Không “lobby”, khó vay tiền ngân hàng?

00:00 12/10/2020

“Chúng tôi là những doanh nghiệp mới thành lập, lại siêu nhỏ, nhu cầu vay vốn ngân hàng để kinh doanh, mở rộng sản xuất là cực lớn. Tuy nhiên, nếu không 'lobby' thì rất khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng”', đại diện chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu bộc bạch.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM thừa nhận DN gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục vay vốn

Ngày 18/7, tại tọa đàm Doanh nghiệp nhỏ tìm vốn “rẻ” ở đâu do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng rất khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng (NH). Rất nhiều “rào cản” trong quá trình vay vốn từ hồ sơ, tài sản thế chấp, NH cũng rất thờ ơ với những DN nhỏ và siêu nhỏ… Tuy nhiên, nếu “biết điều”, biết “lobby” với NH thì lại là chuyện khác.

Tuy nhiên, ông Đặng Đức Huy, Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ NH TMCP Sài Gòn (SCB) lại cho rằng chuyện “lobby” chỉ là thiểu số. “Bởi NH hiện nay đang cạnh tranh rất khốc liệt. Khách hàng không cần đến NH mà nhân viên NH sẽ đến tận nơi của khách hàng để tư vấn dịch vụ, hỗ trợ vay vốn. Bản thân nội bộ NH cũng có cơ chế để quản lý chuyện vay vốn nên không thể nói “có lobby với NH thì mới vay được vốn” – ông Huy cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM cho rằng, thời gian gần đây, các NH mở rộng cửa cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, những vấn đề còn tồn tại của chính DN lại là rào cản để họ tiếp cận vốn.

Doanh nghiệp luôn cần vốn nhưng không dễ tiếp cận từ ngân hàng

“Nhiều chủ DN không hiểu rõ quản lý tài chính nên thiếu chính các hoạt định kế hoạch tài chính ngắn hạn, dài hạn. Thêm vào đó, hiện tượng 2 sổ sách kế toán nhằm giảm mức thuế cũng khiến NH ngần ngại khi cho DN vay vốn” – ông Minh nêu thực tế.

Anh Lê Kha, chủ một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch tại TPHCM kể, anh gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục vay vốn. “Lãi suất cho vay trung và dài hạn cũng cần ổn định, chứ nếu chỉ ổn định một năm đầu tiên, sang đến năm thứ hai NH đột ngột đẩy lãi suất cho vay tăng lên 2-3 lần thì không khác nào “bẫy” DN” – anh đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Hoàng Minh thừa nhận, việc ổn định lãi suất ưu đãi cho vay trong suốt thời gian vay đang là “nút thắt” lớn nhất cần tháo gỡ. Hiện lãi suất cho vay trung và dài hạn thường ổn định trong thời gian từ 1-2 năm đầu, những năm sau đó lãi suất cho vay sẽ có sự thỏa thuận lại giữa ngân hàng và khách hàng vay. Thông thường, mức lãi suất cho vay sau ưu đãi thường được lấy dựa trên lãi suất huy động có kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ dao động từ 2-4%.

“Nguồn vốn cho vay của NH chủ yếu hình thành từ nguồn vốn huy động. Tại TPHCM, ngành NH huy động được 2.192.000 tỷ đồng, trong tổng số nguồn vốn huy động này thì huy động vốn có kỳ hạn chỉ chiếm 21%, số còn lại là huy động vốn ngắn hạn. Trong khi đó tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện chỉ còn có 40%. Để ổn định lãi suất cho vay trung và dài hạn, các NH bắt buộc phải tăng tỷ lệ huy động vốn trung và dài hạn ngày càng nhiều hơn và cơ cấu lại kỳ hạn trong huy động vốn của các NH” - ông Minh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, vốn cho DN nhỏ và vừa vẫn có thể tìm từ các NH, các quỹ đầu tư. Vấn đề là phải có kiến thức và kỹ năng gọi vốn. Có rất nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư tư nhân để DN khởi nghiệp có thể gõ cửa, một số đơn vị sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cho những dự án có tiềm năng phát triển và thành công.

Bà Hà Bích Phượng, Phó giám đốc khách hàng doanh nghiệp SCB cho rằng, lãi suất cho vay của SCB dành cho DN nhỏ và vừa khoảng 6,5%/năm đối với nhóm nằm trong lĩnh vực ưu tiên của chính phủ và SCB, còn lãi suất cho DN thông thường khoảng 8%; tài sản đảm bảo cũng đa dạng, mức vay lên đến 90% nhu cầu.

Uyên Phương