Chủ động phòng tránh tranh chấp thương mại Việt - Mỹ

00:00 12/10/2020

Nếu đã nhìn thấy được nguy cơ Mỹ sẽ tiến hành điều chỉnh cán cân thương mại đối với Việt Nam, chúng ta nên chủ động ứng phó hơn là thụ động chờ nó diễn ra. Mặc dù lựa chọn nào cũng phải đối mặt với sự đánh đổi, nhưng chủ động sẽ giúp Việt Nam không những giữ được 19% thị trường xuất khẩu hàng Việt, mà còn giữ được cơ hội thị trường chứng khoán (TTCK) được nâng hạng trong thời gian tới, tiếp tục là điểm đến của dòng vốn FDI rời khỏi Trung Quốc vì căng thẳng thương mại.

Mỹ mong muốn cân bằng cán cân thương mại

Đã gần 400 ngày tính từ khi Mỹ chính thức triển khai lá chắn thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào 6-7-2018 để khai hỏa cuộc tranh chấp thương mại (TCTM) trôi qua vẫn chưa có thỏa thuận đáng kể nào được ký kết.

Nhưng thế giới nhìn chung đã rõ hơn về động cơ khơi mào, phương pháp chinh chiến, kết quả kỳ vọng của mỗi phía, và ít nhất là hiểu hơn về mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump. 

Ngược lại với những đánh giá vội ở thời kỳ đầu của cuộc tranh chấp, nước Mỹ không hề có nguyện vọng đi theo định hướng nền kinh tế đóng, và cũng không hề có yếu tố đảo ngược của tiến trình toàn cầu hóa, ngoại trừ những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Trong thương lượng phía Mỹ luôn mềm dẻo hơn mỗi khi phía Trung Quốc đưa ra những cam kết rằng quốc gia này sẽ tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ.

Thí dụ, 2 ngày 30 và 31-1-2019, ngày thứ 209 và 210 của cuộc chiến thương mại, khi Trung Quốc đưa ra cam kết sẽ tăng nhập khẩu hàng Mỹ, cụ thể cam kết mua 5 triệu tấn đậu nành, Tổng thống Trump đã lập tức có đề nghị gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Tập Cận

Bình vào tháng 2-2019, hứa hẹn cho nhiều chuyển biến tích cực. Trước đó, ngày 20-5-2018, giai đoạn TCTM mới ở mức độ đe dọa, phía Mỹ cũng đưa ra những tín hiệu sẽ không triển khai cuộc chiến đáp lại sự hứa hẹn của Trung Quốc sẽ tăng mua hàng hóa Mỹ.

Chủ động phòng tránh tranh chấp thương mại Việt - Mỹ ảnh 2

Như vậy, bên cạnh những vấn đề về an ninh quốc gia, sở hữu trí tuệ, người Mỹ rõ ràng mong muốn cân bằng cán cân thương mại của họ thông qua việc yêu cầu đối tác của mình tăng mua hàng hóa Mỹ. Cán cân thương mại của một quốc gia còn được gọi là xuất khẩu ròng, chính là hiệu số giữa giá trị hàng hóa và dịch vụ quốc gia đó xuất khẩu ra nước ngoài, trừ đi giá trị nhập khẩu trong nước.

Vì vậy, giải quyết sự thâm hụt trong cán cân thương mại Mỹ bằng cách yêu cầu thế giới tăng mua hàng hóa, dịch vụ sản xuất tại Mỹ là hoàn toàn logic. Bởi lẽ sức mua tuyệt vời của người Mỹ khiến thị trường này luôn quan trọng đối với hàng hóa xuất khẩu của mọi quốc gia. 

Chính quyền Trump luôn mong muốn hiện thực hóa gia tăng lượng việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp cho người Mỹ. Do vậy, tăng mua hàng hóa Mỹ chính là nguyện vọng, là liều thuốc đình chiến, là cách ngăn chặn TCTM với Mỹ trong hiện tại. Và tất cả quốc gia Mỹ đang có cán cân thương mại bị thâm hụt sẽ lần lượt được đưa ra đàm phán, giải quyết trong thời gian tới.

Điều này khá rõ ràng, bất kể Tổng thống Trump có tiếp tục đắc cử ở nhiệm kỳ tiếp theo hay không, người kế nhiệm Nhà Trắng dù là ai, khả năng cao vẫn sẽ tiếp tục định hướng này, bởi nó ngày càng chứng tỏ được sự đúng đắn mang tính chiến lược quốc gia, nhằm tạo thị trường cho lượng hàng hóa người Mỹ đang tăng gia sản xuất, tạo thêm đầu việc trên đất Mỹ.

Việt Nam cẩn trọng  vướng vào TCTM

Dữ liệu thực tế mới nhất về cán cân thương mại Việt-Mỹ cho thấy, Mỹ đang ngày càng thâm hụt thương mại đối với Việt Nam. Trong giai đoạn vừa qua, khi TCTM giữa Mỹ và nhiều quốc gia khác đang diễn ra, Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, Mỹ xuất sang Việt Nam lượng hàng hóa giá trị khoảng 4,2 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu từ Việt Nam 25,8 tỷ USD, vì thế thâm hụt cán cân thương mại khoảng 21,5 tỷ USD. Đây là con số thâm hụt được cho gia tăng khá mạnh khi mang ra so sánh với tổng giá trị thâm hụt của cả năm 2018 là 39,4 tỷ USD. 

Bên cạnh sự thâm hụt đang gia tăng trong cán cân, Việt Nam thuộc diện có nguy cơ nằm trong tầm ngắm, khả năng ưu tiên sớm đưa lên bàn cân thương lượng của chính quyền Mỹ, bởi tính chất hàng Việt có nhiều quan hệ  nhập nhằng với hàng hóa Trung Quốc.

TCTM đến nay đã chạm đến Canada, Mexico, khu vực châu Âu...  nhưng Trung Quốc mới chính là tâm điểm bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về cán cân thương mại quá sức thâm hụt. 

Chủ động phòng tránh tranh chấp thương mại Việt - Mỹ ảnh 3

Truyền thông Trung Quốc cũng đã tham gia để vạch ra những nhập nhằng nguồn gốc của hàng hóa Việt và Trung Quốc. Đồ thị dưới đây biểu diễn về lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, và lượng hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, cho thấy có sự tương quan trùng khớp quá độ.

Xie Yu, một chuyên gia người Trung Quốc đã mạnh dạn đưa ra nhận định trên tờ SCMP, rằng rất nhiều hàng hóa xuất vào Mỹ của Việt Nam là tái xuất lại hàng Trung Quốc để né lá chắn thuế của chính quyền Trump, và "Kiểu kinh doanh như vậy, thực chất chẳng có giá trị gì được tạo ra ở Việt Nam". 

Và nếu đã nhìn thấy được nguy cơ Mỹ sẽ tiến hành điều chỉnh cán cân thương mại với Việt Nam, rõ ràng chúng ta nên chủ động ứng phó hơn là đứng yên hứng chịu. Nhìn lại những điều đã diễn ra tại thị trường Trung Quốc, thí dụ như sự bốc hơi của thị trường vốn, sự rời bỏ thị trường của cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, hàng hóa sản xuất ra bị mất thị trường phân phối, đứt gãy chuỗi cung ứng... để chúng ta rút kinh nghiệm ứng phó.

Một thí dụ có phần dễ hình dung nhất là chỉ số Shanghai Composite, so với mức đỉnh giao dịch trước khi TCTM xảy ra, TTCK đã từng bị rớt mất khoảng 50% giá trị, có giai đoạn nhà đầu tư hoảng loạn đến mức chính phủ Trung Quốc phải đóng cửa thị trường. Đó là những hệ lụy khi xảy ra TCTM, không phải đơn giản chỉ là mất đi thị trường để xuất khẩu hàng Việt vào Mỹ.

Chủ động cân bằng cán cân thương mại Việt - Mỹ 

 

Nếu cân nhắc việc tăng nhập khẩu như một giải pháp, nghĩa là lựa chọn giữ vững thị trường Mỹ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tránh được những nguy cơ TCTM, điều cần phải xem xét đầu tiên là tình hình nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ hiện tại của Việt Nam.

Đối với thị hiếu người tiêu dùng Việt, hàng xuất xứ Mỹ từ lâu đã được ưa chuộng, có phần còn được ưu ái hơn cả hàng Nhật, hàng Đức. Kiều bào, những người gốc Việt sống ở Mỹ rất đông, cùng nhiều nguyên nhân phụ khác khiến lượng hàng nhập khẩu Mỹ về Việt Nam thông qua con đường "xách tay" khá phổ biến.

Lượng hàng hóa này nếu Cục thống kê ghi nhận tốt, có thể cán cân thương mại Việt - Mỹ không thâm hụt quá nhiều như hiện nay. Và để giải quyết ổn thỏa nguy cơ TCTM, có thể cần phải chính thức hóa kênh phân phối này để đáp ứng cho cầu hàng hóa nhập khẩu, thay vì để giao dịch dạng "xách tay" như hiện nay.

Trong năm 2018, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam, chiếm 19% tổng hàng hóa xuất khẩu. Việc giữ vững thị trường Mỹ có tầm quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, khi các yếu tố khác không đổi, cầu hàng hóa của một quốc gia cụ thể không thể tự nhiên tăng hay giảm đối với nhóm hàng hóa xuất xứ từ một quốc gia nào đó.

Do đó, để tăng mua hàng hóa nhằm cân bằng chủ động cán cân thương mại Việt-Mỹ, có thể cần cân nhắc đến sự đánh đổi giữa đối tác chiến lược và những đối tác phụ. 

Chủ động phòng tránh tranh chấp thương mại Việt - Mỹ ảnh 4

Dấu ấn trong quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam trong năm 2019 có thể nói chính là hiệp định EVFTA. Trong lộ trình 10 năm giảm rào cản thuế giữa Việt Nam và khối EU sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn, một số ngành hàng sẽ có mức thuế nhập khẩu 0%. Rõ ràng các nước châu Âu trong tương lai cũng có tầm quan trọng đối tác chiến lược trên phương diện cán cân thương mại của Việt Nam. 

Để điều chỉnh cán cân, phòng tránh TCTM, Việt Nam có thể cân nhắc dịch chuyển đối tác phụ, nghĩa là giảm nhập khẩu đối với các đối tác phụ, tập trung sức mua cho đối tác chính. Thí dụ như trường hợp của Anh, một quốc gia đang rời khối EU (Brexit) khiến nước Anh không nằm trong khuôn khổ hiệp định EVFTA.

Đây là trường hợp điển hình Việt Nam có thể cân nhắc khi buộc phải đánh đổi một đối tác có tầm chiến lược kém quan trọng hơn, để xây dựng cán cân thương mại cân bằng với đối tác lớn nhất trên phương diện là thị trường xuất khẩu hàng hóa. 

Một báo cáo phân tích tầm ảnh hưởng của EVFTA đối với nước Anh cho biết, nếu quốc gia này không rời bỏ khối EU, sức mua hàng hóa nguồn gốc từ Anh tính cho đến năm 2030 của người Việt Nam sẽ đạt 486 triệu Bảng Anh, tương đương 591 triệu USD.

Nay khi Anh đã nằm ngoài hiệp định EVFTA, và nếu chính sách của chính phủ có thể điều hướng lượng cầu hàng hóa người Việt tiềm năng mua của thị trường Anh sang cho Mỹ, bài toán cân bằng cán cân thương mại đối với Mỹ cũng có thể khả thi. 

Sự đánh đổi này dù sao đi nữa, bên cạnh việc giúp Việt Nam giữ được thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ, còn tránh được những nguy cơ khác vốn có hiệu ứng dây chuyền quan trọng.

Thí dụ, thị trường Việt Nam đang tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, dòng vốn đầu tư gián tiếp đang âm thầm đổ vào, đồng thời Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của những doanh nghiệp rời Trung Quốc do ảnh hưởng của TCTM.  

ThS. Đinh Hạ Vân, Đại học Boras, Thụy Điển