“Chặng đường dài” để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường 18.000 tỷ USD

00:00 12/10/2020

Cuối cùng thì Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu u đã được chính thức thông qua. Con đường tới những giấc mơ thịnh vượng về kinh tế, thể chế, phát triển bền vững từ Hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất này của Việt Nam đã tiến thêm một bước quan trọng. Nhưng để hiện thực hóa những giấc mơ lớn từ Hiệp định thì phía trước còn là cả một chặng đường dài.

Giấc mơ lớn từ EVFTA

Với xuất khẩu, EVFTA mở ra một giấc mơ lớn cho hàng Việt Nam ở thị trường với nửa tỷ người tiêu dùng, có khả năng chi tiêu cao, nhu cầu tiêu thụ lớn hạng nhất thế giới, thị trường mà ngay thời điểm hiện tại đã chiếm xấp xỉ 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta. EVFTA cũng lần đầu tiên mở cánh cửa để hàng hóa Việt Nam tiếp cận khu vực khách hàng cực kì lớn . Quan trọng hơn, đây là những cam kết ổn định vĩnh viễn và bình đẳng.

 

EVFTA sẽ là cú hích lớn trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam – EU.

Kể cả ở chiều ngược lại, với EVFTA, doanh nghiệp cũng có quyền mơ về một giấc mơ khác. Giấc mơ cắt giảm chi phí sản xuất,nâng cao năng lực cạnh tranh, nhờ tiếp cận những công nghệ nguồn, máy móc thiết bị hiện đại, các dịch vụ logistics, tài chính, bảo hiểm và dịch vụ thiết yếu khắc phục vụ sản xuất từ EU với giá tốt nhất khi Việt Nam mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ, đầu tư từ EU. Cùng với đó là cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thậm chí là vươn lên những nấc cao hơn trong chuỗi giá trị và lợi nhuận. 

Một giấc mơ khác cho không gian sinh tồn của các doanh nghiệp là giấc mơ về một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng hơn, về một thể chế kinh tế thị trường cạnh tranh và an toàn hơn, về những chính sách nhân văn và bền vững hơn dưới tác động của các cam kết tiêu chuẩn cao trong EVFTA. Nếu như không có các FTA như thế này, Chính phủ Việt Nam có thể vẫn sẽ làm những việc này, nhưng thiếu một động lực và sức ép quan trọng, cũng thiếu những tiêu chí chỉ đường và đặc biệt thiếu sự hỗ trợ và hướng dần kỹ thuật quan trọng từ đối tác lớn EU. 

 

Thị trường hơn 96 triệu dân của Việt Nam sẽ là cơ hội cho hàng hóa EU.

Cho đến nay, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nền kinh tế thuộc Liên Minh châu Âu chủ yếu là máy móc và đồ gia dụng (đạt 20,14 tỷ EUR trong năm 2018 – chiếm 52,7% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU), giày dép và mũ (đạt 4,03 tỷ USD – tương đương với 10,6% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU), Dệt May và May Mặc (đạt 3,73 tỷ EUR – tương đương với 9,8% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU), rau củ quả (đạt 2,24 tỷ EUR - tương đương với 5,9% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU) và các sản phẩm máy móc khác (đạt 1,49 tỷ EUR – tương đương với 3,9% giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU).

Trong các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất sang EU, thì mật ong, thủy sản và các sản phẩm rau củ quả là những mặt hàng hiện bị đánh thuế nặng nhất với mức thuế trung bình lần lượt là 17,3%, 11,6% và 10,3%. Trong các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam xuất sang EU thì, các mặt hàng chủ đạo như ô tô, xe máy, và dệt may với mức thuế trung bình lần lượt là 55,86%, 69,80%, 15,52% và 6,50%.

Riêng ngành giày dép được hưởng mức thuế GSP (thuộc chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập) ở mức trung bình khoảng 3 -4%. Trong trường hợp hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, 50% số sản phẩm thủy sản sẽ được lập tức giảm thuế nhập khẩu về 0%, 50% còn lại sẽ được giảm thuế về 0% theo lộ trình từ 3 – 7 năm. Trong khi đó các sản phẩm như mật ong và rau củ quả được lập tức giảm thuế nhập khẩu về 0% ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực. Các sản phẩm như ô tô và xe máy sẽ được miễn thuế theo lộ trình 9 và 10 năm.

Đối với các sản phẩm dệt may, hơn 42% dòng sản phẩm sẽ được miễn thuế ngay lập tức sau khi hiệp định có hiệu lực, các sản phẩm còn lại sẽ được miễn thuế theo lộ trình từ 3 – 7 năm. Còn với các sản phẩm giày dép, khoảng 37% số sản phẩm sẽ được miễn thuế ngay lập, các dòng sản phẩm còn lại sẽ được miễn thuế theo lộ trình từ 3 – 7 năm.

Trong tương lai, những ngành như dệt may, giày dép, nông sản, ô tô, hay sữa,.. hứa hẹn sẽ được đem tới những cơ hội lớn, không chỉ là ở xuất khẩu mà còn là cơ hội đầu tư, nâng cao sản xuất và góp phần nâng cho tăng trưởng kinh tế nước nhà.

