Đề nghị bổ sung “đầu tư xây dựng quy hoạch” vào lĩnh vực đầu tư công

00:00 12/10/2020

Về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến quy hoạch của các luật đều đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch.

Chiều 23/05, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có quy định liên quan đến quy hoạch, bao gồm 14 điều, trong đó có 13 điều quy định việc sửa đổi 13 luật và 01 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

 Bộ trưởng Dũng cho biết, Dự thảo Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

 Việc xây dựng Luật đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XII; bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đảm bảo duy trì các mục tiêu, yêu cầu về chính sách quản lý nhà nước của các ngành, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp; đảm bảo đủ căn cứ pháp lý để bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017 - 2020 cho công tác lập quy hoạch cho giai đoạn 2021 - 2030.

Các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra chiều 23/5.

 Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của các luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch. Đối với những nội dung được yêu cầu sửa đổi, bổ sung tại Phụ lục III của Luật Quy hoạch nhưng không thực hiện thì cần báo cáo, giải trình với Quốc hội.

 Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị trước mắt nên sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch, về dài hạn 2 Luật này đã trải qua thời gian thực hiện khá lâu, nhiều nội dung quy định trong luật không còn phù hợp so với thực tế hiện nay, do đó, đề nghị Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi toàn diện 2 Luật này trong thời gian tới.

 Về sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Đầu tư công, Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc việc bổ sung “đầu tư xây dựng quy hoạch” vào lĩnh vực đầu tư công vì không phản ánh đúng mục đích của đầu tư công; cần quy định rõ nguồn vốn xây dựng quy hoạch thuộc vốn đầu tư công, không quy định giao Chính phủ vì sẽ tạo khoảng trống pháp luật về vốn xây dựng quy hoạch. Cùng với đó, Ủy ban này cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công này đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn tới.

 Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị đối với 02 dự án Luật là Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị nếu chưa rà soát kỹ lưỡng, chưa có sự thống nhất cao thì cần tiếp tục hoàn thiện, gộp vào cùng các luật còn lại tại phụ lục III Luật Quy hoạch, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

 Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm, ông Thanh cho biết, thực tế thi hành Luật An toàn thực phẩm 07 năm qua không lập quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm. Do đó, để tránh cách hiểu khác nhau và để thống nhất với Luật Quy hoạch thì cần thiết sửa đổi, bỏ “quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm” trong Luật An toàn thực phẩm. Chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục được thực hiện theo quy định của luật hiện hành.

 Về quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất và Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Ủy ban Kinh tế nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch của Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 Ngoài các vấn đề nêu trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát từ ngữ, kỹ thuật văn bản tại các luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch.

D thảo Luật sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến quy hoạch tại 13 luật, bao gồm: Luật Hóa chất số 06/2007/QH12; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12; Luật Điện lực số 28/2004/QH11 và Luật số 24/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực số 28/2004/QH11; Luật Dược số 105/2016/QH13; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá số 09/2012/QH13; Luật Công chứng số 53/2014/QH13; Luật Trẻ em số 102/2016/QH13; Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13; Luật Đầu tư số 67/2014/QH13; Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12; Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13; Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12.

Hồng Hương