Doanh nghiệp đua nhau 'viết kịch bản' về đích trong mùa Đại hội cổ đông

00:00 12/10/2020

Chưa bao giờ kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp lại thiếu rõ ràng như hiện nay khi mà diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp. Quan sát mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) lần này sẽ thấy có rất nhiều doanh nghiệp chỉ có thể trình cổ đông các kịch bản về đích năm 2020 chứ không phải là một lộ trình rõ ràng như mọi năm.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có lộ trình về đích rõ ràng trong năm 2020. Ảnh minh họa: VOV

Hầu hết doanh nghiệp đều bị động trước dịch Covid-19, đến nay tình hình vẫn chưa cải thiện khiến việc đưa ra kế hoạch kinh doanh cụ thể trở nên khó khăn hơn. Phần lớn kế hoạch kinh doanh được lập trước đó bị điều chỉnh, thậm chí những chiến lược mới cũng phải rẽ sang một hướng khác để ổn định tình hình trước mắt.

Băn khoăn giữa hai kịch bản

ĐHCĐ năm 2020 mới đây của Công ty cổ phần Vicostone – đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa – đã thông qua hai kịch bản kế hoạch sản xuất kinh doanh 2020 trước ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19. Hai kịch bản được lãnh đạo doanh nghiệp trình cổ đông là “Lạc quan” và “Thận trọng”.

Cụ thể với kịch bản lạc quan, giữ nguyên theo kế hoạch năm 2020 đã được HĐQT thông qua ngày 31-12-2019. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 dự kiến đạt 6.653,8 tỉ đồng, tăng 19,61%; Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.979,78 tỉ đồng, tăng 19,79% so với năm 2019. Trong khi đó, kịch bản thận trọng sẽ là điều chỉnh doanh thu và lợi nhuận chỉ tăng nhẹ so với thực hiện 2019, tương ứng là 1,25% và 0,98%.

Theo ban lãnh đạo Vicostone, bên cạnh những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, năm 2020 được dự báo thị trường kinh tế - chính trị trên thế giới còn nhiều biến động khác có liên quan đến tỉ giá, giá dầu và khả năng Việt Nam rơi vào danh sách rà soát của Chính phủ Mỹ về chống bán phá giá. Vì vậy, Vicostone phải luôn chủ động và linh hoạt đưa ra các giải pháp tối ưu trong mọi hoàn cảnh.

Tại ĐHCĐ 2020 diễn ra ngày 18-6, cổ đông của Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) đã phải thông qua hai kịch bản cho hoạt động kinh doanh năm 2020. Thứ nhất, thực hiện việc hợp nhất Viglacera vào quí 4-2020, Gelex dự kiến doanh thu thuần hợp nhất là 19.600 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 975 tỉ đồng, giảm 12% so với năm trước.

Thứ hai, trong trường hợp không hợp nhất, doanh thu thuần hợp nhất là 17.500 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 33% còn 735 tỉ đồng. Kế hoạch cổ tức cho cả hai kịch bản đều là 10%.

Trong ĐHCĐ tới đây, Gemadept cũng trình ĐHCĐ hai kế hoạch kinh doanh năm 2020 dựa trên số liệu GDP ước tính. Kịch bản thứ nhất với GDP đạt 4,8% thì doanh thu dự kiến là 2.150 tỉ đồng, giảm 19% so với thực hiện năm 2019 và lợi nhuận sau thuế là 500 tỉ đồng, giảm 29%. Kịch bản thứ 2 kém khả quan hơn khi GDP chỉ đạt 4% dẫn đến doanh thu là 2.000 tỉ đồng, giảm 24% và lợi nhuận sau thuế là 430 tỉ đồng, giảm 39%.

Hầu hết các doanh nghiệp mới trải qua quí 1 với kết quả kinh doanh sụt giảm nghiêm khiến không nhiều đơn vị có thể lạc quan về kế hoạch kinh doanh sắp tới. Sau kỳ ĐHCĐ nhiều doanh nghiệp đánh giá, quí 2 mới thực sự là đỉnh điểm của khủng hoảng, bởi một tháng đầu tiên (tháng 4) gần như tê liệt vì cách ly xã hội. Thêm vào đó nguy cơ bùng phát dịch trở lại trên thế giới được nhắc đến khiến các doanh nghiệp vẫn kinh doanh trong tình trạng “ném đá dò đường”. Vì vậy họ cần đưa ra các kịch bản có thể diễn ra và nên tập trung vào kịch bản xấu nhất để chủ động ứng phó.

Xoay chiến lược khi thị trường thay đổi

Kịch bản là điều mà doanh nghiệp có thể chủ động được trọng bối cảnh tình hình sụt giảm từ đầu năm đến nay vì lý do bất khả kháng. Điều này có thể không giúp các doanh nghiệp lội ngược dòng nhưng đây là phương án giảm thiểu tổn thất, hay nói cách khác là giảm đau, chống sốc cho doanh nghiệp lẫn cổ đông về kế hoạch năm 2020.

