Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025

09:34 15/10/2020

Sáng ngày 15/10/2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025) chính thức khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc vào sáng nay 15/10.

Tới dự Đại hội có đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN.

Phía tỉnh Bến Tre có đồng chí Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, MTTQ, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; cùng 350 đại biểu đại diện cho 56.838 đảng viên trong toàn Đảng đã về dự

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đọc diễn văn khai mạc và báo cáo chính trị: “Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI có nhiệm vụ rất quan trọng là kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội X; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.” 

Đánh giá chặng đường 5 năm qua, Đại hội nêu rõ tình hình kinh tế - xã hội tại tỉnh cũng có sự chuyển biến khá toàn diện, rút ngắn được “khoảng cách tụt hậu” với khu vực và cả nước. Kinh tế tăng trưởng khá, bình quân đạt 6,41%/năm. Trong đó, khu vực I tăng 3,92%/năm, khu vực II tăng 10,44%/năm, khu vực III tăng 6,75%/năm. 

Chất lượng tăng trưởng các khu vực được nâng lên, năng suất lao động tăng bình quân 10,99%/năm, cao hơn giai đoạn trước, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP khoảng 20% (giai đoạn 2010 - 2015 là 14,3%). GRDP bình quân đầu người ước đạt 43,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,59%.  Bến Tre cơ bản thoát khỏi tụt hậu, mức sống của người dân Bến Tre đã vươn lên ngang bằng mức sống trung bình của người dân trong khu vực. 

Ngành nông nghiệp được tỉnh đầu tư và phát triển khá toàn diện và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị và liên kết phát triển bền vững đạt kết quả bước đầu. Diện tích, sản lượng dừa tăng mạnh, diện tích dừa hữu cơ ngày càng tăng; chuỗi giá trị cây dừa khá hoàn chỉnh, giá trị xuất khẩu sản phẩm từ dừa đạt 265 triệu USD (chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu). Cây ăn trái chuyển đổi theo hướng chuyên canh, cây đặc sản có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu xuất khẩu, tiêu thụ trong nước, gắn phát triển du lịch; các chuỗi giá trị bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, hoa kiểng,... được hình thành và bước đầu phát huy. 

Lĩnh vực thuỷ sản tiếp tục được đầu tư và khẳng định vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp (khoảng 53,5%); nuôi sạch và ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thuỷ sản tăng khá. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản năm 2019 đạt 160,72 triệu đồng/ha, tăng 38,86 triệu đồng/ha so với năm 2015. Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được thực hiện khá tốt.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) phát triển khá, đạt 49/45 xã nông thôn mới; có 80 xã đạt từ 10 đến 18 tiêu chí. Huyện Chợ Lách đạt chuẩn NTM; thành phố Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; kết quả đó làm cho đời sống Nhân dân và diện mạo nông thôn tiếp tục khởi sắc.

Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 11,6%/năm. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư; khu công nghiệp An Hiệp, Giao Long đã được lấp đầy và hoạt động ổn định; xây dựng và đưa vào hoạt động 03 cụm công nghiệp, đang triển khai xây dựng Khu công nghiệp Phú Thuận (chuẩn bị tiếp nhận đầu tư vào năm 2021); giá trị sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp chiếm 61,8% giá trị sản xuất công nghiệp và 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đến cuối năm 2020 ước đạt 30%, tăng 7,2 điểm % so với năm 2016; giải quyết việc làm cho khoảng 38.000 lao động. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến công, phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống được chú trọng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 204.274 tỷ đồng, tăng bình quân 11,8%/năm; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thực hiện tốt; Du lịch phát triển khá mạnh, lượng khách tăng bình quân 12,5%/năm, doanh thu tăng bình quân 16,5%/năm.

Thị trường xuất khẩu của tỉnh mở rộng trên 126 nước và vùng lãnh thổ, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và một số sản phẩm có giá trị cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5.074 triệu USD, đạt 89,6% so nghị quyết, tăng 12,8%/năm; trong đó tỷ trọng hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu chiếm bình quân 82,9% trên tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 2.059,8 triệu USD, đạt 114,4%.

Cơ cấu các thành phần kinh tế, kinh tế hợp tác và các hình thức liên kết sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, gắn với chuỗi giá trị; kinh tế dân doanh phát triển khá nhanh, hoạt động hiệu quả. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp” được tập trung thực hiện, đạt kết quả khả quan4.

