Clip đen và làn sóng tẩy chay quảng cáo trên Youtube

00:00 12/10/2020

Quảng cáo là một phần tất yếu của kinh doanh. Không doanh nghiệp, nhãn hàng nào phát triển được mà bỏ qua việc làm thương hiệu, trong đó có vấn đề PR, quảng cáo. Kể từ khi Youtube xuất hiện, với lợi thế to lớn của nó, là có thể đăng tải clip nhanh chóng, thu hút lượng người sử dụng khổng lồ và trở thành nơi bất kỳ ai cũng có thể kiếm tiền miễn clip tải lên kênh của họ thu hút lượng view đủ lớn, thì nhiều nhãn hàng lớn đã không thể bỏ qua việc quảng cáo trên nền tảng mạng này.

Tính hiệu quả của quảng cáo trên Youtube được đánh giá là cao hơn hẳn báo chí truyền thống. Tuy nhiên, vài ba năm trở lại đây, làn sóng tẩy chay quảng cáo trên Youtube đang có xu hướng tăng cao vì Google không đủ khả năng kiểm soát, loại bỏ các clip đen. Nhiều nhãn hàng đã phải chịu tổn hại nghiêm trọng về danh tiếng khi quảng cáo của họ xuất hiện trước hoặc trong nội dung các clip có nội dung không lành mạnh, bạo lực, phản cảm.

Vài ba năm trở lại đây, làn sóng tẩy chay quảng cáo trên Youtube đang có xu hướng tăng cao vì Google không đủ khả năng kiểm soát, loại bỏ các clip đen. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự tức giận của nhiều nhãn hãng

 Sự việc khởi nguồn từ năm 2017 và bắt đầu trở thành một làn sóng dữ dội. Nguyên do các nhãn hàng lớn như Coca-Cola, Walmart, Amazon, Microsoft bị người tiêu dùng phản ứng quyết liệt, thậm chí dọa tẩy chay khi quảng cáo của các hãng này xuất hiện trước và trong những video có nội dung phân biệt chủng tộc kèm theo bạo lực. Sự việc căng thẳng đến mức, người đứng đầu các nhãn hàng phải lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng và ngay lập tức tuyên bố gỡ bỏ quảng cáo trên Youtube. Sau đó các nhãn hàng lớn như Johnson & Johnson, JPMorgan Chase,Verizon,AT&T,Starbucks,Pepsi,Walmart, Sainsbury's, Toyota, Volkswagen, HSBC, Marks and Spencer, L'Oreal hay BBC cũng liên tiếp ra tuyên bố chấm dứt hợp tác quảng cáo trên mạng xã hội video lớn nhất này. Google phải đối mặt với sự thiệt hại không nhỏ về doanh thu trước sự từ bỏ quảng cáo của nhiều “ông lớn” trên thế giới. Dù không có con số chính xác về doanh thu của Google từ quảng cáo trên các nền tảng video trực tuyến, nhưng có thể thấy rõ ràng, quảng cáo trên các nền tảng này đang là xu hướng tất yếu của thế giới. Mới đây, một tờ báo lớn của Anh đưa tin về việc vẫn có nhiều quảng cáo của các tập đoàn lớn xuất hiện trong đoạn clip có cảnh bé gái chỉ mặc chiếc quần chip, đang nằm ngủ. Tương tác của người đọc phía dưới clip rất phản cảm. Nhiều kẻ bệnh hoạn, biến thái đã đưa ra những lời bình phẩm thô tục, bị cho là những kẻ có xu hướng ấu dâm. Thêm một lần các nhãn hàng tỏ ra tức giận, ra tuyên bố tẩy chay quảng cáo trên Youtube.

Tại Việt Nam, một số nhãn hàng lớn như Thế giới di động, Thaco, Vietjet Air cũng từng có khuyến nghị với Youtube khi hình ảnh sản phẩm của họ xuất hiện trong những clip đen, nội dung không lành mạnh không phù hợp với trẻ em. Nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ thời gian đầu tư giám sát xem các thông tin quảng cáo của đơn vị mình có xuất hiện trên các trang web có nội dung xấu hay không. Dù biết việc này là rất khó làm xuể và đây là câu chuyện thuộc về trách nhiệm của Youtube. Một số doanh nghiệp cho hay, quảng cáo của họ thậm chí còn xuất hiện trên những clip nói xấu Đảng và Nhà nước. Đây rõ ràng là một vấn đề không nhỏ. Bởi với việc xuất hiện hình ảnh bên cạnh những clip độc hại như vậy, uy tín của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mất rất nhiều thời gian, năm tháng để xây dựng một thương hiệu đủ mạnh để đứng trên thị trường, nhưng chỉ một số lần quảng cáo xuất hiện cạnh những thông tin hay hình ảnh xấu xí, phản cảm không lành mạnh, là doanh nghiệp có thể phải đứng trước rủi ro bị người tiêu dùng tẩy chay. Đại diện của nhãn hàng Adidas từng nổi giận nói: “Chúng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận điều này. Không thể có chuyện chúng tôi bỏ tiền mua quảng cáo và cuối cùng đơn vị cung cấp nền tảng lại để hình ảnh sản phẩm của chúng tôi bên cạnh những clip bẩn”.

Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh tỏ ra bất bình khi thấy không ít hình ảnh của các nhãn hàng uy tín về giày dép, sữa bột, thời trang trẻ em lại ngang nhiên xuất hiện bên cạnh những clip phản cảm, có hại cho nhận thức của con trẻ. Chị Minh Anh, phụ huynh có con đang học tiểu học ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi không thể tin được là những nhãn hàng tôi vẫn thường mua sản phẩm cho con sử dụng lại có hình ảnh quảng cáo trên những clip mà chúng tôi không bao giờ cho phép con cái mình xem. Tôi mua quần áo hãng Canifa cho con mặc, nhưng nếu tôi gặp hình ảnh quảng cáo của Canifa trên Youtube xuất hiện trước một clip bậy bạ, tôi sẽ tẩy chay nhãn hàng này ngay lập tức. Vì họ đã làm tổn thương khách hàng của họ”.

Một cư dân mạng khác ở Tp. Hồ Chí Minh thì kêu gọi: “Cộng đồng hãy tẩy chay ngay lập tức các nhãn hàng khi thấy hình ảnh của họ xuất hiện trên các video có nội dung phản cảm. Đấy là cách làm đúng nhất để các doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn trong vấn đề quảng cáo. Có thể họ không chủ ý như vậy, vì không ai kinh doanh lại muốn mình bị tẩy chay cả, nên họ sẽ phải có những hành động tích cực đến đơn vị cung cấp nền tảng quảng cáo như Google, Youtube để chỉnh sửa lại điều này. Họ sẽ phải tạo sức ép lên Google, buộc nhà cung cấp dịch vụ phải hành động loại bỏ những clip đen. Có như vậy môi trường mạng mới ngày càng trở nên lành mạnh hơn, con em chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi những clip có nội dung tục tĩu, xấu xí, mà Youtube dù vô tình hay cố ý đã bỏ lọt. Hãy bảo vệ môi trường mạng lành mạnh, vì đó cũng là một môi trường sống của chúng ta”.

Youtube tất nhiên phải hành động nhiều hơn để bảo vệ khách hàng của mình, nếu như không muốn doanh thu của mình ngày càng bị de đọa. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nỗ lực và bất lực của youtube

Vấn đề quảng cáo xuất hiện thiếu kiểm soát trên nền tảng mạng xã hội làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của mình đã khiến cho nhiều doanh nghiệp phải đàm phán lại, cụ thể từng nội dung với nhà cung cấp dịch vụ. Doanh nghiệp bỏ tiền quảng cáo sản phẩm nâng cao uy tín hình ảnh, thương hiệu của mình lên, họ phải có quyền được đảm bảo an toàn trong thông tin. Làm việc chặt chẽ với phía cung cấp dịch vụ để không phải chịu rủi ro, đánh mất uy tín đối với khách hàng vì những lý do không đáng có. Youtube tất nhiên phải hành động nhiều hơn để bảo vệ khách hàng của mình, nếu như không muốn doanh thu của mình ngày càng bị de đọa.

Vấn đề ở đây là cải thiện “bộ lọc” thông tin làm sao cho tốt hơn, hạn chế tối đa việc để lọt những clip có nội dung xấu. Trước hàng vạn mánh khóe, chiêu trò của chủ nhân các kênh Youtube cá nhân, các thuật toán của Google cũng dễ dàng bị “qua mặt”, không dễ nhận diện để loại bỏ những thông tin xấu một cách kịp thời. Ở nhiều thời điểm, Google tỏ ra không thể kiểm soát các nội dung độc hại được đẩy lên Youtube, vì các biện pháp của họ không thể triệt để. Hiện tại, để lọc các clip có nội dung xấu, Google đang sử dụng yếu tố con người, cộng với trí tuệ nhân tạo AI, thuật toán nhận diện nội dung và ngoài ra là cơ chế báo cáo từ cộng đồng mạng. Google có đội ngũ hàng ngàn người như vậy để kiểm soát các nội dung xấu độc trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, dù số người làm việc đông đảo như vậy, cộng với hỗ trợ của công nghệ, Google vẫn không “xuể” trong công viêc phát hiện, ngăn chặn những clip có nội dung xấu.

Theo số liệu từ Fortunelords, mỗi phút trên toàn cầu có khoảng 300 giờ video được upload lên Youtube, có nghĩa là mỗi ngày có tới 432.000 giờ video được upload. Một con số khổng lồ như vậy, thì hàng ngàn nhân viên của Youtube cộng với các công nghệ hỗ trợ khác cũng không dễ để phát hiện triệt để các video xấu, bẩn, nội dung độc hại. Vẫn có hàng ngàn video clip có nội dung xấu bị cộng đồng phát hiện gửi mail báo cáo hàng ngày. Nguyên do là thuật toán của Youtube có thể dễ dàng bị qua mặt bởi những dấu chấm hay ký hiệu lạ xen lẫn vào một từ khoá. Việc người dùng report báo cáo nội dung xấu để Youtube xoá kênh thì không thể tức thời. Đôi khi một kênh có nội dung xấu bị xóa sau khi chủ nhân của nó đã đăng clip trong một thời gian đủ dài để có cả triệu view với hàng ngàn lượt chia sẻ và thậm chí là kiếm được bộn tiền. Như vậy, nếu một doanh nghiệp có hình ảnh quảng cáo được Youtube chèn vào các clip này thì cho đến khi báo cáo được Youtube xử lý thì doanh nghiệp có thể đã bị thiệt hại nặng nề rồi.

Làm sao để không bị đánh giá là dễ dãi trong kiểm duyệt nội dung đang là bài toán hóc búa nhất mà Youtube phải giải, nếu không muốn gánh chịu sự tẩy chay của các nhãn hàng. Trong các động thái mới nhất tại Việt Nam, Youtube đã rà soát và tắt chức năng kiếm tiền trên hàng loạt các trang cá nhân triệu view. Đây là những kênh có nội dung chủ yếu là reup, nhảm nhí, câu view, không tạo ra các giá trị thực sự cho cộng đồng. Trong số đó có nhiều kênh hướng đến đối tượng trẻ em, thường xuyên đăng tải hình ảnh bạo lực, khiêu dâm - đối tượng bị lên án chính trong đợt tẩy chay lần này của các thương hiệu quốc tế. Kênh của nhân vật giang hồ nổi tiếng Khá Bảnh, sau khi bị cơ quan công an bắt tạm giam cũng đã được Youtube gỡ bỏ. Nhiều nhân vật tương tự từng kiểm tiền bằng các nội dung liên quan đến giang hồ cũng phải chịu chung số phận bị đánh sập.Youtuber cũng phát đi lời kêu gọi cộng đồng những người sản xuất nội dung cần dừng mọi hành động không đúng lạ, chung tay vì một môi trường mạng lành mạnh cho tất cả mọi người, nhất là trẻ em. Lời kêu gọi này được đưa ra ở thời điểm quá muộn, bởi vì trước đó chính Youtube là nơi đã xuất hiện đầy rẫy nội dung vô bổ, thậm chí độc hại, từng bị chính các YouTuber chân chính lên án.

 \Youtube chắc chắn cần phải hành động nhiều hơn, quyết liệt hơn nữa mới có thể cải thiện tình trạng bỏ lọt clip đen hiện nay. Nguyên nhân của việc rà soát kém hiệu quả sẽ phải được giải quyết bằng những biện pháp mới triệt để hơn. Hiện tại, để hỗ trợ Yotube phần nào trong việc phát hiện các nội dung clip độc hại đã có nhiều nhóm tình nguyện viên được lập ra. Công việc của họ là lang thang tìm kiếm các clip có nội dung xấu để “gắn cờ” tố cáo, gửi mail báo cáo về Youtube. Hàng ngàn clip có nội dung không lành mạnh đã được phát hiện theo cách như vậy. Vấn đề của Youtube là phải nhanh chóng xử lý các báo cáo, gỡ bỏ kịp thời các clip có nội dung xấu.

Để tồn tại lâu dài và lấy lại được sự ủng hộ của các nhãn hàng quảng cáo trên nền tảng của mình, youtube không thể chậm trễ hơn nữa. Họ phải nhanh chóng làm sạch môi trường của mình, lấy lại công bằng cho những youtuber chân chính, những người đầu tư chất xám cũng như tiền của cho các sản phẩm giá trị, lành mạnh. Bảo vệ người sử dụng Youtube tử tế cũng chính là bảo vệ đối tác quảng cáo, bảo vệ chính mình. Loại bỏ càng nhiều càng tốt những clip đen, vô bổ, không lành mạnh là cách duy nhất Youtube lấy lại uy tín của chính mình.

Quỳnh Trang