Doanh nghiệp bỏ 'tiền đồng, thu tiền hào

00:00 12/10/2020

Việc đầu tư phát triển các hệ thống cung ứng nông sản hiện đại sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam giải được bài toán đầu ra, chấm dứt tình cảnh "được mùa mất giá". Nhưng nếu không có cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, chắc chắn sẽ không có doanh nghiệp nào muốn bỏ "tiền đồng để rồi phải ngồi thu từng hào".

Hiện nay, các dự án chợ đầu mối, chợ dân sinh đều nằm trong nhóm dự án bất động sản, không có cơ chế đặc thù, dẫn đến các nhà đầu tư rất khó triển khai. Nhà đầu tư phải bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng kết quả thu về là tiền nghìn, tiền đồng mỗi ngày.

Doanh nghiệp không mặn mà

Thống kê được đưa ra tại Hội thảo Phát triển hệ thống các trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến 2030, cho thấy Việt Nam hiện có 8.539 chợ thực phẩm trong quy hoạch. Tuy nhiên, quy mô chợ chủ yếu là nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng lạc hậu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Dịch vụ logistics và dịch vụ hỗ trợ mua bán yếu kém. Đơn cử như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa, phân loại, bao gói, bảo quản hàng hóa nông sản, tư vấn, cung cấp thông tin thị trường… hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ đầu mối.

Phương thức giao dịch truyền thống (giao ngay) là chủ yếu, mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chủ yếu các thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.

Ông Nghiêm Bá Hưng, chuyên gia tư vấn, đại diện của Peapros, đại diện nhóm nghiên cứu đề án phát triển trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, cho rằng các loại mô hình trung tâm cung ứng nông sản hiện đại sẽ gắn kết với nhau tạo thành một hệ thống cung ứng nông sản hiện đại phục vụ kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản tại thị trường nội địa và xuất khẩu, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển.

Tuy nhiên, điều ông Hưng băn khoăn là với Việt Nam, ở các thành phố lớn, việc tìm khu đất đủ rộng xây dựng trung tâm cung ứng nông sản hiện đại là không dễ dàng, chưa nói tới vấn đề đảm bảo chất lượng nông sản, chi phí logistics…

Trong khi đó, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hà Nội, cho biết hiện nay, trên địa bàn Tp.Hà Nội có hai chợ đầu mối nông sản hạng 1 là chợ đầu mối nông sản Minh Khai và Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối phía Nam.

Bên cạnh đó, còn có hệ thống các chợ cấp 2 và chợ hoạt động với tính chất chợ đầu mối như chợ Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ, chợ đêm nông sản Văn Quán, chợ nông sản Bắc Thăng Long.

Tuy nhiên, hoạt động của 02 chợ đầu mối và 04 chợ có tính chất đầu mối này chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của thành phố. Nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các chợ đầu mối này chủ yếu đảm nhiệm việc tập trung mối hàng từ các tỉnh phân phối cho thị trường Hà Nội và thị trường một số tỉnh lân cận, chưa đảm nhiệm chức năng xuất khẩu ra nước ngoài.

Do quy mô phân phối còn nhỏ nên các chợ đầu mối này chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường. Phần lớn hàng hóa tại chợ đầu mối chưa thể truy xuất nguồn gốc.

Bà Lan cho biết, hàng năm các chợ đầu mối đều được đưa vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Tp.Hà Nội nhưng số lượng DN quan tâm, đề xuất thực hiện còn hạn chế. Có thể nói là DN không mặn mà đầu tư. "Chúng tôi kêu gọi mãi mà DN không vào", bà chia sẻ.

doanhnghiep-bo-tien-dong-thu-t-5659-6887

Phát triển hệ thống các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại vẫn là "bài toán" nan giải

Cần cơ chế đặc thù

Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết một trong những vướng mắc khiến DN không mặn mà đầu tư vào chợ là do cơ chế chính sách. Hiện nay, Nghị định 02/2003/NĐ-CP và Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02 về phát triển và quản lý chợ có quá nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, do quy định hiện hành về đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, thời gian qua, Tp.Hà Nội không thể phân bổ vốn đầu tư để thực hiện dự án xây dựng chợ đầu mối. Chưa kể, việc xác định quỹ đất đầu tư cũng còn khó khăn.

