Doanh nghiệp đổi mới công nghệ để cạnh tranh trước làn sóng CMCN 4.0

00:00 12/10/2020

Trước làn sóng CMCN 4.0, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đổi mới công nghệ để cạnh tranh, phát triển.

Trước làn sóng CMCN 4.0, nhiều doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ để cạnh tranh, phát triển.  Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Là đơn vị sử dụng nhiều khá nhiều lao động, công việc khai thác nặng nhọc, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) chia sẻ, TKV đã nghiên cứu và có nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng, giảm sức lao động công nhân, tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản xuất than. Theo đó, TKV chú trọng nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghệ than sạch để từ đó làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Hay để nâng cao năng lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài cũng như các mặt hàng nhựa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhựa nội địa đã và đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nhà xưởng, liên kết cùng các công ty nước ngoài để tập trung đầu tư sản phẩm cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

doanh nghiệp đổi mới công nghệ để cạnh tranh trước làn sóng CMCN 4.0

 Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Viên Châu tự động hóa khâu bốc xếp gạch, nâng cao năng suất lao động.

Theo lãnh đạo Công ty Nhật Minh, nhờ tích cực cải tiến sản xuất, đổi mới công nghệ hiện đại mà Nhật Minh đã rút ngắn thời gian lưu kho thành phẩm từ 13 ngày xuống còn 10 ngày, tiết kiệm gần 200 triệu đồng giá trị hàng tồn kho thành phẩm mỗi tháng. Qua đó, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tự tin hơn khi tham gia vào các chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

Tương tự, theo chia sẻ của ông Dương Quốc Thái, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn, hiện nay doanh nghiệp này vẫn duy trì năng lực cạnh tranh nhờ có những khách hàng lớn, ổn định. Nguyên nhân là do công ty tập trung đầu tư, máy móc, thiết bị đồng bộ, sản xuất thành công một số loại bao bì phức tạp từ công nghệ mới, làm giảm giá thành sản phẩm.

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, để bắt kịp CMCN 4.0, trong 2 - 3 năm trở lại đây, đơn vị ông đã đầu tư hệ thống cân đóng bao; thiết bị điều khiển ép; máy ly tâm tự động; hệ thống điều khiển lò hơi; hệ thống điện tại nhà máy điện sinh khối…

Tại Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Viên Châu - một trong những doanh nghiệp sản xuất gạch lớn và lâu năm của tỉnh Tuyên Quang, vốn có truyền thống về sử dụng lao động thủ công cũng đã bắt nhịp với tự động hóa trong một số khâu sản xuất. Bà Phạm Thị An, Phó Giám đốc Công ty cho biết, để giảm bớt số lượng lao động làm việc, nâng cao năng suất lao động, Công ty đã đầu tư máy nâng, đầu kéo palet hỗ trợ tạo hình, vận chuyển gạch mộc, bốc xếp sản phẩm…

Không chỉ các doanh nghiệp kể trên mà còn nhiều doanh nghiệp Việt đã đổi mới công nghệ để bắt kịp làn sóng CMCN 4.0. Nói về vai trò to lớn của việc tiếp cận CMCN 4.0 này, bà Đặng Thanh Vân – Giám đốc điều hành Công ty Thanhs cho biết: “Cũng giống cuộc CMCN lần thứ ba, nếu DN thờ ơ với CMCN lần thứ tư này thì chắc chắn sẽ bị loại ra ngoài cuộc chơi”.

Hòa Lê