Công trình tri ân các lực lượng làm nhiệm vụ giao thông vận tải

00:00 12/10/2020

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực bến Phà Gianh, tỉnh Quảng Bình có vị trí đặc biệt quan trọng, là điểm xuất phát của tuyến đường trọng yếu vận chuyển, để đưa bộ đội, cán bộ, TNXP và vũ khí vào Nam chiến đấu...

Nơi đây đã ghi dấu những thành tích của các lực lượng TNXP, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông trên mặt trận GTVT. Thể theo nguyện vọng của nhân dân Quảng Bình và cán bộ ngành GTVT, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề nghị và được Bộ GTVT đồng ý chủ trương xây dựng cụm Tượng đài GTVT phía Nam Cầu Gianh, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Theo Sở GTVT Quảng Bình, từ tháng 7 năm 2015, Bộ GTVT đã có ý kiến đồng ý chủ trương của UBND tỉnh Quảng Bình về xây dựng cụm Tượng đài GTVT tại Nam Cầu Gianh. Thực hiện ý kiến của Bộ GTVT, Tỉnh ủy Quảng Bình đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh giao Sở GTVT  hoàn thành các bước chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng cụm Tượng đài GTVT, gồm chấp thuận vị trí sử dụng đất xây dựng Tượng đài tại phía Nam Cầu Gianh thuộc địa phận xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch với diện tích trên 2ha, phê duyệt Đề cương Dự án đầu tư, tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài và phê duyệt mẫu phác thảo Tượng đài.

Phác thảo được chọn để triển khai thực hiện xây dựng là mẫu phác thảo đạt giải nhất tại cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo cụm Tượng đài GTVT phía Nam Cầu Gianh do Sở GTVT Quảng Bình tổ chức. Đề tài giải nhất được chọn là của tác giả Nguyễn Chi Lăng, Công ty TNHH tu bổ di tích và xây dựng Mỹ thuật Việt Nam. Để chuyển tải và khắc ghi một thời oanh liệt của cán bộ chiến sỹ, công nhân ngành GTVT Quảng Bình, tác giả đã dùng ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình điêu khắc, cách điệu hóa hình tượng ngọn cờ báo hiệu thông tuyến của ngành giao thông trong những cung đường bom đạn giặc Mỹ bắn phá làm điểm nhấn của công trình. Cột biểu tượng vút lên trời cao, kết hợp với ba khối đường cong vươn xa, ghi tạc hình tượng điển hình của các loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt và đường thủy. Điểm xiết trên cột biểu tượng là hình tượng mây bồng bềnh, vừa tạo bố cục chuyển động và thẩm mỹ cho công trình, vừa tạo tính lãng mạn, chuyển tải ý nghĩa về cuộc sống và niềm tin vào tương lai tươi sáng vẫn luôn tồn tại ngay cả trong giây phút khốc liệt của cuộc chiến. Bố cục của nhóm tượng được kết hợp hài hòa với những mãng miếng phù điêu, tái tạo toàn bộ các hình ảnh tiêu biểu của các hoạt động giao thông trên bến Phà Gianh nói riêng cũng như trên toàn bộ tuyến lửa Quảng Bình nói chung. Các hình ảnh lực lượng công binh, TNXP, công nhân, dân công hỏa tuyến, chèo đò, thồ xe… dũng cảm phá bom, lấp hố sửa đường, lái phà, vượt ngầm… tất cả đã toát lên Bến phà Gianh năm xưa là trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Bến phà Gianh là biểu tượng hùng hồn cho tinh thần chiến đấu anh dũng, ý chí quyết tâm, sự hy sinh của hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, các lực lượng bộ đội, TNXP và dân quân địa phương đảm bảo mạch máu giao thông ra tiền tuyến, với khẩu hiệu: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Bến phà Gianh quá khứ hào hùng

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho biết: Không phải ngẫu nhiên mà cụm Tượng đài GTVT được đặt tại phía Nam cầu Gianh, bởi nhiều lẽ: Bến phà Gianh là di tích lịch sử cấp Quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng. Trong chiến tranh, Bến phà Gianh có vị trí đặc biệt quan trọng là điểm xuất phát của tuyến đường vận chuyển từ Ba Trại đi Thọ Lộc nối với đường Hồ Chí Minh, đường 20 Quyết Thắng… nơi đây đã trở thành cửa ngõ duy nhất để đưa bộ đội, cán bộ, TNXP và vũ khí vào Nam chiến đấu. Vì thế nơi đây đã trở thành mục tiêu quan trọng, điểm đánh phá ác liệt của máy bay, tàu chiến Mỹ với đầy đủ vũ khí tối tân hiện đại, Mỹ tập trung đánh có tính hủy diệt. Lực lượng không quân, hải quân Mỹ đã đánh vào khu vực thuộc phạm vi hoạt động của Bến phà Gianh gần 3.000 trận, trung bình mỗi mét vuông mặt nước phải hứng chịu trên 1 tấn bom đạn.

