Từ thực trạng hoạt động, đặt ra một số vấn đề chính sách mở đường cho các Hiệp hội DN phát triển

00:00 12/10/2020

Với mong muốn góp phần phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN, bài viết “Thực trạng tổ chức và hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đặt ra một số vấn đề về chính sách pháp luật mở đường cho các hiệp hội doanh nghiệp phát triển” có ba phần chính là: (i) Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (ii)Thực trạng tổ chức và hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (iii)Đặt ra một số vấn đề về chính sách pháp luật để mở đường cho các hiệp hội doanh nghiệp nói chung và VINASME nói riêng phát triển. Bài viết có tham khảo kết quả nghiên cứu, bài viết trong nước và quốc tế.

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME

  1. 1.  Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thực hiện đường lối, chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế nhiều thành phần và hội nhập quốc tế, các năm qua doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (sau đây viết tắt là DNNVV) mà phần lớn là khu vực tư nhân đã phát triển nhanh ở cả thành thị và nông thôn, ngày càng có vai trò quan trọng trong tạo thêm công ăn, việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần giảm bất bình đẳng xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Đã góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đóng góp ngân sách nhà nước, huy động các nguồn vốn đầu tư trong dân để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động tại một số lĩnh vực:

Tuy nhiên, các DNNVV có những khó khăn, hạn chế như: quy mô nhỏ, phân tán, trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực quản trị doanh nghiệp còn yếu kém, khả năng tài chính hạn hẹp, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất chật hệp, thiếu liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp... các khó khăn hạn chế này đang là những yếu tố bất lợi đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung và  DNNVV nói riêng. Vì vậy, nhu cầu hợp tác liên kết chặt chẽ trong các tổ chức đại diện của DNNVV để có tiếng nói chung phản ảnh những bất cập trong trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách pháp luật là rất cần thiết, đồng thời hỗ trợ nhau tận dụng tốt hơn mọi nguồn lực để phát triển nâng cao năng lực và vị thế của cộng đồng và từng doanh nghiệp trong xã hội. Đây là xu thế tất yếu khách quan đảm bảo sự phát triển vững mạnh của các DNNVV.

  1. 2.  Thực trạng tổ chức và hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

2.1 Về tổ chức

Sau hơn 15 năm thành lập và phát triển, đến nay tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam(sau đây viết tắt là VINASME) gồm có: Ban chấp hành 64 người, Ban Thường vụ 11 người, Thường trực 5 người;  ngoài Văn phòng Trung ương hội còn có 05 Văn phòng đại diện (Miền Trung, Miền Nam, Tây Nguyên, Séc và CHLB Đức ); 04 Ban chuyên môn; 01 Cơ quan báo chí; 01 Viện nghiên cứu; 01 Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ; 10 trung tâm hỗ trợ các mặt hoạt động của doanh nghiệp; 59 các Hiệp hội doanh nghiệp/DNNVV địa phương là thành viên; 03 chi hội ngành nghề trực thuộc. Số lượng hội viên tăng mạnh, từ gần 300 hội viên ngày thành lập đến nay đã có trên 62 nghìn hội viên hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực ngành nghề, trên khắp mọi miền đất nước. VINASME là tổ chức đại diện của doanh nghiệp có số lượng hội viên lớn nhất Việt Nam.

2.2 Một số hoạt động chủ yếu 

-   Tập hợp phản ánh ý kiến của DN đến Bộ, ngành, chính phủ.

-   Tham gia xây dựng, phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật.

-   Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của  DN hội viên khi bị xâm hại.

-   Truyền thông, quảng bá và cung cấp thông tin cho DN.

-   Tư vấn thực hiện chính sách & pháp luật, xúc tiến thương mại liên doanh liên kết.

-   Hỗ trợ vay vốn, đào tạo nhân lực.

-   Thực hiện dự án hỗ trợ DN phát triển bền vững.

-   Phong trào văn hóa, thể thao phúc lợi xã hội, thi đua khen thưởng.

       2.3  Một số mục tiêu hoạt động giai đoạn 2016 -2021

-  Tăng cường vai trò trách nhiệm đại diện của hệ thống Hiệp hội trong tham gia xây dựng tổ chức, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển SMEs.

-   Tư vấn hỗ trợ DNNVV phát triển SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh & trách nhiệm xã hội, phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững.

-  Bảo vệ một cách thực chất quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên.

-  100% tỉnh, thành phố TW đều có tổ chức đại diện SMEs tham gia thành viên Hiệp hội; 40% DN đang kinh doanh là hội viên; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung ương Hiệp hội & các Hiệp hội thành viên.