Trong ĐHCĐ mới đây, Công ty cổ hần Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã đưa ra bản báo cáo bốn tháng đầu năm chỉ đạt doanh thu thuần 501 tỉ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước và mức lỗ ròng lên đến 89 tỉ đồng. Công ty lý giải do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã phải đóng cửa nhiều cửa hàng trong thời gian giãn cách xã hội. Lũy kế, lợi nhuận năm tháng đầu năm 2020 ước đạt 343 tỉ đồng, đạt 41% kế hoạch.

Đó cũng là lý do để PNJ điều chỉnh từ kế hoạch ban đầu với lợi nhuận sau thuế 2020 dự kiến tăng trưởng 13% so với thực hiện năm 2019, PNJ đã điều chỉnh lại kế hoạch sau thuế, dự kiến giảm đến 30% so với kết quả đạt được năm 2019.

Theo HĐQT PNJ, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc và làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Thái độ, hành vi và nhu cầu người tiêu dùng hoàn toàn chuyển hướng, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, bên cạnh đó là lựa chọn vàng miếng hoặc trang sức có hàm lượng vàng cao nhằm tích trữ tài sản thay vì nhu cầu thẩm mỹ.
Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, PNJ đã chủ động chuẩn bị các kịch bản ứng phó tương ứng với từng giai đoạn: dịch bệnh - suy thoái - phục hồi.

Tiến hành đồng thời cùng các hoạt động nêu trên, PNJ đã đàm phán để tiết giảm chi phí mặt bằng, tiến hành cơ cấu lại hàng tồn kho, tăng thanh khoản kho hàng…Doanh nghiệp cũng đã cơ cấu lại các kỳ hạn vay và lãi vay, tạm dừng các dự án đầu tư mới, xây dựng kịch bản stress-test (mô hình thử sức chịu đựng) và các phương án dự phòng cho từng kịch bản.

Theo bà Cao thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ, nhiều doanh nghiệp đưa ra kết quả kinh doanh quí 1 năm nay vẫn ghi nhận mức tăng trưởng, có thể đây là dư địa tăng trưởng được chuyển tiếp từ trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, quí 2 mới thực sự là đỉnh điểm của khủng hoảng, bởi một tháng đầu tiên (tháng 4) gần như tê liệt vì tình trạng giãn cách xã hội. Vì vậy doanh nghiệp cần đưa ra các kịch bản có thể diễn ra và nên tập trung vào kịch bản xấu nhất để chủ động ứng phó.

“Không một ai có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng này, nên doanh nghiệp cần phải bình tĩnh xem lại mình ở đâu, trong trạng thái nào để chuẩn bị khắc phục. Nếu kịch bản là sụt giảm 30% doanh số, doanh nghiệp sẽ phải ứng phó thế nào, thậm chí còn phải tính đến kịch bản tồi tệ hơn thế nữa để bị sốc khi đối diện với thực tế”, bà Dung cho hay.

Trong khi đó, với "ông lớn" bán lẻ Thế Giới Di Động (TGDĐ), dù không cụ thể hóa các kịch bản này dưới dạng nghị quyết ĐHCĐ nhưng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới cũng được ban lãnh đạo doanh nghiệp này tính toán nhiều phương án đáp ứng với tình hình thực tế.

Mục tiêu được Công ty đặt ra dựa trên bối cảnh đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đã được Chính phủ kiểm soát tốt từ cuối tháng 4 và giả định không có làn sóng dịch bệnh trở lại trong những tháng tiếp theo dẫn đến việc gián đoạn hoạt động kinh doanh. Trong khi trả lời các cổ đông, ban lãnh đạo TGDĐ cũng cho biết sẽ có hai kịch bản cho chuỗi Bách Hóa Xanh sinh lời trong năm nay.

Có thể thấy, việc đưa ra các kịch bản về đích trong năm 2020, các doanh nghiệp dường như chưa thể được gọi là lạc quan trong ngắn hạn. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và trình cổ đông các kịch bản mới cho thời gian ngắn ngủi từ đây đến hết năm. Nhất là ở lĩnh vực ngân hàng với nhiều đơn vị đang đứng trước quy định về tăng vốn hay niêm yết.

Khi kịch bản giảm doanh thu xấu nhất đã được doanh nghiệp dự tính thì cần xem xét dòng tiền để duy trì hoạt động bao lâu? Nếu doanh nghiệp đã có quá trình tích lũy thì đây giai đoạn quy mô hoạt động phải được cân đong, đo đếm thật kỹ. Đồng thời cũng là giai đoạn định hình rõ nét về hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), những sản phẩm sau cải tiến đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sẽ là cơ sở để rút ngắn quá trình phục hồi.

 

V.Dũng