Man United hồi sinh theo cách nào?

00:00 12/10/2020

Dù mùa giải chỉ mới bắt đầu, Man United đã bộc lộ những vấn đề. Việc hồi sinh "Quỷ đỏ" là điều không đơn giản với huấn luyện viên Ole Solskjaer.

Trận thắng Luton, một đội hạng dưới, ở Carabao Cup với tỷ số 3-0 không đủ để che lấp những lo ngại của Man United. Thất bại trước Crystal Palace ngay tại Old Trafford ở trận mở màn Premier League 2020/21 vẫn còn nguyên ám ảnh về những ngày trước mắt của Man United.

Ở số mới ra ngày 23/9, tạp chí Fourfourtwo dành hẳn 12 chuyên trang cho Man United, với chủ đề "Họ chính là sự hồi sinh". 12 chuyên trang này được chuẩn bị trong những ngày bóng còn chưa lăn. Và khi tờ tạp chí ra sạp, người hâm mộ Man United phải đặt câu hỏi: Hồi sinh theo cách nào?

Sự "đụng độ" của những Titans

Khi Bruno Fernandes lần đầu xuất hiện trong màu áo Man United, anh lập tức cuốn hút tất cả người hâm mộ đội bóng. Và kể từ ngày đó, Bruno Fernandes luôn mang lại những màn trình diễn thuyết phục. Trình độ của anh là điều không phải bàn tới. Thái độ của anh đáng ca ngợi hơn, khi ở cuối mùa giải trước, dù đã quá tải, anh vẫn chiến đấu hết mình mỗi phút có mặt trên sân.

Tuy nhiên, ở Man United, vẫn còn một cái tên khác: Paul Pogba. Dù không hoàn toàn nhận được chỉ những lời khen mà thôi như đồng đội Bruno Fernandes, dù vẫn còn vô vàn chỉ trích xoay quanh thái độ thi đấu, lối sống màu mè, Pogba vẫn là cầu thủ đẳng cấp thế giới.

Không ai có thể phủ nhận được năng lực của Pogba. Không phải đơn giản mà "Les Bleus" có thể lên ngôi vô địch World Cup với những động lực của tiền vệ này trong phòng thay đồ. Tuy nhiên, ở Man United, Pogba luôn là một bí ẩn.

Đó là bí ẩn về tính ổn định. Không ai đoán nổi Pogba sẽ có trận đấu thế nào trong màu áo đỏ. Duy nhất chỉ một điều họ biết về anh: Pogba chơi tốt nhất ở vị trí số 10, và anh luôn muốn là người tạo tầm ảnh hưởng.

Và bây giờ, Solskjaer có thêm Van de Beek, cầu thủ tương đồng với cả Bruno Fernandes lẫn Pogba ở vị trí trên sân. Sắp xếp 3 con người ấy như thế nào là việc khó. Tuy nhiên, việc khó này còn có thể giải quyết được. Cái khó hơn cả chính là giữa họ chắc chắn sẽ có những "đụng độ" nhất định tích lũy theo thời gian về chuyện ai mới là người tạo tầm ảnh hưởng trên sân.

Nhiều chuyên gia nhận xét Bruno Fernandes đã làm "tươi mới" lại Man United. Sự xuất hiện của anh thay đổi không khí của đội bóng rất nhiều. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hiệu ứng ban đầu mà thôi. Không ai có thể duy trì sự "tươi mới" mãi được vì bản thân cá nhân nào cũng trở nên cũ. Càng quen thì sẽ càng cũ. Và khi hiệu ứng không còn, cái tôi của những ngôi sao sẽ là vấn đề lớn.

hoi sinh man united anh 2

Ba tiền vệ Pogba, Van de Beek, Bruno Fernandes (từ trái sang) có những nét tương đồng trong lối chơi. Ảnh: Goal.

