Hệ sinh thái Fintech – Cuộc cách mạng đang thay đổi thế giới từng ngày

00:00 12/10/2020

Năm 2020, giá trị giao dịch của thị trường Fintech Việt Nam (Công nghệ tài chính) dự báo sẽ tăng lên mức 7-8 tỷ USD. Doanh số khổng lồ dự báo trước về một thị trường mới đầy hứa hẹn, song cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Việt Nam có thể nhìn vào mô hình nào trên thế giới để rút kinh nghiệm, nhanh chóng tiếp cận và quản lý tốt hệ sinh thái còn rất mới mẻ này?

Về cơ bản, phát triển hệ sinh thái Fintech đòi hỏi xây dựng không gian pháp lý giúp các doanh nghiệp Fintech yên tâm phát triển, cũng như có các chính sách khuyến khích phù hợp. Các cơ quan quản lý phải phối hợp chặt chẽ nhằm theo dõi và hiểu được các thay đổi của thị trường và phát triển các biện pháp giúp tạo không gian sáng tạo nhưng vẫn cân bằng được rủi ro và các yếu tố nguy cơ. Một số ví dụ điển hình về kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái Fintech có thể kể đến như:

Trung Quốc

Mặc dù là quốc gia đi sau và còn phải học hỏi nhiều từ thế giới về quản lý hệ thống tài chính, song trong lĩnh vực Fintech, Trung Quốc lại đang nắm lá cờ đầu. Theo công ty kiểm toán EY, Trung Quốc hiện đang là nước dẫn đầu trong tỷ lệ người dùng các thiết bị kỹ thuật số tham gia sử dụng các dịch vụ Fintech – lên đến gần 90%.

Tỷ lệ tiếp cận dịch vụ Fintech trên số dân thường xuyên sử dụng thiết bị kỹ thuật số năm 2019. (Nguồn: EY, 2019) 

Nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính thành công nhất hiện nay, tập đoàn Alibaba, đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tín dụng cho các nhà cung cấp sử dụng nền tảng thương mại của mình từ năm 2006. Đến năm 2019, Ant Financial, công ty con của Tập đoàn Alibaba hiện đang đứng đầu và bỏ xa các công ty phía sau trong bảng xếp hạng các công ty Fintech dẫn đầu thế giới năm 2019. Lợi thế cốt lõi của Ant Financial là nhờ thông tin tài chính và chi tiêu thu thập được tư hơn 16 triệu đối tác, công ty có thể tính toán rủi ro tín dụng chính xác hơn và từ đó cho ra các giải pháp tài chính phù hợp. 

Để phòng tránh những rủi ro hệ thống mà Fintech có thể gây ra cho hệ thống tài chính, chính phủ Trung Quốc đã nghiên cứu và triển khai việc liên tục thanh tra năng lực thanh khoản của các công ty Fintech và xây dựng những kịch bản khẩn cấp để phòng tránh rủi ro lan rộng khi có vấn đề xảy ra. Chính phủ cũng cân nhắc phạm vi có thể đứng ra đảm bảo các gói tín dụng từ các công ty Fintech như với các tổ chức tín dụng truyền thống. Tất nhiên là điều này chỉ được áp dụng đối với các doanh nghiệp Fintech thỏa mãn điều kiện hoạt động và Chính phủ đặt ra. 

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây đã ban hành 40 biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của Fintech. Tám mục tiêu chính bao gồm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nổi, tăng cường hợp tác về FinTech ở đồng bằng sông Dương Tử, nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường đào tạo nhân sự, cùng một số các mục tiêu khác.

Về mặt tiền điện tử, cơ quan lập pháp của Trung Quốc gần đây đã bỏ phiếu thông qua luật quốc gia về mật mã. Theo Xinhuanet, luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, "khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong mật mã và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong mật mã học". Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình, cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ blockchain đối với đất nước, và hứa sẽ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ blockchain và phát triển công nghiệp theo hướng đổi mới các phát biểu mới đây.

Châu Âu

Mặc dù việc áp dụng Fintech tại Châu Âu còn khá hạn chế, song một số công ty startup cũng đã bắt đầu thâm nhập vào một số phân khúc thị trường nhất định, một số ứng dụng như Transferwise hay Revolut đang dần dần thu hút khách hàng trong lĩnh vực trao đổi ngoại tệ với mức phí rất thấp. Đặc biệt, sự phát triển của thị trường Fintech và nhận thức ngày càng cao về quyền của người dùng, đã đòi hỏi các Chính phủ và doanh nghiệp phải chú ý hơn đến bảo mật dữ liệu cá nhân và quyền của người dùng. 

Châu Âu đã tiến bước đầu tiên khi đưa ra Quy định bảo vệ dữ liệu chung - General Data Protection Regulation (GDPR) tại EU. Theo đó, khách hàng được công nhận và bảo vệ nhiều quyền lợi, như quyền cho phép tiếp cận và sử dụng thông tin cá nhân, quyền xóa dữ liệu và quyền được cam kết các rủi ro trách nhiệm. Đây được coi là bước đi cần thiết, giúp đón đầu sự bùng nổ mạnh hơn nữa của các công ty Fintech tại lục địa già. Xét cho cùng, cả doanh nghiệp Fintech lẫn các nhà hoạch định chính sách đều coi việc tạo dựng niềm tin của khách hàng là mấu chốt lớn nhất phải giải quyết nếu muốn các dịch vụ Fintech phát triển lâu dài. 