Thu ngân sách trên địa bàn đạt 19.914 tỷ đồng, tăng 25,2% so Nghị quyết; cơ cấu chi chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên và tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Nguồn vốn huy động của các ngân hàng tăng bình quân 18%/năm, tổng dư nợ tăng bình quân 17%/năm; kiểm soát tốt nợ xấu (dưới 1,5%).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 1.088 triệu USD, tăng 2,36 lần và vốn đầu tư trong nước ước đạt 68.414 tỷ đồng, tăng 4,28 lần so với nhiệm kỳ trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 82.941 tỷ đồng, vượt 3,4% so Nghị quyết và tăng gần 1,43 lần so với giai đoạn trước; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) được cải thiện đáng kể (năm 2016 là 5,2; năm 2020 là 4,3). 

Tuy kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre phát triển tích cực nhưng vẫn chưa theo kịp khu vực và cả nước; tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đạt yêu cầu. Sự liên kết giữa sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa thật sự hiệu quả; hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế, nhất là giao thông, thuỷ lợi, điện, nước; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh đang đứng trước những thách mới, nhất là: xâm nhập mặn và nguy cơ thiếu nước ngọt, các loại dịch bệnh mới và các mối đe doạ từ an ninh phi truyền thống khác.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Phát biểu tại Đại hội, đồng Chí Trương Hoà Bình, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng Thường trực Chính phủ khẳng định: “Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã tạo được những tiền đề rất căn cơ và quan trọng để Bến Tre phát triển nhanh hơn trong thời gian tới". 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, đồng chí Trương Hòa Bình cũng nhận xét Bến Tre cũng còn những hạn chế, đã được chỉ rõ trong báo cáo chính trị và trong báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Do đó, tỉnh cần xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó các nhiệm vụ cụ thể:

Một là, phân tích sâu thêm và nhận thức rõ hơn về những thời cơ thuận lợi và những khó khăn, thách thức của tình hình thế giới, khu vực, nhất là Biển Đông và trong nước tác động đến sự phát triển của tỉnh. Vấn đề xâm nhập mặn, hạ tầng yếu kém, thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển, thiếu nguồn nhân lực chất lượng là những thách thức không nhỏ cho quá trình phát triển của tỉnh thời gian tới. Mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2025, Bến Tre là trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh Bến Tre sẽ có nền kinh tế phát triển khá thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm 30 tỉnh dẫn đầu cả nước, tiên tiến và bền vững, tạo môi trường sống lý tưởng cho người dân.

Để đạt được tầm nhìn này, tỉnh cần triển khai 4 trụ cột chiến lược: Nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, gắn với thị trường, xem đây là nền tảng ổn định kinh tế - xã hội; Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng, xem đây là mũi đột phá giúp đẩy nhanh tăng trưởng; Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là mũi đột phá tương lai của tỉnh; Nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo môi trường xanh bền vững, hướng tới xây dựng địa phương đáng sống”. 

Hai là, xác định rõ vai trò của Bến Tre để xây dựng, quản lý quy hoạch không gian phát triển với tầm nhìn mở, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, tỉnh Bến Tre cần triển khai thực hiện quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án phát triển đô thị, các khu công nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; trồng rừng ven biển, ven sông, rừng ngập mặn để chống xói lở bờ sông, bờ biển.... Đồng thời, tăng cường liên kết về kết cấu hạ tầng, phân công lao động, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh.

Ba là, tiếp tục công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp; thu hút đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp mới, công nghiệp chế biến nông sản; chú trọng phát triển điện khí, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối), dịch vụ logistics…

Do tỷ trọng nông nghiệp còn cao, tỉnh cần tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại các vùng sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, an toàn thực phẩm, tăng hàm lượng khoa học và công nghệ để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần cùng cả nước phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 2,5 đến 3% năm nay.

Bốn là, tiếp tục quan tâm, phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 đang diễn ra.

Năm là, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng và phòng chống các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Sáu là tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh tuyến biển.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre bức tranh "Bác Hồ kính yêu". 

Bến tre đã xây dựng Chiến lược phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2045, tỉnh Bến Tre sẽ có nền kinh tế phát triển khá (top 5 Đồng bằng sông Cửu Long, top 30 cả nước), tiên tiến và theo hướng bền vững, tạo môi trường sống lý tưởng cho người dân.

 Minh Tuấn - Huyền My