Không dễ ‘kéo gần’ siêu thị nước ngoài với hàng Việt?

08:51 16/10/2020

Để “khoảng cách” hợp tác giữa hàng Việt với các kênh siêu thị ở nước ngoài được kéo gần hơn nhằm tiếp cận khách hàng ngoại tốt hơn, việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng nước sở tại là điều kiện tiên quyết.

Ngày 15/10, thông tin từ CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood cho biết, lô sữa đậu nành của công ty vừa “lên kệ” tại hơn 450 chi nhánh của siêu thị Walmart. Và đây là lần đầu tiên, một thương hiệu sữa Việt Nam được cấp phép để phân phối tại một trong những “đại siêu thị” nổi tiếng nhất thế giới.

“Con đường ngắn nhất”

Walmart vốn là thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của Mỹ và là một trong các nhà bán lẻ lớn nhất ở thị trường Trung Quốc hiện nay với hơn 450 siêu thị (điểm bán) trên toàn quốc. 

Hang-Viet-4483-1602812338.jpg

Hàng Việt Nam tại siêu thị của Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore).

Việc trở thành thương hiệu sữa đậu nành đầu tiên của Việt Nam được phép phân phối trong chuỗi đại siêu thị Walmart giúp NutiFood - thương hiệu thuần Việt, tiếp cận tốt hơn với 1 tỷ người tiêu dùng tại Trung Quốc. 

Cần nói thêm, Trung Quốc được đánh giá là thị trường khổng lồ có mức sử dụng sữa đậu nành lớn nhất thế giới, với sản lượng tiêu thụ lên đến 15 tỷ lít/ năm. 

Do sữa đậu nành là thức uống yêu thích của hàng trăm triệu người, nên Trung Quốc có những yêu cầu rất cao về mặt chất lượng. Bên cạnh đó, yếu tố tiềm năng kinh tế của “miếng bánh lớn” này cũng khiến các công ty nội địa và các tập đoàn dinh dưỡng nước ngoài “để mắt” đến, dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt.

Để có thể hợp tác thành công với “gã khổng lồ của ngành bán lẻ” như Walmart, phía NutiFood đã phải vượt qua hơn 250 tiêu chuẩn khắt khe do Walmart đề ra. Ngoài quy trình sản xuất, nguyên vật liệu đạt chuẩn cao, NutiFood còn phải đáp ứng tất cả các yêu cầu về vấn đề an ninh vận chuyển, chính sách công ty dành cho cán bộ nhân viên, nhà thầu, đối tác, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội…

Nhiều ý kiến cho rằng, việc hợp tác với hệ thống siêu thị lớn như vậy là “con đường ngắn nhất” để hàng Việt có thể xuất khẩu (XK) trực tiếp tới khách hàng nước ngoài.

Điển hình như chuỗi đại siêu thị của Aeon (Nhật Bản) trong nửa đầu năm nay, dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng đã XK 268 triệu USD hàng hóa Việt Nam. Dự kiến cả năm, kim ngạch XK hàng Việt thông qua hệ thống Aeon sẽ đạt 500 triệu USD.

Ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu của Nhật Bản cho biết, trong 5 năm tới, hàng Việt XK vào hệ thống siêu thị Aeon tại Nhật nhắm tới mục tiêu 1 tỷ USD.

Điều quan trọng là các nhà cung cấp của Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các siêu thị ở Nhật. Như chia sẻ hồi năm ngoái của ông Yuichiro, hệ thống siêu thị Aeon tại Việt Nam có tổng cộng 3.000 nhà cung cấp, nhưng chỉ khoảng 200 - 300 nhà cung cấp trong số này có thể xuất hàng sang thị trường Nhật.

HINH-3382-1602756455.jpg

 

Người tiêu dùng Trung Quốc chọn mua sản phẩm sữa đậu nành của Việt Nam thông qua siêu thị Walmart.

Cần tận dụng cơ hội

Trong khi đó, thời gian tới, phía Aeon vẫn đặt ra kỳ vọng sẽ tạo được 2.000 - 3.000 nhà cung cấp Việt Nam có thể XK sang siêu thị của Aeon tại Nhật.

Dành lời khuyên cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong ngành hàng thực phẩm khi hướng đến XK vào kênh siêu thị ở thị trường châu Á, chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng cho rằng, các DN nên tập trung nguồn lực để sản xuất những sản phẩm thực phẩm có giá trị cao. 

Đặc biệt, muốn tiêu thụ tốt ở các siêu thị tại thị trường châu Á, DN Việt nên tập trung nguồn lực hỗ trợ cho việc sáng tạo sản phẩm, nhất là bao bì sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc, tự động hóa, bảo quản và logistics…

Đơn cử, với các siêu thị ở thị trường Trung Quốc, tầng lớp khá giả ở nước này đều có nhu cầu về thực phẩm sạch, là cơ hội lớn cho thực phẩm sạch của Việt Nam có thể tiêu thụ mạnh qua kênh siêu thị. 

Nếu cung cấp được qua các kênh siêu thị lớn ở Trung Quốc sẽ mang nguồn thu lớn cho các DN thực phẩm Việt, do vậy đây là lĩnh vực mà các DN cần tập trung.

Mặt khác, trước khi gia nhập thị trường nước ngoài thông qua kênh siêu thị đòi hỏi DN Việt nên có một thời gian nghiên cứu thị trường để tìm hiểu khẩu vị, thị hiếu cũng như có chiến lược truyền thông tiếp cận đến người tiêu dùng. Sản phẩm thực phẩm phân phối trên hệ thống siêu thị cần có bao bì phù hợp với thị hiếu khách hàng ở nước sở tại.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Tuấn, giám đốc một công ty thực phẩm thuộc dạng vừa và nhỏ ở Tp.HCM cho rằng, việc tiếp cận các kênh siêu thị lớn ở nước ngoài luôn là mong muốn của DN này. Tuy nhiên, các thách thức lớn để đưa hàng hóa của DN nhỏ và vừa vẫn còn đó khi không đủ điều kiện để đáp ứng đồng bộ nhiều giải pháp khắt khe theo yêu cầu của phía siêu thị. 

Còn theo giới chuyên gia, do phần lớn thường thiếu, yếu về các tiêu chuẩn quốc tế đối với chất lượng sản phẩm, cũng như lúng túng trong khâu giao thương, hợp tác nên DN nhỏ và vừa vẫn còn khoảng cách lớn để kết nối đến các kênh siêu thị ở nước ngoài. Để “kéo gần” hơn với các nhà bán lẻ ngoại, DN phải khắc phục những điểm yếu này.

Cần nhắc lại, trong Đề án Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài từ cách đây 5 năm đã đặt mục tiêu đến năm 2020, hàng hóa XK của Việt Nam được XK trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.

Thế Vinh