Ngoài ra, EU cũng quan tâm đến việc quản lý các dịch vụ Fintech xuyên biên giới. Đây là vấn đề còn gây đau đầu do nó sẽ quyết định cách các Chính phủ hợp tác và quản lý các doanh nghiệp Fintech tại quốc gia của mình. 

Australia

Vào giữa tháng 10 vừa qua, Hạ viện đã thông qua sửa đổi Đạo luật Doanh nghiệp 2001 và Đạo luật Bảo vệ Tín dụng Tiêu dùng Quốc gia 2009 (National Consumer Credit Protection Act), cho phép mở rộng cơ chế thử nghiệm Sandbox – giúp thử nghiệm tính đồng bộ của khuôn khổ giám sát trước các cải cách tài chính mới – đối với Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (Australian Securities and Investments Commission's (ASIC). Điều này cho phép kéo dài thời gian miễn thuế tối đa đối với giấy phép dịch vụ tài chính và tín dụng ở Australia từ 12 tháng lên 24 tháng; mở rộng phạm vi các hoạt động tài chính được cấp phép (tư vấn tài chính về lương hưu, bảo hiểm nhân thọ, chứng khoán trong nước và quốc tế, tín dụng tiêu dùng, các dịch vụ thanh toán và gây quỹ không dùng tiền mặt; và nâng mức bảo hiểm tối đa đối với các sản phẩm bảo hiểm từ 50.000 lên 85.000 Đôla Australia. Đây là lần đầu tiên các dịch vụ bảo hiểm được tham gia sân chơi Fintech tại Australia. 

Hiện nay, Chính phủ Australia cũng đang tìm kiếm các đề án giúp thỏa mãn yêu cầu của Cơ quan An ninh và Tình báo Australia trong việc cho phép sử dụng các thông tin sinh trắc học của người dân vào các dịch vụ Fintech. Đây cũng là lo ngại chung và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng không chỉ tại Australia mà còn trên thế giới. 

Fintech bao trùm thế giới

Tại Indonesia, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã thành lập một văn phòng Fintech và Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (Indonesian Financial Service Authority) đã thành lập cơ chế phối hợp nội bộ nhằm theo dõi, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng bền vững của các dịch vụ Fintech tại quốc gia này. 

Tại Singapore, mô hình Ngân hàng mở đang được áp dụng khá thành công, khuyến khích các tổ chức tài chính chia sẻ thông tin khách hàng của mình cho bên thứ 3 là các doanh nghiệp Fintech. Điều này có được là nhờ MAS - Monetary Authority of Singapore, cơ quan đặc biệt đã đưa ra các chính sách tiến bộ về ngân hàng mở ngay từ năm 2016. MAS cũng đã xuất bản một bộ chỉ dẫn chia sẻ API để khuyến các ngân hàng tham gia sáng kiến trên. 

Đến nay, nhiều tổ chức tài chính lớn như Citibank, DBS, Standard Chatered và cả NEST – Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử từ năm 1985, đã vận hành các cổng API của riêng họ với hơn 272 bộ API. Ngoài ra, còn phải kể đến khoản ngân sách trị giá 225 triệu Đôla Singapore cùng thuế suất ưu đãi từ Chính phủ dành cho các dự án Fintech từ năm 2018. Điều này đã giúp Singapore lọt vào top các trung tâm Fintech (FіnТесh hub) của thế giới. 

Tại Hàn Quốc, hàng chục ngân hàng lớn tại đây đã bắt đầu thí điểm dịch vụ ngân hàng mở từ cuối tháng 10 vừa qua. Điều này cho phép người dùng có thể đăng ký liên kết tất cả tài khoản ngân hàng mình có vào một ứng dụng tài chính duy nhất. 

Cơ hội và thách thức Thuật ngữ Fintech xuất hiện lần đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng phải đến cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi hàng loạt ngân hàng bị phá sản hoặc tổn thương nghiêm trọng, các công ty công nghệ mới được trao sự tin tưởng từ người dân để quản lý tiền của họ. Từ cột mốc này, nhiều công ty khởi nghiệp đã thách thức các tổ chức tài chính trong nhiều lĩnh vực và dịch vụ cụ thể, từ tài chính đầu tư, quản lý nội bộ và quản lý rủi ro, thanh toán và xây dựng hệ thống, bảo mật dữ liệu, cho đến vận dụng thành công các công nghệ mới như blockchain và điện toán đám mây. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng nào cũng đi kèm với rủi ro và Fintech cũng không phải ngoại lệ. Một số vấn đề nổi bật liên quan đến Fintech hiện nay gồm: rủi ro bảo mật thông tin, bảo vệ tài sản của cá nhân và tổ chức; rủi ro về các hoạt động tội phạm công nghệ cao, rửa tiền, lừa đảo; cùng các vấn đề an ninh tài chính vĩ mô. Đặc biệt, cần có chiến lược phát triển hệ sinh thái Fintech nhằm đảm bảo điều tiết và xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường Fintech trong nước. Nhất là khi, giá trị giao dịch từ thị trường này tại Việt Nam năm 2020 dự báo có thể tăng trưởng lên mức 7-8 tỷ USD.

Nguyễn Trần Minh Trí