CEO Vietnam Airlines: Ngành hàng không sẽ phải được giải cứu

00:00 12/10/2020

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 2 đã "bẻ gãy" đà phục hồi của ngành hàng không trong nước từ trung tuần tháng 7 vừa qua. Chính phủ đã yêu cầu Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hoàn tất các thủ tục cuối cùng để trình gói hỗ trợ 12 ngàn tỉ đồng lên cấp cao hơn nữa. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn chuẩn bị cho những dự báo kinh doanh xấu hơn.

Dự kiến đến 2024, ngành hàng không mới phục hồi

Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành tại sự kiện đại hội đồng cổ đông của hãng hôm 10-8 cho biết, tác động của dịch bệnh Covid-19 theo các nhà phân tích kinh tế, còn lớn hơn cả tác động của Chiến tranh thế giới thứ 2, do tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng, phải thực hiện các biện pháp cách ly xã hội, chịu suy giảm kinh tế. Cầu hàng không toàn cầu đứt gãy khiến sự kết nối cũng đứt gãy theo; sự lan tỏa của thông tin tiêu cực và nỗi sự hãi về dịch bệnh trên mạng xã hội càng khiến khủng hoảng kinh tế thế giới thêm nặng nề, và kinh tế Việt Nam cũng bị tác động theo.

Dịch bệnh Covid-19 đã “cuốn trôi” tất cả những nền móng vững chãi nhất mà Vietnam Airlines xây dựng được tính từ thời điểm cổ phần hóa đến nay, với dư lượng tiền mặt dồi dào (hơn 4.000 tỉ đồng đến hết năm 2019) và hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu từ mức 2,7 lần (cuối năm 2019) đến cuối năm nay dự kiến tăng hơn 16 lần.

Đang trên đà làm ăn thuận lợi, Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không nội địa khác phải tạm dừng các đường bay quốc tế từ cuối tháng 3 đến hết năm nay theo dự kiến. Các đường bay Đông Bắc Á và Đông Nam Á dự kiến khai thác trở lại từ tháng 10 với tần suất hạn chế từ 3-5 chuyến/tuần và có thể ổn định lại từ tháng 12 năm nay.

Trên thực tế, các đường bay nội địa đã phục hồi 90% từ tháng 6 đến giữa tháng 7 với tốc độ nhanh thì bị đợt bùng phát dịch lần thứ 2 ập đến. Hiện tại, các sân bay đều vắng vẻ, đường bay nội địa trọng điểm đến Đà Nẵng đóng cửa hoàn toàn khiến các hãng, trong đó có Vietnam Airlines quay lại tình thế khó khăn.

Hãng dự báo, năm nay, dịch bệnh sẽ làm cho Vietnam Airlines chỉ vận chuyển được khoảng 14,5 triệu khách, giảm 36,8% so với cùng kỳ, khách trung chuyển giảm 56,9% do chính sách hạn chế xuất nhập cảnh của các quốc gia... kéo theo đó là hàng loạt mảng màu tối trong bức tranh tài chính.

Theo ông Dương Thanh Hiền, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines, dự báo của hãng vào đầu tháng 6 là đến tháng 8, doanh nghiệp sẽ cạn kiệt nguồn tiền. Tuy nhiên, tháng 6 và tháng 7, khi thị trường khách nội địa phục hồi, hãng thu về được 1.700 tỉ đồng để duy trì “máy thở”, đẩy lùi nguy cơ bị cạn kiệt nguồn tiền xa hơn một chút. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng dịch bệnh trong cộng đồng từ cuối tháng 7 lại khiến cho dòng tiền của hãng trở nên khó khăn và kém hơn, do hành khách không bỏ tiền mua vé trước nữa, chưa kể hàng loạt khách hàng hoàn và hủy chuyến. “Đến cuối tháng 8, với tình hình này, thì chắc chắn Vietnam Airlines lại cạn kiệt về tài chính”, ông Hiền lo âu.

