Đại dịch Covid-19: Nhiều quốc gia triển khai các biện pháp ngăn chặn quyết liệt

00:00 12/10/2020

Trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lan rộng ra 198 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với số người nhiễm bệnh lên tới gần 472.000 người, rất nhiều quốc gia đã siết chặt các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn sự lây lan, trong đó có việc phong tỏa, đóng cửa các địa điểm công cộng, ngừng hoạt động đối với nhà hàng, quán cà phê, dịch vụ không thiết yếu…

 Các nhà hàng tại Italia đóng cửa vì dịch bệnh.

Tại tâm điểm của dịch Covid-19, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã nâng mức báo động lên cấp độ 3 với khuyến cáo “chúng ta chỉ nên ra đường khi cần thiết, đi làm khi thực sự cần có mặt ở cơ quan, hạn chế các cuộc tụ tập giữa bạn bè và gia đình”.

Từ ngày 15-3, Pháp bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội cứng rắn nhằm kéo phẳng đường cong của dịch bệnh. Mọi cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu buộc phải đóng cửa, trừ nhà thuốc và siêu thị. Các địa điểm vui chơi giải trí và tập trung đông người như nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và sân vận động dừng hoạt động. Thủ tướng E.Philippe đã kêu gọi người dân "hy sinh" khi thay đổi thói quen sinh hoạt để ngăn dịch bệnh lan rộng.

Với quyết định phong tỏa toàn quốc từ ngày 9-3, Italia áp dụng phạt tiền với những người phá vỡ lệnh giới nghiêm. Các trường học, quán cà phê, tiệm làm tóc, nhà hàng... đều phải đóng cửa. 60 triệu cư dân được yêu cầu ở tại nhà. Tất cả sự kiện thể thao trong nước bị đình chỉ cho đến ngày 3-4.

Mô hình Italia cũng được Chính phủ Tây Ban Nha thực hiện từ ngày 15-3 và kéo dài trong 2 tuần. 

Tại Anh, từ ngày 24-3, quốc gia này bắt đầu yêu cầu người dân hạn chế đi lại - việc chưa từng có tiền lệ trong thời bình - sau khi Thủ tướng Boris Johnson ra lệnh cho người dân ở trong nhà. Đường phố thủ đô London vắng lặng vì tất cả các cửa hàng đều dừng hoạt động và mọi người chỉ đi làm nếu bắt buộc. Quyết định này được đưa ra khi giới chuyên môn cho biết hệ thống y tế đất nước có thể sẽ quá tải nếu dịch Covid-19 bùng phát mạnh hơn nữa.

Không giống như các nước châu Âu khác, Đức chọn các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt được ban hành từ ngày 22-3. Cấm các cuộc tụ họp nơi công cộng quá hai người, ngoại trừ gia đình và những người sống cùng nhau. Các nhà hàng đã được yêu cầu đóng cửa trừ khi họ cung cấp dịch vụ giao hàng và đồ ăn. Mọi người được phép tập thể dục ngoài trời một mình và phải giữ khoảng cách ít nhất 1,5m với người khác.

“Tôi thật sự tin rằng chúng ta sẽ thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ phía trước, miễn là tất cả người dân của đất nước này hiểu được rằng đó cũng là nhiệm vụ của họ” - Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh.

Trong khi đó, Áo đã ban hành lệnh cấm gần 9 triệu công dân tham gia các hoạt động nơi công cộng, trừ một số trường hợp cụ thể như đi đến hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa và đến cây rút tiền ATM. Không cho phép các nhóm hơn 5 người tụ tập ở các địa điểm công cộng, các nhà hàng, quán bar và quán cà phê đều được lệnh đóng cửa. Chỉ có siêu thị và dịch vụ giao hàng thực phẩm hoặc cửa hàng tạp hóa vẫn duy trì hoạt động. Những người không tuân thủ lệnh cấm có thể bị phạt khoản tiền lên tới 3.600 euro.

Tại Mỹ, nơi có số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ ba thế giới, hai thành phố New York và Los Angeles đã ra lệnh đóng cửa các quán bar, hộp đêm, nhà hàng, rạp chiếu phim từ ngày 17-3 trong nỗ lực quyết liệt để chống lại dịch bệnh. Các nhà hàng, quán cà phê chỉ có thể nhận đơn qua mạng và thực hiện giao tại nhà.

Đường phố tại Ấn Độ vắng lặng khi lệnh phong tỏa được áp dụng.

Trước sự gia tăng nhanh của các ca bệnh Covid-19 trong vài ngày qua, ngày 20-3, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô của Indonesia. Các địa điểm giải trí công cộng như quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim sẽ bị đóng cửa trong khi giao thông công cộng bị hạn chế.

Malaysia cũng ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài đến ngày 14-4. Mọi hoạt động tụ tập đông người như cầu nguyện, thể thao, văn hóa... đều bị cấm. Toàn bộ các cơ sở kinh doanh sẽ bị đóng cửa, ngoại trừ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. 

Tại Ấn Độ, với số người nhiễm bệnh hiện là 665 trường hợp, tỉ lệ chưa quá cao so với dân số 1,3 tỷ người, nhưng Thủ tướng Narendra Modi đã quyết định áp dụng biện pháp mạnh là phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần từ ngày 26-3. "Để cứu Ấn Độ, để cứu lấy mọi công dân, tất cả các con đường, các khu phố sẽ được đặt dưới lệnh phong tỏa", ông N.Modi tuyên bố.

Thủ tướng N.Modi cũng cảnh báo nếu Ấn Độ không "xử lý tốt trong 21 ngày phong tỏa thì đất nước sẽ thụt lùi 21 năm".

Tại khu vực Nam Thái Bình Dương, ngày 25-3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Mọi dịch vụ không thiết yếu, quán bar, nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim... tạm thời đóng cửa trong một tháng. Trước đó, nước láng giềng Australia cũng áp dụng các biện pháp tương tự từ trưa 23-3. 

Với quyết định mạnh mẽ từ lãnh đạo nhiều quốc gia, hơn 3 tỷ người trên thế giới đang sống trong các biện pháp phong tỏa ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 lây lan. Dù là vấn đề chưa từng có tiền lệ và làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người dân nhưng khi con số tử vong trên khắp thế giới đã vượt qua 21.000 người, hồi chuông báo động đã được gióng lên ở cấp độ mới và mọi quốc gia đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn đại dịch hung hãn. 

Việc Trung Quốc đã kiểm soát được dịch Covid-19, các ca nhiễm mới và tử vong tại Italia đang giảm dần trong vài ngày qua... cho thấy hiệu quả của các biện pháp phong tỏa quyết liệt. Vì vậy, việc tuân thủ các chỉ dẫn, quy định của cơ quan chức năng là bổn phận, trách nhiệm của mọi công dân và chỉ khi cùng chung một quyết tâm, một ý chí, thì mới có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến với dịch Covid-19.

Kim Phượng