Kinh tế thế giới vẫn rủi ro dù Mỹ-Trung hòa hoãn thương mại

00:00 12/10/2020

Các thị trường tài chính phấn chấn khi Mỹ và Trung Quốc một lần nữa hòa hoãn về thương mại, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, nhưng nền kinh tế thế giới vẫn đối mặt với rủi ro vì tình trạng đối đầu khó chấm dứt hoàn toàn giữa hai nước này.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp ở Phòng bầu dục của Nhà Trắng hôm 11-10.  Ảnh: Getty

Chiều 11-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan hỉ thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh cam kết mua 50 tỉ đô la hàng hòa nông sản của Mỹ và nhất trí một thỏa thuận về chính sách tiền tệ, giúp ngăn chặn giảm giá đồng nhân dân tệ.

Đổi lại, Mỹ sẽ hủy bỏ vòng áp thuế từ 25 lên 30% với 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 15-10 tới.

Trong những ngày qua, kỳ vọng về một thỏa thuận “mi-ni” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chắp cánh cho thị trường chứng khoán và làm lắng dịu các nỗi lo về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế thế giới.

Thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn là tin tức tốt trong ngắn hạn cho nền kinh tế và các thị trường toàn cầu. Nhưng bất kỳ ai theo dõi các diễn biến thăng trầm của chính sách thương mại trong hai năm qua hoặc những ai hiểu rõ cách mà chiến tranh thương mại thực sự tác động đến nền kinh tế toàn cầu sẽ không có chung tâm trạng lạc quan ở mức như ông Trump thể hiện.

Chiến thương mại trong hai năm qua cho thấy thuế trừng phạt như một bánh răng truyền động, chỉ di chuyển theo một hướng hoặc duy trì ổn định, chứ chưa bao giờ đảo ngược. Và các thỏa thuận luôn luôn bị đàm phán lại.

Một “mô típ” dễ nhận thấy trong cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung là Nhà Trắng sẽ gia tăng sức ép nhằm vào Trung Quốc bằng những lời lẽ gay gắt, các mức thuế cao và các lời đe dọa áp thêm thuế. Sau đó, Trung Quốc trả đũa nhằm trừng phạt các lợi ích của Mỹ, khiến thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu suy giảm. Đó cũng là lúc đàm phán được nối lại và Nhà Trắng sẽ rút lại các đe dọa áp thuế.

Các sự kiện hôm 11-10 nằm ở giai đoạn sau trong chu kỳ lặp đi lặp lại này. Thỏa thuận sơ bộ mới đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc không bao gồm cam kết giảm hay gỡ bỏ thuế của Mỹ đang áp vào hàng hóa Trung Quốc, thay vào đó, chỉ hoãn lại kế hoạch leo thang áp thuế của Mỹ.

“Điều duy nhất mà chúng tôi nhận ra là Tổng thống Trump rất yêu thích cây gậy thuế và ông ấy không có kế hoạch dài hạn”, Mary Lovely, học giả cấp cao ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, nói.

Các bất đồng mấu chốt giữa Mỹ, Trung Quốc và những kìm hãm chính trị trong nước ở mỗi bên đang ngáng chặn hai nước đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không thể từ bỏ mục tiêu đưa Trung Quốc thống lĩnh nhiều ngành công nghệ cao trong tương lai. Trong khi đó, nếu để Trung Quốc đạt được mục tiêu đó, Tổng thống Trump sẽ hứng chịu những rủi ro chính trị lớn.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một không giải quyết được một trong những vấn đề căng thẳng nhất xung quanh việc cho phép Huawei, hãng thiết bị viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, bán hàng tại Mỹ.

Hơn nữa, các diễn biến chính sách thương mại của Mỹ trong thời gian gần đây cũng ngụ ý rằng dù một thỏa thuận thương mại được ký kết, điều này không có nghĩa là “nền hòa bình thương mại” đã được thiết lập.

Hồi cuối tháng 5, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 5% đối với tất cả 347 tỉ đô la hàng hóa Mexico bán sang Mỹ mỗi năm vào ngày 10-6 trừ phi Mexico đưa ra các biện pháp ngăn chặn dòng người nhập cư lậu từ Mexico sang biên giới phía nam của Mỹ. Lời đe dọa này được đưa ra sau khi các bên đã tái đàm phán thành công Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Mexico và Canada.

Dù rốt cục lời đe dọa áp thuế không được thực hiện (nhờ Mexico nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn người nhập cư lậu sang Mỹ), thông điệp của nó đối với giới doanh nghiệp là căng thẳng thương mại đã trở thành câu chuyện thường ngày, không chỉ giới hạn trong các cuộc chiến tranh thương mại mang tính chiến thuật để đạt được mục tiêu nào đó, mà còn thể hiện qua tình trạng đối đầu liên tục có thể tăng hay giảm vào bất kỳ thời điểm cụ thể nào đó.

Tác động lớn nhất của chiến tranh thương mại không phải đến từ thiệt hại trực tiếp của các đòn thuế mà là tâm lý và niềm tin suy giảm của giới doanh nghiệp. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy tình trạng hỗn loạn thương mại đang khiến các doanh nghiệp phải trì hoãn các quyết định kinh doanh, đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu.

“Các thị trường có thể phản ứng tích cực (với thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa Mỹ và Trung Quốc) nhưng điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ có phản ứng tương tự. Quyết định của các doanh nghiệp mới là điều quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu”, Emily Blanchard, nhà kinh tế ở trường Kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth (Mỹ), nói khi ám chỉ rằng kinh tế toàn cầu vẫn rủi ro vì giới doanh nghiệp vẫn lo ngại về nguy cơ căng thẳng thương mại tái bùng phát.

Trong quí 2-2019, chi tiêu đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tốc độ tạo việc làm ở lĩnh vực sản xuất của Mỹ giảm mạnh trong năm 2019, rơi về mức khoảng 3.000 việc làm/tháng, giảm mạnh so với mức 22.000 việc làm/tháng trong năm 2018. Tất cả những dữ liệu xấu này chủ yếu do tác động của chiến tranh thương mại đối với tâm lý của giới doanh nghiệp.

“Rất khó để giới doanh nghiệp yên tâm nhờ các dấu hiệu tiến triển mới nhất của đàm phán thương mại Mỹ-Trung vì những tháng trước đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều thỏa thuận đình chiến thương mại kết thúc đột ngột bằng các động thái leo thang căng thẳng thương mại”, Michael Pearce, nhà kinh tế ở Công ty tư vấn Capital Economics, viết trong báo cáo gửi cho khách hàng.

Ông lưu ý: “Phần thỏa thuận về chính sách tiền tệ, điểm trọng tâm của thỏa thuận mới giữa Mỹ và Trung Quốc, là một phần trong thỏa thuận đình chiến trước đây giữa hai nước mà rốt cục bị sụp đổ vì hai nước leo thang căng thẳng trở lại”

Chánh Tài (Theo New York Times)