CEO Dương Trí Thành cho rằng, cách đây vài tháng, lãnh đạo Vietnam Airlines dự đoán, sang đầu năm 2022, ngành hàng không có thể phục hồi được nhưng với tình hình những ngày gần đây và tương lại bất định thì phải đến 2024, ngành hàng không mới có thể phục hồi. Do đó, hãng hàng không xây dựng những kịch bản phục hồi xấu nhất và xấu hơn trong vài năm tới. Tức là nếu may mắn phục hồi và kinh doanh có lợi nhuận thì lợi nhuận chỉ để bù lỗ.

Nguyên Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines, ông Phạm Ngọc Minh nhận định: “Tương lai của ngành hàng không là bất định và thái độ của Vietnam Airlines là chủ động cập nhật tình hình, phản ánh minh bạch các vấn đề để giải quyết”.

Ngành hàng không sẽ phải được giải cứu

Báo cáo của Vietnam Airlines về dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh 2020 cho biết, tổng doanh thu công ty mẹ sẽ giảm 56,4% so với cùng kỳ, tương đương với giảm hơn 42 ngàn tỉ đồng do dịch bệnh, toàn tổng công ty dự kiến hụt hơn 50 ngàn tỉ đồng. Và cho dù báo cáo gửi Đại HĐCĐ hôm 10-8 được viết từ cuối tháng 5 nhưng không cần điều chỉnh nhiều vì dự báo vẫn xấu và xấu hơn.

Dự kiến năm nay, doanh nghiệp sẽ lỗ gần 15 ngàn tỉ đồng và giảm lợi nhuận hơn 17 ngàn tỉ đồng so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu tài chính, theo đó thay đổi lớn, dư nợ đầu năm ngắn hạn gần như bằng không với dư lượng tiền mặt 4000 tỉ đồng nay chuyển thành nợ ngắn hạn 4.600 tỉ đồng, nợ dài hạn từ 5.000 tỉ đồng lên 9.000 tỉ đồng tại thời điểm hiện nay. Doanh nghiệp mới giãn được 2.400 tỉ giai đoạn 2020-2021 theo quy định chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, giãn được 770 tỉ đồng với các ngân hàng trong nước.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu tài chính theo đó tăng mạnh. Nợ vay/vốn chủ sở hữu từ mức 2,4 lần (thực hiện 2019) lên mức 14,76lần (dự kiến 2020). Vốn chủ sở hữu đến cuối năm dự kiến còn rất mỏng. Như các hãng hàng không khác, Vietnam Airlines cắt giảm tối đa chi phí, bao gồm chi phí nhân công, lao động, bán tàu bay, bán cổ phần...để hạn chế lỗ nặng hơn.

Dự kiến Chỉ tiêu kinh doanh của hãng năm 2020 (trích bản báo cáo gửi Đại hội đồng cổ đông hôm 10-8). Ảnh: VNA

Ông Phạm Ngọc Minh cho biết: “Chính phủ đã nhận được báo cáo chi tiết về gói đề nghị hỗ trợ 12 ngàn tỉ đồng của hãng và yêu cầu báo cáo lên cấp cao hơn để giải quyết. Gói hỗ trợ này đang ở vòng xét duyệt cuối cùng”, trong đó có 1/3 là vay thương mại và 2/3 khoản tiền là tăng vốn chủ sở hữu qua phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

“Hiệp hội Hàng không Thế giới dự báo hàng không Việt Nam lỗ 4 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. Vietnam Airlines đã “nhận” nửa số lỗ rồi nên nửa số còn lại chia cho các hãng khác”, CEO Dương Trí Thành chia sẻ.

Vietnam Airlines là doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, kinh doanh chính là hàng không nên không thể kinh doanh các ngành khác bù lỗ như hãng khác. Tuy nhiên, Vietnam Airlines là hãng đảm bảo minh bạch thông tin và công khai tài chính. Do đó, giá cổ phiếu của hãng trong vòng một năm qua từ mức 33.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 23.000 đồng/cổ phiếu là phản ánh mức độ suy giảm của nhà đầu tư không lớn. Vì cổ phiếu hàng không mức suy giảm ít nhất là 35%, thậm chí 60-70% do tâm lý thị trường.

Lan Nhi