Đền thờ Lê Hoàn – Di tích Quốc gia đặc biệt

00:00 12/10/2020

Thọ Xuân (Thanh Hóa) là vùng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và Cách mạng. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, những nét đẹp văn hóa đặc trưng trên mảnh đất này vẫn luôn được trân trọng, giữ gìn và toả sáng. Nơi đây còn là quê hương của nhiều danh nhân, hào kiệt, đặc biệt là vùng đất phát tích của hai vương triều Tiền Lê và Hậu Lê. Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân nằm trong hệ thống di tích Quốc gia đặc biệt là một quần thể những công trình kiến trúc thờ tự tưởng nhớ liên quan đến Lê Hoàn và những bậc sinh thành nuôi dưỡng ông.

 Đền thờ Lê Hoàn, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt

Lê Hoàn - Vị Hoàng Đế anh linh...

Lê Đại Hành Hoàng Đế, họ Lê, tên húy là Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941), tại làng Trung Lập, thuộc Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay ), khi mới sinh ra đã là một cậu bé có tướng mạo khác thường. Vua Lê Hoàn mồ côi cha mẹ từ khi còn rất nhỏ được gia đình viên quan họ Lê nuôi và chăm sóc như con đẻ. Cha nuôi cũng nhận xét “Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được”. Có đêm mùa đông trời rét, đêm trăng sáng đẹp đầy nhà, vua úp cối mà ngủ, khi đang ngủ thì cha nuôi thấy hình ảnh con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng.

 Lớn lên Hoàng đế Lê Đại Hành là một cậu bé phóng khoáng có chí lớn. Năm 18 tuổi, Lê Hoàn gặp Đinh Liễn, con trai Đinh Bộ Lĩnh. Sau đó Lê Hoàn đã theo Nam Việt Vương Đinh Liễn ra Cổ Loa làm bộ tướng dưới trướng, khởi đầu con đường binh nghiệp.

Với tài thao lược, trí dũng hơn người, Lê Hoàn đã từng bước khẳng định mình, được vua Đinh Tiên Hoàng yêu mến, trọng dụng. Đến khi nhà Đinh dẹp loạn sứ quân, thống nhất đất nước cũng là lúc Lê Đại Hành được phong chức Thập đạo tướng quân, Điện tiền chỉ huy sứ (Tổng chỉ huy quân đội).

Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng: phía Bắc nhà Tống lăm le, phía Nam quân Chiêm không ngừng quấy phá, vận mệnh đất nước trước họa xâm lăng vô cùng cấp bách, nhà Đinh đang có biến cố, tướng lĩnh, quan quân trên dưới một lòng tôn Lê Hoàn lên làm vua. Thái hậu Dương Vân Nga đã khoác áo long bào của Tiên đế lên vai chàng trai đất Ái Châu. Ông lên ngôi Hoàng đế năm 980, lấy niên hiệu Thiên Phúc.

Chỉ trong vòng 3 tháng với vai trò là Thập đạo tướng quân, Lê Hoàn đã chỉ huy quân đội và nhân dân anh dũng kiên cường vì sự nghiệp cứu nước đã ổn định và đánh tan cuộc xâm lược quy mô lớn của triều đình nhà Tống, giữ yên bờ cõi, góp những viên gạch đầu tiên vào việc xây dựng nên kỉ nguyên Đại Việt huy hoàng.

Ở buổi đầu sự nghiệp xây dựng nhà nước Trung ương tập quyền, Lê Hoàn đã phát huy tài năng sáng tạo của mình, góp phần đắc lực vào sự nghiệp thống nhất quốc gia: Thống nhất bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, mở mang mạng lưới giao thông (tiêu biểu là kênh nhà Lê) để chắp nối bốn phương về một mối, chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp (nhà vua cày ruộng tịch điền để khuyến khích phát triển nông nghiệp), mở rộng xây dựng kinh đô với những cung điện tráng lệ,... những thành tựu đó đã đưa Lê Hoàn lên địa vị một anh hùng dân tộc vĩ đại.

--- Và ngôi đền cổ xứ Thanh

Sau khi vua Lê Hoàn mất, nhân dân đã lập đền thờ tại thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Đền Lê Hoàn là công trình kiến trúc thế kỷ XVII còn được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh. Đặc biệt trong đền còn giữ được nhiều hiện vật như: Đỉnh đồng; bình hương đồng màu đen có khắc chữ: “Thiên cổ”; những chiếc bình bằng sứ; 5 chén bạc, ống đựng đũa; một bức họa chân dung Lê Đại Hành, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ 1674 – 1887 và một chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng Lê Hoàn. Khu vực đền thờ Lê Hoàn có tổng diện tích gần 4 ha, rộng 13 gian, có sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường và hậu cung. Đền có kiến trúc chữ “công”, trên nóc tiền đường có 10 con nghê bằng đất, được nung thành sành, màu đen, tựa đồng hun. Ở điểm chót của mỗi đầu đao đều gắn một con trong dáng ngồi thu gọn như đang chầu.

Trong số những hiện vật quý giá tại đền thờ Lê Hoàn, còn có hai tấm bia đá cổ được dựng lên dưới thời Lê Trung Hưng. Năm 1990, đền thờ Lê Hoàn được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Cuối năm 2018, đền thờ Lê Hoàn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.

Lâu nay, tượng thờ vua Lê Hoàn tại di tích được làm bằng gỗ, do nhân dân cung tiến năm 1994. Nguyện vọng của nhân dân được đúc tượng thờ Đức Vua Lê Hoàn bằng đồng, thay thế tượng gỗ hiện có. Kinh phí đúc tượng Đức Vua Lê Hoàn từ nguồn xã hội hóa và huy động hợp pháp khác. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc Anh hùng dân tộc Lê Đại Hành hoàng đế, tôn vinh công lao to lớn của đức vua Lê Hoàn, góp phần nâng cao giá trị của khu di tích đền thờ Lê Hoàn, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân. Tượng Đức Vua Lê Hoàn cao 1,8m tính cả chân đế; nặng 1,6 tấn, đúc bằng đồng nguyên khối, được các nghệ nhân đúc đồng truyền thống của tỉnh Thanh Hóa thực hiện.

Đền thờ Lê Hoàn là nơi bảo tồn, lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệpvà quê hương làng Trung Lập của anh hùng dân tộc Lê Hoàn. Là di tích lưu niệm đầy đủ nhất về danh nhân anh hùng dân tộc Lê Hoàn có bối cảnh gắn với bối cảnh lịch sử đất nước ta hồi thế kỉ X.

Sáng 12-4, tại đền thờ Lê Hoàn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ hội Lê Hoàn năm 2019 - kỷ niệm 1014 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Lê Đại Hành Hoàng đế (8-3 năm Ất Tị 1005 – 8-3 năm Kỷ Hợi 2019); đón bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn và công bố quyết định công nhận điểm du lịch Đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân.

Lễ hội Lê Hoàn kéo dài trong 3 ngày từ ngày mồng 7 đến 9 tháng 3 âm lịch. Đây là lễ hội lớn nhất cả năm của làng Trung Lập. Các tụng lễ văn hóa và tín ngưỡng ở làng có ý nghĩa phản ánh về quê hương và công lao sự nghiệp của vị anh hùng xuất thân từ một gia đình nghèo khó cùng cực mà lập nên sự nghiệp hiển hách lưu danh hậu thế trong bia đá, sử vàng.

Các hình ảnh trong Lễ hội Lê Hoàn năm 2019:

 Ảnh: NSNA Trần Đàm

Hiền Minh