Kết quả điều trần các CEO “tứ trụ” sẽ thay đổi bức tranh công nghệ ra sao?

00:00 12/10/2020

Jeff Bezos của Amazon, Mark Zuckerberg của Facebook, Tim Cook của Apple và Sundar Pichai của Google đang thực hiện điều trần trước hội đồng chống độc quyền của Uỷ ban Tư pháp Hạ viện hôm nay.

Đây là phiên điều trần thứ sáu của quá trình điều tra bản chất và hành vi của những “gã khổng lồ” công nghệ, và rất có thể sẽ thay đổi cách thị trường công nghệ vận hành sau này. 

Các công ty công nghệ đang ngày một bành trướng, kể cả trong đại dịch. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này giữ xu hướng tăng trong suốt những tuần đầu Covid-19 diễn ra. Giá trị vốn hóa lên đứng hàng top thị trường, với tổng giá trị lên tới 4.000 tỉ USD, chiếm 20% nhóm cổ phiếu S&P 500. 

Nhiều người luôn tự hỏi: Tại sao những công ty công nghệ được phép phát triển tới quy mô ngày nay mà không chịu sự giám sát của các nhà lập pháp trước đây? 

Cách diễn giải luật chống độc quyền hiện tại của nước Mỹ gần như không thể bắt các công ty công nghệ thoái lui. Kể từ năm 1979, Toà án Tối cao Mỹ đã luôn tập trung vào phần “lợi ích người tiêu dùng” khi xem xét luật chống độc quyền.  

Kết quả điều trần các CEO “tứ trụ” sẽ thay đổi bức tranh công nghệ ra sao?  - ảnh 1

Ảnh: Forbes.com 

Một hành động được xem là độc quyền chỉ khi nó “khiến giá trị của hàng hoá tăng cao hơn mức giá cạnh tranh hoặc phá hủy chất lượng sản phẩm”. Cách hiểu này đã hoạt động rất tốt trong nền kinh tế truyền thống và kiểm soát được các ngành dầu khí, viễn thông, xe hơi, bất động sản và sản phẩm tiêu dùng.

Nhưng trong một nền kinh tế được điều hướng bởi sự phát triển của phần mềm, sự xuất hiện của những người dùng mới sẽ chỉ tốn rất ít chi phí thêm vào. Khi một phần mềm được hoàn tất, sẽ chẳng tốn một đồng nào để sản phẩm này được nhân rộng.

Các công ty công nghệ ngày nay kiếm lợi không phải từ các phần mềm, mà từ các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo. Netflix đang trả cho Amazon khoảng 10 triệu USD mỗi tháng cho dịch vụ điện toán đám mây, để Amazon bù lỗ vào dịch vụ giao hàng tận nhà đang triển khai. Ranh giới giữa tốt và xấu nay khó trở nên xác định hơn nhiều với sự xuất hiện của Silicon Valley.

Trước mắt, giới công nghệ sẽ phải theo dõi liệu giới chức Mỹ sẽ có cách diễn giải mới cho luật chống độc quyền hay không. Rất có thể thay vì nhìn vào giá sản phẩm, các nhà lập pháp sẽ nhìn vào các hành vi gây hại cho đối thủ để kết luận tính chất độc quyền của một doanh nghiệp. 

Việc có quy mô lớn sẽ mang lại cho các doanh nghiệp lợi thế lớn. Đầu năm nay Apple đã bị điều tra tại Hà Lan vì thiên vị ứng dụng của công ty mình, chẳng hạn như Apple Music, hơn là những ứng dụng của bên thứ ba như Spotify.

Một vụ kiện khác đáng chú ý cũng đang diễn ra tại châu Âu, khi Ủy ban châu Âu cáo buộc việc Microsoft đang bán gộp ứng dụng họp trực tuyến Teams với bộ phần mềm văn phòng Office là trái phép. Đây cũng chính là chiến lược giúp Microsoft đánh bại Netscape trên đường đua cung cấp trình duyệt diễn ra 20 năm trước. Kết quả của phiên điều trần hiện tại rất có thể sẽ thay đổi số phận của Zoom - đối thủ chính của Microsoft Teams. 

Dù buổi điều trần sẽ không nói về chủ đề đạo đức, nhưng rất có thể Mark Zuckerberg sẽ không thoát khỏi những câu hỏi liên quan. Đầu tháng 7 vừa qua, CEO Facebook đã tuyên bố với các nhân viên công ty rằng ông sẽ không cúi đầu trước làn sóng tẩy chay dịch vụ quảng cáo mà công ty đang đối mặt. “Tôi đoán rằng tất cả các công ty cần quảng cáo sẽ sớm quay lại nền tảng,” Zuckerberg nói. 

Phong trào tẩy chay Facebook hiện đang nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới như Unilever, Levi's, Coca-Cola…Các nhãn hàng này cho rằng khách hàng của mình đang chán ghét với việc nhìn thấy quảng cáo trên một nền tảng cổ súy phát ngôn gây thù hằn, lan truyền thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu sai sự thật.

Tuy vậy phong trào tẩy chay này chỉ ảnh hưởng rất nhỏ tới doanh thu của Facebook. Trong trường hợp kết quả phiên điều trần đi theo hướng tích cực cho người dùng, chúng ta sẽ bắt đầu thấy sự hiện diện của các nhãn cảnh báo tin giả hay tin sai trên Facebook.

Một vấn đề khác được các phiên điều trần, kể cả phiên lần này cũng có thể nhắc tới là việc phân tách các công ty công nghệ lớn. Điều này chưa chắc sẽ xảy ra. Nhưng có một việc chắc chắn: các thuật toán trí tuệ nhân tạo đang được tận dụng bởi các công ty công nghệ lớn không cần phải được công khai và mổ xẻ trước công chúng. Các nhà hành pháp có thể tạo ra một nhóm các chuyên gia - những người đóng vai trò tương tự như các chuyên viên kiểm toán và xác nhận xem liệu các thuật toán này có không bị thiên lệch và vô đạo đức hay không.

Howord Yu