Những rào cản lớn

Song hành với những cơ hội thì thách thức từ EVFTA là không nhỏ. Khi mà các điều kiện về xuất xứ để hưởng ưu đãi trong EVFTA là không dễ, thậm chí khó hơn so với các Hiệp định thương mại khác đang có. Khi mà hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa vào EU vốn nổi tiếng khắc nghiệt; khi mà nguyên phụ liệu cho nhiều ngành xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam vào EU (dệt may, giày dép, thiết bị điện tử,...) vẫn chủ yếu là từ các nguồn cung ngoài EU. Và khi thương mại thế giới mỗi lúc một khó khăn hơn, các đối thủ của hàng Việt Nam mỗi lúc một tài giỏi hơn, mà EVFTA sẽ là thách thức không hề nhỏ đối với doanh nghiệp về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường. 

Đặc biệt phải kể đến nhóm ngành nông, thủy sản. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá sẽ là cú hích cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường châu Âu. Thị trường EU là một trong những thị trường có yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt với nông sản, thủy sản EU không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường, phát triển bền vững, an sinh xã hội.

TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam:  Công nghiệp chế biến nông sản phải được thúc đẩy

 

TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam:

Hiện nay, EU là thị trường tương đối quan trọng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Nông nghiệp là ngành được hưởng nhiều ưu đãi nhất ngay khi Hiệp định EVFTA được thông qua. Tôi đánh giá về tương lai thị trường châu Âu là rất tiềm năng. Bởi vì đối với các sản phẩm nông sản, mặt hàng bản địa trong EU không trùng với các thế mạnh của Việt Nam. Nhiệt độ ở nước họ là ôn đới còn chúng ta là nhiệt đới và các sản phẩm về nhiệt đới của Việt Nam được đánh giá tương đối cao về chất lượng. Đặc biệt là các loại cây ăn quả như bơ, xoài, thanh long... 

Thế nhưng khó khăn phải kể đến là việc xuất khẩu, khoảng cách địa lý từ Việt Nam sang châu Âu lên đến hàng chục nghìn km, cho nên xuất khẩu sang ở dạng tươi sống như hiện nay chúng ta vẫn làm thì sẽ rất khó khăn và sản lượng cũng không cao. Chúng ta cần phải thúc đẩy Công nghiệp chế biến nông sản vì công nghiệp chế biến sẽ bảo quản được lâu hơn và bên châu Âu thì họ tiêu dùng các sản phẩm chế biến rất nhiều. Với hiện trạng ngành sản xuất Việt Nam khó đáp ứng yêu cầu về vùng nguyên liệu, chế biến, bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn của Châu Âu, thì doanh nghiệp cần phải thay đổi đầu tiên về nhận thức. Thay đổi tư duy nghĩa là chúng ta phải đầu tư, đầu tư ở đây là những phương án nhằm nâng cấp về mặt an toàn thực phẩm và minh bạch về được thông tin về vùng sản xuất; đầu tư về công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến sau thu hoạch. 

Đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, hoạt động sản xuất cần phải được tổ chức lại một cách chuyên nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn hơn nữa. Chú trọng thực hiện đại hóa nông nghiệp, tạo lập duy trì và phát triển mối quan hệ với các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, từ đó hình thành các hợp tác xã, vùng sản xuất nông nghiệp lớn, tham gia các Hiệp hội ngành hàng, cùng nhau học hỏi, đưa ra các chính sách phát triển kinh doanh trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài nhằm nhận được nguồn vốn lớn và khoa học công nghệ tiên tiến.”

PGS.TS Trần Kim Chung – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Ba bước chuẩn bị “đón đầu” lợi ích từ EVFTA 

 

PGS.TS Trần Kim Chung – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:

Theo tôi, để doanh nghiệp Việt có thể sẵn sàng chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà EVFTA mang lại thì cơ quan chức năng cần có những chính sách cụ thể. Thứ nhất, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các vấn đề có liên quan đến Hiệp định thì cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng, xuất xứ,… giúp các doanh nghiệp tận dụng được hết cơ hội từ EVFTA. 

Thứ hai, cần xem xét, công bố và kiểm soát chặt chẽ các quy định về điều kiện đầu tư cũng như kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư; thúc đẩy việc phổ biến, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Thứ ba, cần xây dựng kế hoạch để thu hút đầu tư và thực hiện hiệu quả các chính sách để thu hút chọn lọc đầu tư chất lượng cao, tập trung vào các ngành công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và các dự án có sản xuất quy mô lớn. Về phía các doanh nghiệp, cần nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể đối mặt với các vấn đề đặt ra khi EVFTA có hiệu lực; cùng với đó doanh nghiệp và người dân cần chủ động xây dựng chiến lược xuất khẩu, đối với áp lực hội nhập với tiêu chuẩn quốc tế thì doanh nghiệp cần chú trọng đồng bộ về kĩ thuật cũng như áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào quá trình sản xuất; ngoài ra các doanh nghiệp, bộ, ngành cũng cần xây dụng một chiến lược tiếp cận thị trường mà trong đó đã có những nghiên cứu về thị trường tiếp cận, nhận định được những tiềm năng cũng như đánh giá được sức cạnh tranh và tận dung các thế mạnh của thị trường Việt Nam để làm tiền đề cho các doanh nghiệp tiến vào thị trường EU”.

Vinh Trinh