Thế nhưng, bất chấp mức độ khốc liệt của cuộc chiến tranh, với khẩu hiệu “Đầu đội bom, chân đạp phà, tay lái, miệng hát bài ca chiến thắng”, cán bộ, chiến sỹ Phà Gianh vẫn âm thầm vượt sông, rà phá thủy lôi bảo đảm cho mạch máu giao thông luôn được thông suốt. Các lực lượng giao thông vận tải ở Bến phà Gianh đã đưa hàng chục ngàn chuyến phà qua sông được an toàn, chuyên chở hơn 2 triệu lượt xe, hàng triệu tấn hàng hóa, hàng chục vạn cán bộ chiến sỹ vào Nam ra Bắc. Từ trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, đầy thử thách hy sinh, mặt trận đảm bảo giao thông ở Bến phà Gianh xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân mà chiến công của họ đã đi vào lịch sử của ngành GTVT Quảng Bình. Tất cả những phân đội vượt sông, rà phá mở luồng… đều là những phân đội cảm tử. Hiểm nguy đã rõ, cái chết đã kề bên, nhưng cán bộ chiến sỹ Bến phà Gianh vẫn xung phong tự nguyện “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” “Vì sự sống của bến phà, vì miền Nam thân yêu, vì Trị Thiên ruột thịt” . Trong nhiều tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở Bến phà Gianh, nổi bật nhất là tấm gương người chiến sỹ lái ca nô Võ Xuân Khuể. Anh là người tiên phong sử dụng ca nô lướt với tốc độ cao để phá thủy lôi từ trường mở luồng cho phà hoạt động. Hành động anh hùng và phẩm chất cao đẹp của Võ Xuân Khuể là điểm sáng của tuổi trẻ ngành GTVT Quảng Bình. Do có những thành tích đặc biệt xuất sắc ở Bến phà Gianh, Võ Xuân Khuể đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động ngành GTVT năm 1972.

Cùng với Phà Gianh, Cảng Gianh là nơi khởi đầu của đường Hồ Chí Minh trên biển, là nơi ra đời đơn vị vận tải quân sự đầu tiên “tiểu đoàn 163 - Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” đã cùng những con tàu không số lặng lẽ vượt biển khơi vào Nam đánh Mỹ. Tấm gương chiến đấu hy sinh của cán bộ, chiến sỹ phà Gianh đã góp phần làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trên đất lửa Quảng Bình.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Quảng Bình đã xây dựng một số bia, nhà tưởng niệm những chiến sỹ làm nhiệm vụ GTVT ở một số điểm như: Nhà tưởng niệm ở Hang Tám Cô trên đường 20 Quyết Thắng. Bia tưởng niệm ở Đồi 37 (đường 12A) nhà tưởng niệm ở bến phà Long Đại. Và rồi đây xây dựng xong cụm tượng đài GTVT ở Nam Cầu Gianh, đây sẽ là cụm tượng đài tầm cỡ, một khu tưởng niệm những chiến công của các lực lượng làm nhiệm vụ GTVT. Họ đã hiến dâng cả tuổi xuân để giữ vững mạch máu giao thông vì sự nghiệp đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Công trình sẽ là sự kết nối quá khứ oai hùng với hiện tại hôm nay. Công trình là điểm tham quan du lịch, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ biết ơn những lớp cha anh đi trước giám xả thân vì Tổ quốc và hôm nay họ sẽ sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho đất nước, quê hương.

Đã nhiều năm qua đi, cụm tượng đài GTVT Nam Cầu Gianh dự kiến tổng mức đầu tư 69 tỷ đồng vẫn còn là phác thảo… Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Bình mà trực tiếp là Sở GTVT đã có nhiều văn bản kêu gọi xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư để công trình sớm được thi công, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân và các lực lượng GTVT tỉnh Quảng Bình.

 Trọng Lãnh