Chậm tiếp cận CMCN4.0: Điều gì níu chân doanh nghiệp nhà nước?

00:00 12/10/2020

Dù được kỳ vọng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế, trở thành động lực tăng trưởng và dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, song khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện khá chậm chân trong tiếp cận cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Báo cáo "Định vị DNNN trong công nghiệp 4.0" của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, trong 20 ngành hàng, lĩnh vực, DNNN chỉ vượt trội hơn khu vực tư nhân ở 3 ngành là tài chính và ngân hàng; sản xuất phân phối điện-khí-ga và giải trí. Ngoại trừ một số DNNN quy mô lớn và ngân hàng quốc doanh quy mô lớn hiện đã đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới của CMCN 4.0, nhìn chung các DNNN đều chỉ mới ở ngưỡng bắt đầu của hành trình số hóa.

cham tiep can cmcn40 dieu gi niu chan doanh nghiep nha nuoc

Về nguyên nhân của tình trạng trên, báo cáo chỉ ra chủ yếu là do những bất cập về cơ chế, chính sách. Theo đó, DNNN không thể, hoặc không dám đầu tư vào CMCN 4.0 bởi nguồn vốn đầu tư quá lớn nhưng lợi ích mang lại có thể thành công hoặc không thành công và cho dù thành công cũng có thể trong một giai đoạn rất dài. Về mặt cơ chế, điều này rất rủi ro với doanh nghiệp.

Là người trong cuộc, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bày tỏ, cơ chế cho phép DNNN trích 3-10% của thu nhập tính thuế để thành lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ nhưng việc triển khai lại rất khó, thậm chí không thể áp dụng được. Hơn nữa, vì là cơ chế sở hữu nhà nước nên khi đầu tư vào các dự án công nghệ, người phê duyệt dự án sẽ gặp rủi ro cao nếu dự án không có lãi, trong khi chưa có chính sách nào được đưa ra để khắc phục 100%.

Cùng đó, việc thiếu nhân lực chất lượng cao trong công tác nghiên cứu, ứng dụng và vận hành thành quả của CMCN 4.0; thiếu cơ chế tài chính phù hợp để thực hiện đầu tư, phát triển; thiếu các giải pháp cụ thể để tái cơ cấu DNNN theo hướng thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ… cũng là những nguyên nhân khiến DNNN chậm chân trong tiếp cận CMCN 4.0.

Việc ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 không còn là xu hướng mà đã được các doanh nghiệp khối tư nhân hiện thực hóa với công nghệ quản trị điện tử, áp dung trí tuệ nhân tạo, tự động hóa sản xuất… Để DNNN không còn chậm chân trong cuộc đua này, các chuyên gia đề xuất, Chính phủ cần triển khai một cách cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, cần có cơ chế cho DNNN thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hải Linh