'Chiến trận' siêu ứng dụng ở Đông Nam Á

00:00 12/10/2020

Xuất phát từ Trung Quốc, ý tưởng 'siêu ứng dụng' được các startup học hỏi và cạnh tranh gay gắt ở Đông Nam Á, nhất là Indonesia.

"Ở Trung Quốc, cuộc sống sẽ dễ dàng nếu bạn có 3 thứ là tài khoản ngân hàng, biết tiếng Hoa và dùng smartphone", bà Shirley Yu - Tổng giám đốc Visa Trung Quốc mở đầu phần trình bày của mình trong một hội nghị về an ninh thanh toán diễn ra gần đây ở Thượng Hải.

Bà Yu đưa ra ví dụ với chiếc smartphone, người Trung Quốc có thể vào nhiều nhà hàng, quét QR code trên bàn để chọn món rồi thanh toán trực tuyến. Họ cũng không cần phải đứng xếp hàng ở bệnh viện mà bốc số qua điện thoại. Thậm chí, đã có dịch vụ mua thuốc hộ những loại bệnh thông thường như đau đầu chứ không còn là mua đồ ăn.

Đặc biệt hơn, hàng loạt dịch vụ mà người Trung Quốc sử dụng trên smartphone được cung cấp chỉ với một vài ứng dụng, vốn được gọi là 'super app' hay 'siêu ứng dụng'. Những cái tên đó bao gồm WeChat, Alipay và Meituan.

Đơn cử như WeChat. 'Siêu ứng dụng' này có một tỷ người dùng hàng tháng, sử dụng các tính năng như trò chuyện, tìm bạn, chơi game, mua sắm, đọc tin tức, thanh toán và đăng suy nghĩ, hình ảnh cá nhân. Ngày nay, người dùng thậm chí có thể đặt lịch hẹn bác sĩ hoặc chọn giờ đến nộp đơn ly hôn tại cơ quan dân sự. Theo SCMP, WeChat đã giúp Tencent tăng giá trị vốn hóa hơn 10 lần kể từ khi nó ra đời 8 năm trước.

Sự thành công của 'siêu ứng dụng' ở Trung Quốc trở thành nguồn cảm hứng lẫn hậu thuẫn tài chính cho các startup tại Đông Nam Á. "Tại Đông Nam Á, mô hình siêu ứng dụng đang phát triển nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới", tờ Fortune bình luận. Hiện tại, đang có ít nhất 2 ứng dụng muốn giành phần thắng ở đây. Đó là Grab và Go-Jek với 'chiến địa' đầu tiên tại Indonesia.

Indonesia trở thành 'chảo lửa' vì nhiều lý do. Thứ nhất, đây là thị trường đông dân và có quy mô lớn nhất khu vực. Theo HootSuite, Indonesia chiếm 40% GDP Đông Nam Á và có đến 74% người dân có truy cập Internet di động để mua hàng online. Thứ hai, đây là quê nhà của Go-Jek, 'siêu ứng dụng' thành hình sớm nhất khu vực, đối thủ mà Grab muốn vượt qua.

Go-Jek, từng gọi vốn được của Google và Tencent, đang có khoảng 18 dịch vụ trong 'siêu ứng dụng' của mình. Ngoài các dịch vụ cơ bản như gọi xe, gọi thức ăn, giao hàng thì có thể kể đến Go-Mart (mua tạp hóa), Go-Clean (dọn dẹp nhà cửa), Go-Glam (tạo mẫu tóc và trang điểm) và Go-Massage...

Từ những năm còn xa nhau về đường hướng phát triển, đến nay, mô hình kinh doanh và thị trường mục tiêu của Go-Jek và Grab tại Indonesia dần đối đầu trực diện. Ở nhiều thành phố của 'quốc gia vạn đảo', cả hai bắt đầu cuộc chiến giá cả không có giới hạn. Tài xế tràn ra đường và vì cùng đồng phục áo xanh lá, họ tạo thành những 'dòng sông xanh' trên phố, theo cách gọi của Fortune.

Một cửa hàng hỗ trợ thanh toán bằng mã QR của Go-Pay. Ảnh: Warung Pintar

Một cửa hàng hỗ trợ thanh toán bằng mã QR của Go-Pay. Ảnh: Warung Pintar

Dù vậy, Go-Jek và Grab vẫn có khác biệt về cách tiếp cận làm 'siêu ứng dụng'. Go-Jek tập trung vào thúc đẩy mảng công nghệ tài chính (fintech) bằng ví điện tử Go-Pay, trong khi Grab tập trung vào dịch vụ gọi đồ ăn GrabFood.

Go-Pay hợp tác với gần 400.000 đối tác kinh doanh, tính đến tháng 12/2018. Năm ngoái, với tổng giá trị của các giao dịch qua ví này đạt 6,3 tỷ USD. Theo báo cáo gần đây của RedSeer, Go-Pay hiện nắm giữ thị phần cao nhất của thị trường ví điện tử Indonesia.

Không những thế, Go-Jek càng thể hiện quyết tâm 'chơi lớn' với Go-Pay bằng cách mua lại 3 fintech của Indonesia là Midtrans, KartuKu và Mapan vào năm 2017 và Coins.ph của Philippines mới năm nay.

Trong khi đó, Grab muốn mảng giao thức ăn sẽ là mũi nhọn giành thắng lợi khi đua 'siêu ứng dụng'. GrabFood đã có tại 178 thành phố của Indonesia và tăng trưởng hơn 10 lần trong giai đoạn tháng 12/2017-12/2018. Grab còn mở 'Kitchen by GrabFood', không gian dành cho các đối tác nhà hàng để kinh doanh.