Một cầu thủ như Pogba không phải là mẫu người chấp nhận sự lép vế trước ngôi sao nào khác nếu như anh ta không phải đối diện với nhân vật đủ khiến mình phải nể phục. Ví dụ như ở Juventus trước đây, Pogba phải ngoan ngoãn vì Pirlo là tượng đài thực sự. Hay như ở "Les Bleus chẳng hạn", chỉ có Deschamps mới có thể khiến Pogba phải nhường vai trò số 10 cho Griezmann mà thôi.

Sân khấu sáng tạo của Man United lúc này đang thuộc về Bruno Fernandes. Với đa số, việc vắng Fernandes mới đáng ngại, còn vắng Pogba thì vấn đề không lớn đến mức như vậy. Pogba đã và đang cho thấy anh hợp tác tốt với Fernandes, nhưng sự nhún nhường này có thành thói quen hay không? Và bây giờ lại thêm cả Van de Beek. Nếu cầu thủ Hà Lan bắt đầu trở thành thần tượng mới, Solskjaer sẽ mệt vô cùng trong chuyện dàn xếp tốt mối quan hệ giữa 3 "titans" này.

Trong khi đó, ở hàng công, câu chuyện tầm ảnh hưởng cũng không phải nhỏ. Trong cuộc họp báo sau trận gặp Luton, chính Solskjaer đã nói đại ý rằng Mason Greenwood rất thích chơi ở vị trí số 9 nhưng muốn vậy, Greenwood cần cải thiện khả năng cầm bóng đột phá. Solskjaer cho biết ông sẵn sàng gọt giũa khả năng này cho Greenwood trên sân tập. Và vị trí số 9 hiện nay ở Man United đang dành cho ai? Anthony Martial, một cái tôi không nhỏ.

Tất nhiên, tất cả dự báo kể trên đều không nằm ngoài phạm vi của suy luận một chiều đơn thuần. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó không thể nào xảy ra. Nếu chúng ta tin vào sự chuyên nghiệp của Bruno Fernandes và Mason Greenwood , chúng ta cũng cần nhìn lại sự "đồng bóng" của Pogba và những "căng thẳng" của Martial ở suốt thời kỳ Zlatan Ibrahimovic và Lukaku.

Solskjaer cần điều tiết tốt phòng thay đồ để những "đụng độ" chỉ ở phạm vi cạnh tranh vị trí một cách lành mạnh. Nếu Solskjaer làm được điều đó, nó có thể tạo ra sức sống cho đội bóng ở mùa giải này. Tuy nhiên, giữa cạnh tranh vị trí lành mạnh và cuộc ganh đua của những "titans" cũng chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh mà thôi.

Một Man United "yếu tim"

Hãy bắt đầu chuyện khó này trong sứ mệnh hồi sinh Man United bằng ví dụ từ Liverpool. Thiago đã đến Anfield và chứng tỏ giá trị của mình. Nhiều người tin đó là bản hợp đồng tốt nhất Premier League mùa hè này. Và Thiago chắc chắn sẽ là người mà Klopp xây dựng làm hạt nhân lối chơi.

Nhắc đến Liverpool, ai cũng sẽ nghĩ tới bộ ba Mane - Firmino - Salah đầu tiên, nhưng thực sự, cầu thủ quan trọng nhất của Liverpool ở mùa giải thành công vừa rồi là Jordan Henderson. Đó mới là con bài lớn nhất Klopp chọn làm trọng tâm đội bóng. Không ngạc nhiên gì khi Henderson nhận được giải thưởng cầu thủ hay nhất mùa giải của FWA ở mùa vừa rồi.

Với Thiago, HLV Klopp sẽ có tiền vệ trụ kỹ thuật hơn Henderson, có kinh nghiệm va chạm ở các trận cầu lớn tốt hơn Henderson. Chính vì thế, Wayne Rooney mới đánh giá việc Liverpool có được Thiago còn quan trọng hơn việc Man City có Messi nhiều lần.

hoi sinh man united anh 3

McTominay và Fred lép vế nếu đặt lên bàn cân cùng với những tiền vệ trụ khác ở các đội top đầu Premier League. Ảnh: Getty.