-  Phát triển các hoạt động, dịch vụ tạo nguồn tài chính đáp ứng nhu cầu phát triển của Hiệp hội và tăng cường lợi ích của hội viên.

-  Phát triển nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt và hiệu quả với cơ chế hoạt động rõ ràng, hiệu quả.

2.4 Một số kết quả đạt được đáng chú ý

- Hệ thống tổ chức VINASME được xây dựng phát triển nhanh chóng trong các hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, tạo sự thay đổi tích cực về tổ chức. Hình thành cơ cấu, hệ thống mạng lưới tổ chức của VINASME gồm : các ban tham mưu, đơn vị sự nghiệp trực thuộc; các hội thành viên, các doanh nghiệp hội viên. Mối quan hệ giữa TW Hội với các Hội thành viên, giữa các hội thành viên vơi nhau được xác lập, thống nhất về mục tiêu, định hướng hoạt động, phối hợp và nâng cao năng lực hoạt động chung trong hệ thống ngày một cải thiện hơn.

- Tạo được sự thống nhất trong toàn hệ thống từ Trung ương Hội đến các hội thành viên địa phương khi tham gia xây dựng, phản ảnh, thực thi chính sách. Thực hiện tương đối tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích của hội viên, của cộng đồng DNNVV.

- Luôn quan tâm tới công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác hội. Từ chỗ phần lớn cán bộ, nhân viên chỉ có lòng nhiệt tình, năng lực tư vấn, xây dựng và phản biện chính sách... yếu kém, đến nay đội ngũ này hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn, có khả năng tham gia vào mọi vấn đề có liên quan đến xây dựng, phản biện chính sách, xây dựng và tham gia vào các dự án và chương trình lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhiều tổ chức Quốc tế lớn.

-  Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành và đối tác trong việc lựa chọn chương trình nội dung và phương thức hỗ trợ hội viên phát triển SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

-  Đa dạng hình thức tuyên truyền, quảng bá về cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và Hiệp hội trong xã hội. Coi trọng công tác thi đua - khen thưởng, tổ chức tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến - các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và xây dựng tổ chức Hiệp hội phát triển.

- Công tác xã hội, đối ngoại nhân dân luôn được các cấp hội ở cả Trung ương và địa phương đặt ở nhóm nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện với tinh thần trách nhiệm rất cao vì cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của xã hội.[1]

2.5 Một số tồn tại hạn chế chính

- Tổ chức, mạng lưới hội viên của VINASME phát triển chưa đồng đều trỏng cả nước. Chất lượng, kết quả hoạt động của VINASME và các hội địa phương thành viên chưa đồng đều.

- Mặc dù đã có nhiều cố gắng thực hiện chức năng nhiệm vụ, xong vẫn chưa mang lại được nhiều lợi ích thiết thực so với nhu cầu của doanh nghiệp hội viên và cộng đồng DNNVV.

- Khó khăn về tài chính, trang thiết bị, địa điểm trụ sở làm việc, phương tiện hoạt động và nhân lực làm việc có chất lượng đang là thách thức căn bản của VINASME và các hiệp hội doanh nghiệp thành viên.

- Một số quy định trong Điều lệ của VINASME và các hiệp hội doanh nghiệp thành viên không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa thể sửa đổi được do vướng về quy định pháp luật.

- Việt Nam chưa có Luật điều chỉnh, áp dụng đối với loại hình hội, trong khi đó trên thực tiễn các hiệp hội/hội tại Việt Nam  đã được thành lập và hoạt động rất đa dạng với nhiều loại hình tổ chức, quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động khác nhau, đang bị điều chỉnh chung tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP là chưa khái quát hết các quan hệ xã hội liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội và chứa đựng nhiều nội dung rất hạn chế[2]

Dù còn nhiều hạn chế trong hoạt động, nhưng về tổng thể vai trò, vị thế của VINASME hiện nay đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành và đoàn thể Trung ương, cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội ghi nhận.