"Không chỉ Hà Nội mà các tỉnh thành phố gần như vướng mắc, bó tay với việc cải tạo, nâng cấp cải tạo hệ thống chợ. Chúng ta kêu gọi xã hội hoá nhưng không thể bắt DN bỏ tiền đồng ra để thu tiền hào khi đầu tư chợ", bà Lan nhấn mạnh.

Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trên địa bàn Hà Nội sẽ xây dựng mới 06 chợ đầu mối nông sản tổng hợp về nông sản, hoa, thuỷ hải sản để thu mua, phân phối hàng nông sản trên khắp các địa bàn ở thành phố và các tỉnh lân cận.

Đặc biệt, Hà Nội cũng đang lên kế hoạch xây dựng 1 chợ đầu mối quốc tế nông sản cung cấp cho Tp. Hà Nội và các vùng lân cận tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm với quy mô khoảng 155ha.

Vì vậy, đại diện Sở Công Thương Tp.Hà Nội cho biết, nghiên cứu mô hình quản lý ở Pháp, Nhật… cùng với thực tiễn phát triển chợ đầu mối cho thấy nếu không có đầu tư ban đầu về hạ tầng của Nhà nước, không chỉ Hà Nội mà các tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại. Do đó, các bộ, ngành cần nghiên cứu cơ chế về thuế, vốn vay ưu đãi… phù hợp, qua đó thu hút các DN tham gia đầu tư.

"Hà Nội mong Nhà nước xem chợ đầu mối là nguồn lợi ích quốc gia. Hiện nay, đây là nguồn nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhưng không được quan tâm", bà Lan chia sẻ.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA), cũng liệt kê một loạt khó khăn về phát triển trung tâm cung ứng hiện đại như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.

Ông Tuấn cho rằng các dự án trung tâm cung ứng nông sản cần được đưa vào nhóm công trình đặc thù. Hiện nay, các chợ đầu mối, các chợ đều đang nằm trong nhóm dự án bất động sản, dẫn đến các nhà đầu tư ở các tỉnh rất khó triển khai. Do không có cơ chế đặc thù nên nhà đầu tư bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng thu tiền nghìn, tiền đồng mỗi ngày.

Để mô hình này thành công, ông Nghiêm Bá Hưng cho rằng cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư. Trong đó, đơn vị đầu tư xây dựng trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, trung tâm thu gom, trung tâm XK nông sản đề xuất cơ chế ưu đãi về đất, thuế, tín dụng tương đương DN đầu tư nông nghiệp công nghiệp cao. Do vậy, cần bổ sung các đối tượng này vào các văn bản pháp luật.

Hay đơn vị cung cấp dịch vụ tại chợ (logistics) muốn được trợ giá điện, nước kinh doanh tại các trung tâm cung ứng nông sản. Đơn vị kinh doanh tại các trung tâm cung ứng nông sản muốn xem xét miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế môn bài trong 01 năm đầu.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UCA Việc đầu tư trung tâm cung ứng hiện đại là đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn rất dài, thậm chí có nhiều rủi ro. Do vậy, Nhà nước cần có giải pháp giúp DN tiếp cận nguồn vốn phục vụ quá trình đầu tư. Cũng như khi DN đầu tư rồi, trung tâm đi vào hoạt động, tiểu thương, nhà buôn lại không vào, phát triển mô hình chợ cóc, chợ nhỏ lẻ thì trung tâm "chết yểu". Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng cần phải tính tới.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hà Nội Bộ Công Thương cần nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 02 và Nghị định 144 về phát triển và quản lý chợ. Nếu không thay đổi quản lý thì không thể phát triển được hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vấn đề quan trọng đặt ra đối với ngành nông nghiệp là phải không ngừng nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản. Do vậy, việc phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại sẽ góp phần kết nối các vùng nguyên liệu, các chợ nông thôn, thúc đẩy phát triển các chợ an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của hàng nông sản Việt trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Lê Thúy