Kinh tế thế giới suy giảm do đại dịch

00:00 12/10/2020

Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm 2020 đã đối diện với tình trạng sụt giảm trên diện rộng. Số liệu thống kê tăng trưởng kinh tế quý I tại nhóm các nền kinh tế phát triển cũng như nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đều sụt giảm mạnh.

Qua 6 tháng đầu năm 2020, những diễn biến bất ngờ của dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế toàn cầu trên mọi mặt. Sự lây lan nhanh của dịch bệnh đã đặt ra yêu cầu phải cách ly các nền kinh tế ở cấp độ toàn cầu, từ đó khiến toàn bộ hoạt động thương mại, sản xuất trên thế giới đều trở nên đình trệ. Sự suy giảm tăng trưởng diễn ra rõ nét tại tất cả các quốc gia, các khu vực, tác động tới cả các nền kinh tế phát triển cũng như các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Kinh tế toàn cầu 6 tháng đầu năm 2020 đã đối diện với tình trạng sụt giảm trên diện rộng. Số liệu thống kê tăng trưởng kinh tế quý I tại nhóm các nền kinh tế phát triển cũng như nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đều sụt giảm mạnh. Trong đó, hầu hết các nền kinh tế phát triển (Mỹ, Anh, khu vực EU, Nhật Bản...) đều rơi vào tình trạng tăng trưởng âm và tại nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi chủ chốt (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, các nước thuộc khu vực Đông Nam Á...), tốc độ tăng trưởng sụt giảm mạnh hơn so với ước tính ban đầu.

Nhiều hoạt động kinh tế thế giới bị gián đoạn do đại dịch

Hoạt động sản xuất toàn cầu, phản ánh qua chỉ số PMI tổng hợp chỉ giữ được ở ngưỡng mở rộng trên 50 điểm trong tháng 1, sau đó rơi vào tình trạng thu hẹp liên tục trong những tháng còn lại. Chỉ số PMI tổng hợp đã giảm liên tục kể từ tháng 2 đến hết tháng 4, chạm đáy ở mức thấp nhất trong lịch sử giao dịch chỉ số này là 26,5 điểm trong tháng 4 và đang có xu hướng phục hồi trở lại kể từ tháng 5. Mặc dù vậy, tính đến hết tháng 6, chỉ số PMI tổng hợp vẫn chưa quay trở lại được ngưỡng mở rộng.

Sự suy giảm của hoạt động sản xuất diễn ra rộng khắp trên toàn cầu, trong đó nhóm các nền kinh tế phát triển chịu sự thu hẹp mạnh mẽ hơn.

Thương mại hàng hóa toàn cầu đã sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2020. Theo số liệu thống kê mới nhất của WTO, tổng kim ngạch thương mại toàn cầu trong quý I ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD, giảm 3,25% và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,4 tỷ USD, giảm 2,9%. Với những diễn biến phức tạp hơn của dịch bệnh và các biện pháp phong tỏa kinh tế tạo ra các tác động rõ rệt hơn, WTO ước tính kim ngạch thương mại toàn cầu quý II sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn, với mức giảm ước lên đến 18,5% so với cùng kỳ.

Về phía hoạt động đầu tư, Báo cáo Đầu tư Thế giới năm 2020 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết FDI toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 40%, lần đầu tiên trong 15 năm qua xuống dưới 1.000 tỷ USD. Cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu giảm mạnh trong năm 2020 do các nước phải áp dụng các biện pháp phong toả nền kinh tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Viễn cảnh về một cuộc suy thoái sâu sắc sẽ buộc các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) phải đánh giá lại các dự án đầu tư mới vì lợi nhuận thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tái đầu tư, mà trung bình chiếm hơn 50% vốn FDI. Cũng theo UNCTAD, 5.000 MNE hàng đầu thế giới, trong đó chiếm phần lớn vốn FDI toàn cầu, dự kiến điều chỉnh giảm trung bình 40% mức thu nhập trong năm nay với một số ngành bị thua lỗ.

Trên thực tế, trong những tháng đầu năm 2020, các dự án thuộc hình thức đầu tư mới (GI), hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới đã giảm hơn 50% so với năm ngoái. Ngoài ra, các giao dịch mới trong các dự án tài chính toàn cầu, một nguồn đầu tư quan trọng trong các dự án cơ sở hạ tầng, cũng đã giảm hơn 40%.

Mặc dù sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trên nhiều mặt sẽ diễn ra trên khắp toàn cầu, tuy nhiên mức độ tác động có sự khác nhau. Các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ chịu tác động mạnh nhất vì nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các nền kinh tế phát triển, đồng thời gắn kết chặt chẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi cũng không thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ kinh tế giống như các nền kinh tế phát triển. Đặc biệt, UNCTAD đưa ra cảnh báo đại dịch Covid-19 cùng với những yếu kém về cấu trúc chính trị và xã hội có thể sẽ đẩy nhiều nền kinh tế đang phát triển thuộc các khu vực châu Á, Mỹ La Tinh và châu Phi vào tình trạng suy thoái sâu sắc.

Đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu, hầu hết các tổ chức quốc tế như IMF, WB, UNCTAD đều có sự đồng thuận về nhận định kinh tế toàn cầu khó có thể phục hồi trong ngắn hạn. Để có thể đưa ra một dự đoán chính xác về thời điểm kinh tế toàn cầu có thể lấy lại đà phục hồi là một điều chưa thực sự chắc chắn vì còn phụ thuộc vào thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng Covid-19 và hiệu quả của các biện pháp can thiệp chính sách của các quốc gia nhằm giảm thiểu hậu quả kinh tế của đại dịch.

Minh Đức