ điển hay cao sang nhưng rất đẹp, rất thú vị và được nhiều người yêu thích. Khi ấy các thương hiệu là người sẽ hỗ trợ họ. Điều quan trọng là xã hội cần nâng tầm am hiểu và đánh giá nghệ thuật, không nhất thiết là nghệ thuật hàn lâm mà chỉ cần là nghệ thuật bình thường.

 Nghệ sĩ Thanh Bùi: Ở Việt Nam, các nhãn hàng đang định hướng nghệ thuật chứ không phải điều ngược lại  - Ảnh 2.
 

Thanh Bùi đã chỉ ra 3 yếu tố để người Việt Nam có thói quen đầu tư vào nghệ thuật. Yếu tố đầu tiên là chính phủ phải đặt ra những chính sách mạnh mẽ. Đây là một điều rất quan trọng, vì trên thế giới quyền tác giả là một ngành công nghiệp tỷ đô. Việt Nam đang dần nhìn thấy những giá trị trong ngành công nghiệp sáng tạo, khi có giá trị tài chính thì vấn đề về quyền tác giả và các chính sách, luật đặt ra sẽ ngày càng chặt chẽ hơn.

Yếu tố thứ hai mà Thanh Bùi kể đến đó là yếu tố chất lượng. "Chất lượng nghệ thuật cần được nâng cao", anh cho biết. Khi mọi người nhìn thấy được giá trị nghệ thuật, họ sẽ nhận ra là cần phải mua, cần phải trả tiền. Thứ ba là vấn đề giáo dục. Các trường học nên có các chương trình và các cuộc vận động về ngành công nghiệp sáng tạo này.

Q.L