Bây giờ, quay lại với Man United, chúng ta hãy đặt ra câu hỏi "Ai là người xứng đáng được đặt làm trọng tâm để xây dựng lối chơi xoay quanh?". Câu trả lời không thể là Bruno Fernandes dù cho mọi đường bóng tấn công có thể sẽ phải đi qua chân tuyển thủ Bồ Đào Nha này.

Bruno là người sáng tạo, nguồn cảm hứng tấn công, linh hồn của hàng công Man United. Còn người cầm nhịp là trái tim của đội bóng lại khác. Đó phải là một ai đó chơi sau lưng anh.

Trận thua Crystal Palace cho thấy cặp Scott McTominay - Paul Pogba đã chơi kém cỏi. Cách luân chuyển bóng của Man United không hiệu quả cũng bởi bộ đôi này. Nó khác hẳn với cái cách mà Deschamps để Kante - Pogba chơi thấp hơn Griezmann ở World Cup 2018. Dễ hiểu, McTominay không ở đẳng cấp của Kante.

Matic thực tế từng là cầu thủ chơi tốt trong vai trò cầm nhịp này nhưng ở tuổi 32, Matic không còn đủ sức để chơi cả một mùa giải marathon đầy mệt mỏi. Ở vị trí cầm nhịp này, tính ổn định là thứ quan trọng nhất. Và nhắc tới tính ổn định thì hãy quên ngay chuyện rèn Pogba chơi ở vị trí mà lẽ ra anh ta có thể học được nhiều từ Pirlo, cũng như có nhiều phẩm chất để thể hiện nó.

Như vậy, có thể nói, hiện tại trong tay Solskjaer là tập thể có vẻ cường tráng, nhưng lại mang một quả tim yếu đuối. Fred và McTominay đều từng kinh qua vị trí này ở Man United và cho thấy họ là những con tim loạn nhịp. Man United mất đi cái uyển chuyển bấy lâu nay cũng vì vấn đề ở vị trí này. Kể từ khi Carrick nghỉ chơi, Man United chưa kiếm tìm ai thay thế xứng đáng cả.

Nếu coi Bruno Fernandes là người có tầm ảnh hưởng bề nổi của Man United, cầu thủ giữ nhịp này sẽ là người ảnh hưởng thầm lặng, theo đúng kiểu hậu phương của Bruno đúng nghĩa. Chelsea đang có Kante, Liverpool thì ta đã nói về Thiago và Henderson, Man City có Fernandinho với Rodri dự phòng, Tottenham tồn tại sự cạnh tranh giữa Hojbejg và Harry Winks. Tất cả đều tốt hơn các phương án của Man United. Và nếu nói không ngoa, ngay cả Allan của Everton cũng làm tốt hơn những gì mà học trò Solskjaer đang làm.

Công việc đi tìm trái tim này mới là khó nhất, khi bộ não của Man United vẫn được cho là có vấn đề lớn trên thị trường chuyển nhượng. Ed Woodward và Matt Judge có thể đáng bị chỉ trích, nhưng những cá nhân như Marcel Bout (Giám đốc tuyển trạch toàn cầu), Jim Lawlor (giám đốc tuyển trạch) và Mick Court (giám đốc kỹ thuật tuyển trạch) mới đáng trách. Bộ "radar" yếu kém này là nguyên nhân Man United sút kém so với các đối thủ trên thị trường chuyển nhượng suốt nhiều năm qua.

Và ai mới là thủ lĩnh?

Chưa bao giờ Man United có đội trưởng nhìn mặt đã thấy yếu mềm như Harry Maguire. Đây là nhận xét mà không ít CĐV Man United chắc chắn sẽ phải đồng ý. Cũng y như câu chuyện về trái tim Man United kể trên, đúng nghĩa là từ sau Carrick, Man United chưa có đội trưởng nào nên hồn.

Nhiều người vẫn nhớ mãi cái khí chất của Roy Keane ngày xưa. Thực sự, nếu là một đối thủ, đối diện gương mặt bặm trợn như Keane, chắc chắn không thiếu người thấy sợ. Còn các đồng đội của Keane cũng vậy. Dưới sự chỉ huy của đội trưởng sắt máu như thế, không cầu thủ nào dám làm trò.

