Đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ cao như thế nào cho doanh nghiệp?

00:00 12/10/2020

Đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao là mục tiêu và nhiệm vụ hàng đầu của mỗi doanh nghiệp để có thể tồn tại một cách bền vững. Nhằm rút ngắn quá trình đổi mới công nghệ trong sản xuất, các doanh nghiệp trong nước cần có một chiến lược cùng một quy trình phát triển công nghệ, mà đặc biệt là công nghệ cao, một cách cụ thể và rõ ràng, trong đó bám sát chính sách và định hướng của nhà nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Vì sao doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ và phát triển công nghệ cao?

Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng của sự phát triển kinh tế-xã hội, điều này đòi hỏi Việt Nam phải đặt ra những ưu tiên quan trọng hơn trong quá trình xây dựng và kiến tạo đất nước. Trong điều kiện hạn chế về vốn và lao động như hiện nay, một trong những ưu tiên quan trọng mà chúng ta cần quan tâm là nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong nước, từ đó nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quan trọng hơn, để Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế trước bối cảnh mới, việc phát triển công nghệ cao trong các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước là hết sức cần thiết.

Đối với sự phát triển, đổi mới quy trình sản xuất trong mỗi doanh nghiệp, công nghệ đóng vai trò trung tâm trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng cao, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động và tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí cũng như nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chú trọng đổi mới và phát triển công nghệ cao sẽ thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả sản xuất; đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường. Có thể nói, mỗi doanh nghiệp muốn phát triển đều cần phải tập trung thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ; đồng thời, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong quá trình hoạt động và sản xuất. 

Làm thế nào để đổi mới và phát triển công nghệ cao cho doanh nghiệp?

Trong quá trình đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với vô vàn thách thức từ nội bộ bên trong đến môi trường bên ngoài, điều này đòi hỏi sự đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc vô cùng lớn. Dưới đây là một số quy trình và phương pháp giúp các doanh nghiệp có định hướng rõ ràng hơn trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động và sản xuất.

1. Cần nhận thức đúng đắn về việc thay đổi công nghệ

Phát triển các công nghệ cao là nhiệm vụ tiên quyết của mỗi doanh nghiệp

Vai trò của công nghệ đối với sản xuất không gì có thể phủ nhận. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nhận thức một cách rõ nét nhất thực trạng của mình để từ đó đề ra các biện pháp phát triển công nghệ. Để tập trung phát triển công nghệ, doanh nghiệp cần đóng vai trò chủ động và là trung tâm của mọi hoạt động đổi mới công nghệ sản xuất. Doanh nghiệp muốn thay đổi công nghệ cần phải chủ động, biết mình còn thiếu gì và mình cần bổ sung những gì. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ về mặt pháp lý, không thể thay doanh nghiệp thực hiện điều này.

2. Đổi mới sản phẩm của doanh nghiệp

Đổi mới sản phẩm có nghĩa là doanh nghiệp cần phải đưa ra thị trường các sản phẩm mới hoặc các sản phẩm đã được cải tiến hoàn toàn so với các sản phẩm trước đó do doanh nghiệp sản xuất. Các sản phẩm được đưa ra thị trường cần phải được tạo ra nhờ vào ứng dụng công nghệ hoàn toàn mới, hoặc thay đổi cách thức tổ chức. Đồng thời, doanh nghiệp cần phải tích hợp các công nghệ hiện có để tạo ra các sản phẩm có tính năng và công dụng hiện đại hơn.

3. Đổi mới quy trình sản xuất

Đổi mới quy trình sản xuất có nghĩa là doanh nghiệp cần phải thay đổi quy trình hoặc cải tiến quy trình cũ được doanh nghiệp áp dụng trước đó. Quy trình được cải tiến về công nghệ có nghĩa là các quy trình được thay đổi để tăng năng suất, hạ giá thành nhưng vẫn dựa trên các nguyên lý cũ. Sản phẩm được sản xuất ra thường vẫn là các sản phẩm truyền thống, chỉ khác ở điểm các sản phẩm này sẽ được sản xuất nhiều hơn trong cùng một khoảng thời gian và giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn.

Doanh nghiệp cần liên tục cải tiến và đổi mới quy trình sản xuất

4. Nâng cao tiềm lực tài chính của doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ

Doanh nghiệp có thể thông qua các khoản vay từ ngân hàng hoặc nhận sự hỗ trợ của Nhà nước để nghiên cứu và đầu tư các công nghệ tương thích với hoạt động sản xuất của mình. Việc tăng cường mở rộng hợp tác với các tổ chức tín dụng vừa giúp cho doanh nghiệp bổ sung được nhiều thông tin kinh doanh, vừa giúp doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn có khả năng tiếp cận.

Hiện tại, Nhà nước có rất nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc phát triển công nghệ caođổi mới công nghệ. Trong đó Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 là một trong các chương trình trọng điểm. Mục tiêu chính của chương trình bao gồm:

Thứ nhất, hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, làm chủ, phát triển và tạo ra công nghệ cao để ứng dụng vào việc sản xuất;

Thứ hai, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, nông nghiệp, y tế và sức khỏe, an ninh và quốc phòng;

Thứ ba, xây dựng và phát triển công nghiệp công nghệ cao;

Thứ tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

Mướp đắng được chọn tạo từ đề tài có năng suất tăng 30% so với giống cũ. Ảnh: ĐN.

Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực cần đầu tư phát triển công nghệ cao

Bên cạnh đó, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia thì tập trung phát triển về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp, nhân lực quản lý doanh nghiệp trong việc thực hiện đổi mới công nghệ, làm chủ và tạo ra công nghệ tiên tiến. Theo đó, chương trình:

Thứ nhất, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng công nghệ tiên tiến, khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp để sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia.

Thứ hai, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, bao gồm các hoạt động: ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia công nghệ; nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm; ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Thứ ba, Tăng cường nguồn lực cho đổi mới công nghệ vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Việc đổi mới công nghệ sẽ giúp tăng hiệu quả và năng suất lao động của doanh nghiệp, đồng thời tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ thị trường.

5. Áp dụng cải tiến công nghệ theo theo từng giai đoạn

Đây là một điều vô cùng thiết yếu với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Doanh nghiệp nên phân nhỏ các quá trình đầu tư và phát triển công nghệ theo từng chu kỳ kinh doanh; hoặc cũng có thể cải tiến từng công đoạn một sao cho không ảnh hưởng đến các công đoạn khác để giảm sức ép về nguồn vốn đầu tư. Muốn làm được điều này, doanh nghiệp cần phải có kiến thức vững chắc về các quy trình sản xuất và kiến thức liên quan đến các quy trình này.

Tuyết Mai