"Chúng tôi sẽ có một số không gian 'Kitchen by GrabFood' trong năm nay. Tôi không thể chia sẻ con số chính xác nhưng chúng tôi sẽ rất tích cực mở vì nó là cách thúc đẩy tốt", Tomaso Rodriguez, đứng đầu GrabFood Indonesia nói.

Ngoài giao đồ ăn, Grab đang có dấu hiệu dẫn trước Go-Jek ở vài mảng cốt yếu. Số liệu do Grab công bố tính đến tháng 5/2019 cho biết, hãng đã chiếm 60% thị phần dịch vụ xe 2 bánh và 70% thị phần dịch vụ xe 4 bánh tại Indonesia. Trước đó, ABI Research công bố Grab chiếm 62% thị phần gọi xe, mặc dù Go-Jek không thừa nhận con số này.

"Bạn có dành những năm đầu để sao chép Uber không? Và sau đó, ba năm tiếp theo của đời bạn là sao chép Go-Jek?", Nadiem Makarim - Nhà sáng lập Go-Jek bình luận về Grab. Trong một email viết cho Fortune, nhà đồng sáng lập Grab Anthony Tan thì nói "có một ý tưởng tốt không đảm bảo cho sự thành công".

Tài xế Go-Jek và Grab cùng đồng phục áo xanh đen trên đường phố Jakarta. Ảnh: Dimas Ardian

Tài xế Go-Jek và Grab cùng đồng phục áo xanh đen trên đường phố Jakarta. Ảnh: Dimas Ardian

Dù Grab có phần nhỉnh hơn tại Indonesia và đang đứng đầu nếu tính cả Đông Nam Á, Makarim lập luận rằng độ rộng của các dịch vụ sẽ giúp Go-Jek chiến thắng theo thời gian ở quê hương. Cũng tại đây, mảng gọi xe ở cả Grab và Go-Jek đều bị cho là lỗ vì còn "đốt tiền", nhưng Makarim tuyên bố Go-Jek đang gần kiếm lời ở mảng phi vận tải.

Giáo sư Guoli Chen tại trường kinh doanh INSEAD (Singapore) lại nghĩ khác. "So sánh cả hai, Grab có cơ hội tốt hơn. Lý do chính là trong khi Go-Jek có nền tảng vững chắc ở Indonesia, được xây dựng cho Indonesia từ ngày đầu tiên thì Grab đã là một ứng dụng Đông Nam Á ngay từ đầu", ông nói.

Khi cuộc đua tại Indonesia vẫn còn gay cấn thì Grab cũng bắt đầu mang ý tưởng này sang các thị trường nước khác từ năm ngoái. Tuy nhiên, đối đầu chưa thật sự diễn ra theo kiểu giữa các 'siêu ứng dụng' với nhau mà giữa Grab với các ứng dụng chuyên biệt là chính.

Tại Việt Nam, Go-Viet chưa trở thành 'siêu ứng dụng' khi dịch vụ còn gói gọn ở gọi xe hai bánh, giao hàng và gọi đồ ăn. Tuy nhiên, Go-Food của Go-Việt cùng với Now của Foody đang chịu áp lực không nhỏ bởi GrabFood đang trong giai đoạn tăng chiếm thị phầm gọi thức ăn.

Zalo từng có khả năng trở thành 'siêu ứng dụng' với nhiều tính năng từ trò chuyện, đọc tin tức, tìm bạn, mua sắm, dịch vụ công tại một số tỉnh thành và 'họ hàng' với Zalo Pay nhưng đến nay chưa thật sự 'đụng độ' với Grab.

Một tên tuổi trẻ hơn là 'be' cũng đi lên từ gọi xe nhưng chọn cách tiếp cận khác. 'be' tuyên bố không thành 'siêu ứng dụng' mà là nền tảng mở để nhiều doanh nghiệp khác cùng vào tham gia cung cấp dịch vụ.

Tại Thái Lan, nếu có ý định dẫn đầu khi làm 'siêu ứng dụng', Grab sẽ cần phải qua mặt được Line, vốn gắn khá chặt với đời sống người Thái ở những mảng như trò chuyện trực tuyến, mạng xã hội, đọc tin tức, ví điện tử và cả gọi xe taxi truyền thống.

Line hiện là ứng dụng trò chuyện nhiều người dùng nhất ở Thái Lan. Cổng thông tin Line Today có hơn 32 triệu người dùng, chiếm 71% dân số Thái Lan. Rabbit Line Pay là có QR để thanh toán tại hơn 50.000 cửa hàng với 4,5 triệu người dùng đến tháng 12/2018. Tham vọng của Line không nhỏ.

"Gần đây bạn có đến Trung Quốc không? Hầu như không thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng, thanh toán kỹ thuật số thông qua ví điện tử được chấp nhận trên toàn quốc. Trung Quốc, chỉ vài năm trước, là một quốc gia dùng tiền mặt như Thái Lan, giờ đã chuyển sang một xã hội không tiền mặt. Thái Lan cũng sẽ chứng kiến sự chuyển đổi này. Line, thông qua Rabbit LINE Pay, sẽ đưa Thái Lan vào kỷ nguyên xã hội không tiền mặt", Ariya Banomyong - Giám đốc LINE Thái Lan tuyên bố.

Phiên An