Cái uy của người đội trưởng, trước nhất phải được thể hiện từ dáng vẻ bên ngoài cái đã. Maguire không có được cái dáng vẻ của người có "quyền lực" và hơn thế nữa, việc không phải là mẫu cầu thủ mạnh trong các pha 1 đối 1 cũng khiến Maguire mất đi cái khí phách mà đồng đội cần có để dựa vào. Chưa kể chuyện thỉnh thoảng anh lại mắc sai lầm khiến cho tấm gương của đội bóng mất hẳn đi cái thần thiêng của mình.

hoi sinh man united anh 4

Maguire chưa có đủ sự cứng rắn cần thiết của một người đeo băng đội trưởng. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, tước băng đội trưởng của Maguire lúc này chắc chắn sẽ gây ra những xáo trộn tâm lý lớn trong nội bộ đội bóng, Cơ bản, Maguire được đồng đội thừa nhận vai trò thủ lĩnh, nên sự cảm thông với Maguire sẽ rất nhiều. Song, tố chất đầu tàu của anh lại không mạnh mẽ. Việc trao băng thủ quân cho anh ngay sau khi đầu quân cho Man United có thể là sai lầm tệ hại, mất chất Man United nhất.

Vấn đề ấy còn khó hơn nữa khi thực sự trong tất cả cầu thủ Man United lúc này, trao băng thủ quân cho ai cũng đều khó cả. Cái gánh nặng từ thế hệ Cantona, Keane, Vidic, Rooney để lại là quá lớn. Nó không chỉ là trách nhiệm thủ lĩnh nói riêng. Nó còn là bộ mặt thể hiện bản sắc Man United nói chung. Thiếu một người dẫn dắt như thế, bảo sao Man United không trải qua những phút bế tắc và nhợt nhạt như nhiều trận đấu của họ suốt thời gian vừa rồi.

Muốn Man United hồi sinh, phải có những ý tưởng tốt của HLV, nhưng cũng cần người dẫn dắt các cầu thủ tuân thủ kế hoạch được vạch theo các ý tưởng ấy. Đó cũng phải là người chiến đấu cho tập thể, sẵn sàng chấp nhận mọi chỉ trích để có những hành động (thậm chí là) điên rồ khi cần nhằm bảo vệ đồng đội của mình. Chính cá nhân ấy mới là người thúc giục các đồng đội lúc đội bóng không đạt được trạng thái tâm lý tốt nhất. Thiếu vắng một thủ quân như thế, đội bóng sẽ chỉ rời rạc hơn, khô cứng hơn, vô hồn hơn mà thôi.

Câu chuyện hồi sinh Man United chắc chắn sẽ là câu chuyện dài và chắc chắn nó không chỉ dựa trên việc ngồi tính toán theo kiểu "chúng ta có bao nhiêu ngôi sao, ở những vị trí nào". Bóng đá cần ngôi sao, nhưng nó vẫn là cuộc chơi của tập thể. Chỉ khi tập thể được cấu thành vững chắc như một cơ thể thống nhất, đội bóng mới có hy vọng phát triển.

Và nếu coi đội bóng như một cơ thể, cơ thể ấy cần sự cân đối (không có những ganh đua quá lố kiểu đụng độ giữa các titans), rất cần một trái tim khoẻ mạnh, một linh hồn dẫn lối. Thiếu một yếu tố thôi, người HLV đã vất vả lắm rồi. Đằng này, Solskjaer lại còn phải đối diện cả 3 vấn đề kể trên (chưa kể nhiều vấn đề chưa được bàn tới nữa). Vậy thì ông sẽ hồi sinh Man United trong mùa giải này bằng cách nào đây?

Đừng nói "Mới thua một trận chưa có gì đáng lo lắng quá". Bởi đơn giản, thất bại nhiều nó cũng thành thói quen, một thói quen rất xấu.

Hà Quang Minh