3. Đặt ra một số vấn đề về chính sách pháp luật để mở đường cho các hiệp hội doanh nghiệp nói chung và VINASME nói riêng phát triển

“Nhà nước nhỏ, xã hội lớn” là xu thế hiện nay trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập. Nếu nhìn ở một khía cạnh kỹ thuật hẹp hơn, Nhà nước chỉ nên đi sâu vào quản lý xã hội, còn việc xây dựng và phát triển xã hội sẽ dần trao trả để xã hội tự làm. Và nếu cũng hiểu như vậy, thì đó chính là vấn đề của đổi mới hay chuyển đổi đây cũng chính là một tiến trình phát triển. Nếu chính sách pháp luật không hoặc chậm chuyển đổi có nghĩa là chúng ta không vận động theo quy luật, không kịp với đòi của thực tiễn, điều này có nghĩa gần như là dừng lại. Hệ quả của nó kề cận với suy thoái. Từ suy nghĩ này, xin kiến nghị và đặt ra một số vấn đề về chính sách pháp luật để mở đường cho các hiệp hội doanh nghiệp nói chung và VINASME nói riêng phát triển như sau:

3.1 Sớm ban hành Luật về Hội nhằm thúc đẩy và phát triển các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề với sự tham gia sâu rộng của DNTN/DNNVV tập hợp lại với nhau để tạo thành một sức mạnh, góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện những mục tiêu của toàn hệ thống chính trị, chống lại những tiêu cực trong xã hội như sách nhiễu, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Vấn đề này có một câu hỏi đặt ra là nếu chậm ban hành luật về Hội thì sao? Tất nhiên là nếu để như hiện nay, bản thân từng Hiệp hội cũng phải tự vận động để đổi mới, đáp ứng yêu cầu của hội viên, của xã hội. Nhưng tiến trình này sẽ diễn ra chậm và không đồng bộ, lãng phí một kênh huy động nguồn lực quan trọng(kêu gọi tài trợ, tài chính, nguồn lực trí thức và yếu tố tự nguyện cống hiến và sức mạnh từ số lượng đông đảo các hội viên) vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trên phương diện học thuật, nhiều nghiên cứu về hội đã chỉ ra trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ xã hội và hội nhập quốc tế, việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 là điều cần thiết. Mặt khác, việc chậm ban hành luật về Hội, là chậm trễ thể chế hóa chủ chương đường lối của Đảng thành quy định của pháp luật.

3.2 Cần sớm ban hành cơ chế, chính sách pháp luật để mở đường, khuyến khích mạnh mẽ và tạo điều kiện cho hội  được tham gia thực hiện:  (i)các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu có quy mô lớn của Nhà nước; (ii) các hoạt động phản biện, giám định xã hội. (iii)cung cấp dịch vụ công; (iv) cấp chứng chỉ hành nghề...Bởi đây là những thế mạnh của hội đã được thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và nhiều nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đã chứng minh với mọi điều kiện thuận lợi hay khó khăn thì các hội của Việt Nam vẫn luôn phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nhiều hội có hiểu biết rất sâu về chuyên môn, về môi trường, về xoá đói giảm nghèo, về tín dụng ngân hàng, về xuất khẩu … Nhiều tổ chức được các quốc gia phát triển, các tổ chức toàn cầu mời tham gia nghiên cứu các Dự án, chương trình cấp toàn cầu. Đối với việc cung cấp hàng hoá và dịch vụ công các hội có thể thực hiện chi phí thấp hơn so với chính phủ. Lợi thế này có được nhờ yếu tố tự nguyện cống hiến của các hội, chính yếu tố tự nguyện cống hiến giúp tiết kiệm được chi phí. Mặt khác, so với chính phủ hội gần sát với doanh nghiệp, với người dân hơn  nên hội hiểu rõ hơn doanh nghiệp, người dân cần gì, theo đó khả năng đáp ứng tốt hơn.

3.3 Cần sớm ban hành cơ chế, chính sách pháp luật để mở đường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hội  được nhận sử dụng viện trợ nước ngoài, về quản lý nguồn hàng viện trợ đối với hội. Mở ra cơ chế này để hội có thể kêu gọi được nhiều tài trợ về tài chính, về hàng hóa từ các nhà tài trợ quốc tế, theo đó hội có thể sử dụng nguồn lực này vào các mục tiêu phát triển hội nói riêng, ngành, lĩnh vực nói chung, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Mặt khác, về lý thuyết ở Việt Nam hiện nay chỉ có hội là loại hình tổ chức hoạt động độc lập (tương đối) với Chính phủ, có pháp nhân đầy đủ nhưng không phải là tổ chức kinh doanh, nên về mặt khoa học hoàn toàn có thể tiếp nhận và thực hiện các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp từ chính phủ, hay bất kỳ nhà tài trợ quốc tế nào mà không bị trở ngại bởi các Hiệp định quốc tế. Đây là điểm lợi rất hữu dụng. Vì thế, rất cần sớm mở ra cơ chế này.

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME