Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc mang đến cả thách thức và cơ hội cực lớn cho Việt Nam

00:00 12/10/2020

Lúc mọi thứ đang vận động và chưa rõ ràng như thế này là lúc Việt Nam cần chủ động lựa chọn chứ đến lúc nước lớn họ thỏa thuận xong với nhau, cơ hội cho Việt Nam sẽ hạn chế đi nhiều.

Đến thời điểm hiện tại, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã kéo dài được 18 tháng, tác động của nó lên kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã hiển hiện rõ. Giờ khi mà hai bên đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để hướng đến thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu, vẫn còn những khó khăn, nhưng đã đến lúc nhìn lại cuộc chiến này cũng như có những dự báo cho thời gian tới.

Mới đây, BizLIVE đã có cuộc phỏng vấn với nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, về nhận xét của ông với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng như quan điểm của ông về tác động của nó đến Việt Nam và thương mại thế giới trong tương lai.

Theo ông Vinh, có một điều chắc chắn rằng, sau cuộc cạnh tranh chiến lược và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc này là thế giới sẽ mãi mãi thay đổi, khó có thể trở lại như trước được nữa. Và cuối cùng chắc chắn rồi Mỹ – Trung Quốc sẽ có thỏa thuận, bao gồm cả thương mại, nhưng thỏa thuận và dàn xếp các nước lớn càng có sớm bao nhiêu thì cơ hội cho các nước nhỏ vươn lên càng ít bấy nhiều.

Lúc mọi thứ đang vận động và chưa rõ ràng như thế này là lúc Việt Nam cần chủ động lựa chọn chứ đến lúc nước lớn họ thỏa thuận xong với nhau, cơ hội cho Việt Nam sẽ hạn chế đi nhiều. Đối với Việt Nam, thách thức rất lớn nhưng cơ hội cũng chưa bao giờ lớn như lúc này, không chỉ từ cục diện bên ngoài mà còn chính từ vị thế và nội lực của Việt Nam ta.

Như vậy là đã có một quá trình để nhìn lại những diễn tiến của xung đột thương mại Mỹ - Trung năm qua. Ông định hình tổng quan xung đột này như thế nào, những điểm trọng yếu nào cần chú ý, thưa ông?

Nếu chúng ta nhìn lại 2 năm qua, cuộc chiến tranh thương mại Trung Quốc – Mỹ đã diễn ra ở mấy đặc điểm như sau:

Trước hết nó là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc số 1 và số 2, cuộc cạnh tranh đó đã bao trùm cả về địa chính trị và địa kinh tế. Mặt trận kinh tế thương mại được đẩy lên hàng đầu. Trong cuộc cạnh tranh đó, cuộc cạnh tranh thuế quan giữa hai nền kinh tế hàng đầu càng ngày càng gia tăng cả về qui mô và số lượng.

Nếu chúng ta nhìn lại cách đây 2 năm, lúc đó nó chỉ xoay quanh 15 tỷ USD, 50 tỷ USD hàng hóa, giờ đã ra toàn tuyến. Và trong cuộc chiến tranh này, bề nổi là về lĩnh vực thương mại, đánh vào chuỗi cung ứng mà lâu nay Trung Quốc đang được hưởng lợi, nhưng còn cái thực chất hơn đi cùng với nó, còn là cuộc chiến về mô hình phát triển và trong lĩnh vực công nghệ mà người ta đã dự báo rằng có thể sẽ trở thành một thế giới phân chia về công nghệ.

Sự cạnh tranh về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới không chỉ ảnh hưởng hai nước, mà còn tạo ra những lực tác động xấu đến dòng luân chuyển thương mại và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ trên toàn cầu, người ta cũng đã dự báo rằng nền kinh tế toàn thế giới có thể thất thu khoảng 1% GDP toàn thế giới, thậm chí nó còn có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng cũng chính vì thế nó cũng có thể tạo ra những sự dịch chuyển rất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và phân công lại chuỗi sản xuất, giá trị toàn cầu.

Trung Quốc bao lâu nay là mắt xích then chốt, một nước có chuỗi cung ứng lớn của thế giới mà nếu nó bị chặn ở đầu Mỹ thì nó sẽ phải tìm ở đâu đó hoặc nó sẽ có những sự điều chỉnh, còn hàng hoá dịch vụ ơi các nơi khác cũng lại tìm cách đến thị trường Mỹ.

Cuộc chiến khoa học công nghệ giờ đây sẽ không chỉ còn là ai sáng tạo hơn, ai giỏi khoa học công nghệ hơn,  mà là ai, hệ giá trị nào tạo ra được cái thế giới phẳng, thế giới được mang lại bởi khoa học công nghệ thông tin, và cuộc chiến của hai nước hàng đầu bây giờ sẽ có thể làm cái thế giới phẳng đó bị chia đôi. Rất nhiều nước mà tôi từng gặp cũng nói rằng bây giờ họ đều gặp khó khăn, phải tính toán lựa chọn giữa công nghệ Âu, Mỹ hay Huawei của Trung Quốc. Câu chuyện này không phải dễ trả lời bởi liệu thế giới khoa học công nghệ này có kết nối được với nhau hay không.

Điểm thứ ba, trong cuộc cạnh tranh này, theo quan điểm của cá nhân tôi, đó là nước Mỹ không muốn có một Trung Quốc có thể soán ngôi Mỹ để trở thành số 1 và vì vậy nó còn lâu dài, nhưng hai bên cũng không muốn triệt tiêu nhau.

Cuộc cạnh tranh hiện tại khác rất nhiều so với cuộc cạnh tranh trước đây trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, người ta chạy đua với nhau nhưng không phải để triệt tiêu nhau mà để giành vị thế ưu tiên hơn.

Nhưng vì cuộc cạnh tranh thương mại này lại đặt giữa ngôi số 1 và ngôi số 2 cho nên không thể một sớm một chiều giải quyết ngay được và cũng chẳng thể nào chỉ giải quyết bằng công cụ kinh tế và thương mại. Cuộc chiến thương mại chắc chắn vẫn còn dài và vì vậy các nước khác sẽ đứng trước những lựa chọn rất khó khăn, quá trình cạnh tranh này sẽ còn nhiều cái khó lường. Trong ngắn hạn, chắc chắn Trung Quốc cũng chưa thể soán ngôi được Mỹ. Do vậy, mỗi bên sẽ áp dụng các biện pháp và có cách ứng xử khác nhau trong cuộc cạnh tranh này.

Thêm nữa Tổng thống Trump là một Tổng thống rất khác so với tất cả các Tổng thống khác của nước Mỹ. Trong cuộc cạnh tranh với các nước lớn, Tổng thống Trump có thể rất khó lường và sử dụng nhiều biện pháp rất khác nhau, hoặc là tăng cường về cạnh tranh, hoặc là có thể đi đến thỏa thuận.

Đã có một quá trình như vậy, hẳn những tác động đối với Việt Nam đã có những thể hiện. Theo ông đâu là những tác động đáng chú và những gì đã thể hiện cụ thể thời gian qua?

Trước hết là về Việt Nam. Việt Nam bây giờ đã khác xưa rất nhiều, Việt Nam giờ có nội lực mạnh hơn, nhưng lại là một nước hội nhập sâu rộng và xuất khẩu, nên Việt Nam rất cần một môi trường ổn định bên ngoài để có thể tiếp cận các thị trường xuất khẩu bên ngoài cũng như tranh thủ các luồng đầu tư vào nước mình.

Bối cảnh thế giới hiện nay có mấy điểm mà những nước như Việt Nam có thể phải chú ý:

Cuộc cạnh tranh Trung Quốc – Mỹ và đặc biệt chiến tranh thương mại Trung Quốc – Mỹ tạo ra nhiều sự bất ổn lớn trong nền kinh tế toàn cầu, và không biết chừng có lúc có những sự suy thoái của kinh tế thế giới. Đã bắt đầu có những dấu hiệu của sựđi xuống. Sự suy giảm này có nguyên nhân chính từ sự bất ổn và cuộc chiến thương mại. Việt Nam là một nước xuất khẩu, là một nền kinh tế mở và là một nền kinh tế hội nhập nên chắc chắn phải chịu tác động.

Việt Nam là một bạn hàng lớn của cả hai nước nói trên, mình có tổng lượng kinh tế với Mỹ ước chừng 50-60 tỷ USD, mình có tổng giá trị giao dịch thương mại với Trung Quốc ước cũng 150 tỷ, hai nước này họ đối đầu với nhau, chắc chắn mình phải chịu tác động bất lợi.

Khi Mỹ và Trung Quốc có chiến tranh thương mại, nó tạo ra nhiều sự dịch chuyển mới trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, riêng điều này có cả sự khó khăn và sự thuận lợi.

Gần như hầu hết các loại hàng hóa trên thế giới này đều có hàm lượng Trung Quốc nhất định, vậy khi mà Mỹ và Trung Quốc đánh nhau, thì tất cả những điều này sẽ nằm trong bài toán kinh tế của các nước về lựa chọn thế nào.

Trước hết, khi Mỹ đánh thuế cao với Trung Quốc, liệu các công ty lớn đang làm ăn tại Trung Quốc, do chịu áp lực về thuế, thì họ có dịch chuyển đi đâu không và cuối cùng, những sự dịch chuyển này liệu ngắn hạn hay dài hạn. Cho đến nay, ta thấy, các công ty lớn, nhất là của Mỹ, dường như đều có chuẩn bị phương án B, nhưng họ không di rời ngay đâu, do đầu tư và lợi ích của họ tại Trung Quốc quá lớn, và chuyển dịch đi nơi khác không dễ, lại quá tốn kém. Nếu có, họ sẽ chỉ chuyển một phần thôi, nhất là phần dính đến xuất khẩu trở lại thị trường Mỹ.

Bị Mỹ đánh thuế, hàng hóa Trung Quốc sẽ gặp khó trong tiếp cận thị trường Mỹ, tạo cơ hội cho những nước có khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc gia tăng thâm nhập vào thị trường này, vì có lợi thế hơn. Nhưng có làm được không lại phụ thuộc vào năng lực và thế mạnh cạnh tranh nằm ở chính nước đó, hàng hóa của nước đó cần phải có khả năng cạnh tranh, phải có sức hấp dẫn và có thể vào để đáp ứng tiêu chuẩn Mỹ.

