Marketing điểm đến: Định vị sức hấp dẫn Việt Nam

00:00 12/10/2020

Nhằm tạo vị thế, tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam, yêu cầu bức thiết hiện nay là cần phải có những giải pháp thiết thực để kịp thời hóa giải điểm nghẽn về marketing, quảng bá…

Rào cản kinh phí

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có rất nhiều lợi thế về tiềm năng du lịch, với văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó nổi bật, đầy sức hấp dẫn với hệ thống các di sản thế giới, những điểm đến đang là mơ ước khám phá của du khách trên thế giới như: Vịnh Hạ Long, Tràng An, hang Sơn Đoòng… Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng khách du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

marketing diem den dinh vi suc hap dan viet nam

Sức hấp dẫn của Việt Nam cần được quảng bá, tiếp thị sâu rộng hơn đến với du khách nước ngoài

Thực trạng này xuất phát từ việc chúng ta thiếu chính sách khai thác, phát triển du lịch đồng bộ; hạ tầng, nhân lực yếu kém, đặc biệt hoạt động marketing du lịch chưa lan tỏa được vẻ đẹp độc đáo nhằm lôi kéo du khách đến, ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73).

Hàng năm kinh phí chi cho quảng bá du lịch của Việt Nam chỉ có 2 triệu USD, trong khi Thái Lan chi 100 triệu USD và mức trung bình của nhiều quốc gia khác đã đạt từ 70-80 triệu USD. Vì vậy, tại Diễn đàn du lịch Việt Nam mới đây, ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh - nhận định, đây là thách thức mà du lịch Việt Nam cần vượt qua và chi phí cho quảng bá, marketing du lịch cần phải tăng lên 20-30 triệu USD nếu muốn xây dựng thương hiệu cho du lịch.

Trước thực trạng còn nhiều trăn trở của quảng bá, tiếp thị du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thừa nhận, đây chính là bài toán được đặt ra với du lịch Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát huy nguồn lực công tư

Để có thể hóa giải điểm nghẽn về quảng bá, ông Lê Quang Tùng – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho hay, bộ đã xây dựng đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm huy động nguồn lực công tư qua đó sẽ góp phần đẩy mạnh quảng bá du lịch. "Sự tham gia của tư nhân vào du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm tăng trưởng du lịch. Dù nguồn lực còn hạn chế, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp nâng cao năng lực quản lý, quảng bá du lịch"- ông Tùng nhấn mạnh.

Trong Chiến lược Marketing du lịch đến năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác định tập trung xây dựng định hướng và quảng bá thương hiệu du lịch với các giá trị và sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, chất lượng, cạnh tranh gắn với thị trường cụ thể; tăng cường quan hệ đối tác công tư trong marketing du lịch, hướng tới các phân đoạn thị trường đang tăng trưởng cao cũng như các thị trường mới nổi.

Theo đó, phương thức thực hiện sẽ tập trung triển khai marketing điện tử; tổ chức các đoàn famtrip, presstrip; tham gia các triển lãm, hội chợ du lịch tại nước ngoài; marketing thông qua đại sứ du lịch; marketing thông qua các nhóm marketing địa phương…

Cùng với sự nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam, mới đây, Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho ngành du lịch Việt Nam nhằm giúp quảng bá du lịch thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và tăng cường cạnh tranh của điểm đến. Thông qua dự án, ngành du lịch kỳ vọng sẽ tạo được vị thế tốt hơn trên thị trường du lịch quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Làm sao để thế giới biết về Việt Nam không chỉ ở những vẻ đẹp tiềm ẩn, chưa khai phá mà còn phát huy những vẻ đẹp truyền thống, đã hiện hữu trong khi chúng ta chỉ có vài triệu đô so với hàng chục, hàng trăm triệu đô của các nước khác? Và chúng ta cần làm gì để sử dụng hiệu quả số tiền quảng bá đó?

Hoa Quỳnh