Điều quan trọng là phải hết sức cảnh giác và kiên quyết chống gian lận thương mại, giả hiệu hàng hoá Việt Nam để trốn tránh thuế của Mỹ đánh vào Trung Quốc. Còn nếu có hàm lượng Trung Quốc trong hàng hóa của anh, thì anh phải minh bạch, nếu không công khai nó sẽ trở thành sự gian lận thương mại. Nhà nước Việt Nam đã rất quyết liệt trong cái gọi là giả hiệu nhãn mác kể từ khi cuộc chiến này xảy ra.

Quay trở lại câu chuyện ban đầu: Đây là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, lại có liên hệ không chỉ với nhau và với toàn cầu - Nếu hai nền kinh tế này mà tương tác đối chọi và đặc biệt cạnh tranh thương mại với nhau, thì chắc chắn nó sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính trong sự vận động này, ngoài thách thức, nó còn đặt ra cả cơ hội cho các nước lựa chọn chỗ đứng cho mình trong chuỗi giá trị và nền kinh tế toàn cầu. Đó cũng là cái Việt Nam cần chủ động vào lúc này. Và nếu anh muốn tìm được một vị trí tốt hơn, cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu này, không cách gì hơn là phải tiếp tục đổi mới, hội nhập, tăng cường năng lực và hiệu suất của nền kinh tế.

Vừa rồi chính phủ Việt Nam có nói rằng chúng ta phải chuyển từ nền kinh tế dựa trên sức lao động sang nền kinh tế dựa trên năng suất lao động mà nếu muốn tăng được năng suất lao động ấy cần phải dựa vào khoa học công nghệ và sáng tạo.

Điều kế tiếp là, hơn bao giờ hết, lúc này càng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hoá quan hệ, đa dạng hoá thị thường và nguồn cung, tránh các rủi ro của việc phụ thuộc vào một hai thị trường. Khi phải lựa chọn, thì chọn cái phù hợp với lợi ích quốc gia, cái bền vững và thuộc hệ giá trị cao hơn.

Quá trình hội nhập của Việt Nam đã tạo cho Việt Nam một vị thế rất mới. Chúng ta đã có một quá trình đổi mới để xây dựng nền kinh tế trong nước, nhưng nếu tính 10 năm qua, hội nhập đó không chỉ theo chiều rộng mà ở mức cao hơn, hai cái đặc biệt nhất là EVFTA với châu Âu và CPTPP. Những thỏa thuận trên giúp ta có thể đứng tốt hơn trong quan hệ quốc tế.

Và những tác động nào dự báo sẽ định hình trong tương lai đối với Việt Nam?

Cá nhân tôi nghĩ có ba yếu tố:

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới hơn 30 năm nay, hướng của chúng ta là cởi mở, hội nhập và tạo ra hướng ngày càng đi vào hoàn thiện kinh tế thị trường, có lẽ yếu tố này sẽ quyết định lớn nhất, giải phóng sức lao động để phát huy sức sáng tạo của lực lượng lao động và tranh thủ được nguồn lực bên ngoài, yếu tố này sẽ rất quyết định.

Nếu 30 năm trước đây, chúng ta là nền kinh tế tập trung, đóng cửa thì bây giờ là nền kinh tế mở và hội nhập với thế giới, chính sự hội nhập đó mang lại cho chúng ta mấy thứ: chúng ta có thị trường bên ngoài; chúng ta có thể tranh thủ được đầu tư vào bên trong; nếu kinh tế thế giới có rủi ro, chúng ta có cả năng lực để quản trị rủi ro tốt hơn, vừa có cơ hội đa dạng quan hệ, bù đắp các các cơ hội và rủi ro, trong khi vẫn tiếp tục hội nhập và hội nhập ở mức cao hơn.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đối đầu, không lúc nào khác ngoài lúc này, chúng ta cần phải làm cho nền kinh tế của chúng ta vững vàng hơn. Thứ hai, chúng ta có đủ năng lực để vừa hội nhập, củng cố vị thế của mình cả ở cấp khu vực và toàn cầu, bao gồm cả về kinh tế và thương mại, cả ở khu vực của mình ở Đông Nam Á và Đông Á, và với các khu vực khác và trên toàn cầu, bao gồm cả Âu, Mỹ và châu Phi.

Đồng thời, chúng ta cần phải tiếp tục cách lựa chọn nhiều hình thức, tầng nấc hội nhập, ở các cấp độ và cùng lúc chúng ta có thể sử dụng FTA của các thế hệ khác nhau, hướng tới các FTA hiện đại, chất lượng cao hơn. Những chủ trương và quyết sách đó đã giúp chúng ta vừa qua và sắp tới không chỉ có thể đứng vững trong chiến tranh thương mại, mà còn có thể tiếp tục vươn lên hơn nữa.

Xin cám ơn ông!

Theo Ngọc Điệp