Cắt giảm điều kiện kinh doanh- Còn cần rất nhiều nỗ lực

00:00 12/10/2020

Ngày 14/11/2018, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”.

Khảo sát về các điều kiện kinh doanh mới đang dừng ở cấp độ các nghị định

Báo cáo sơ bộ của CIEM cho thấy mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh thế nhưng sự biến tướng, “thay hình đổi dạng” của các điều kiện kinh doanh dẫn tới hệ quả hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo, trong khi các lợi ích công cộng vẫn không được bảo vệ.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát và đề xuất cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh; hoàn thành và trình Chính phủ ký ban hành trước ngày 31/10/2018. Song theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho hay, các điều kiện kinh doanh thực sự được bãi bỏ chỉ là 771, trong khi đó có 29 điều kiện kinh doanh phát sinh. Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành, thì việc cắt giảm là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.

Điểm đáng quan ngại là vẫn có những sự cắt giảm điều kiện kinh doanh chẳng mang lại tác động gì. Đặc biệt, có những quy định được bổ sung điều kiện kinh doanh lại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thêm vào đó là tình trạng chất lượng thấp của các quy định về điều kiện kinh doanh; còn yếu về tư duy quản lý và hệ thống quản lý theo phương pháp rủi ro. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh không hiệu quả; thiếu cơ chế bảo đảm thực thi đầy đủ. Không những thế còn thiếu nhận thức đúng về bản chất giấy phép, điều kiện kinh doanh…

Ví dụ được đưa ra là một số quy định trong Nghị định 49/2018/NĐ-CP quy định về yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục. Nghị định này yêu cầu cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục phải có ít nhất 10 kiểm định viên, có trụ sở ổn định hai năm, có phòng làm việc cho mỗi kiểm định viên tối thiểu 8 m2… “Quy định này cứ như cho các trường mẫu giáo. Nó là các điều kiện kinh doanh mà các bộ đã bãi bỏ thì lại xuất hiện trong lĩnh vực giáo dục”, ông Hiếu nhận xét.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh phân tích thêm, có việc điều kiện kinh doanh sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Theo đó, vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp; số điều kiện dinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ, khó tiên liệu, vào tạo rủi ro cho doanh nghiệp; chứng chỉ hành nghề chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước cấp tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực (nhất là trong lĩnh vực xây dựng); mở rộng thêm các quy định về điều kiện doanh doanh trong thủ tục hồ sơ.

Trong khi đó chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh mô tả, nhiều điều kiện kinh doanh hiện nay hoàn toàn lạc hậu so với cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, Việt Nam đang hội nhập sâu, thị trường trong nước là thị trường của cộng đồng ASEAN, sắp tới là CPTPP, hàng hóa nhập khẩu giảm thuế từ 0-5%. "Cắt giảm điều kiện kinh doanh là cuộc chiến đấu lâu dài gian khổ, khẩn cấp và cần thiết", ông Doanh chia sẻ.

Chia sẻ quan điểm này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung thừa nhận, bao nhiêu đợt cải cách điều kiện kinh doanh nhưng vẫn còn thấy không thành công, những nỗ lực kiến nghị của mình vẫn đạt được kết quả rất thấp. “Cải cách phải liên tục, nhất quán, có áp lực bên ngoài thì mới làm được", ông Cung nói.

Bình luận về các kết quả khảo sát trên, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng các nghị định được ban hành tuy là của Chính phủ nhưng mang bóng dáng các bộ rất rõ. Một nghị định được ban hành theo ông Tuấn cần trả lời rành rẽ hai câu hỏi, một là bộ sẽ đóng vai trò gì, hai là nghĩa vụ của bộ là gì.

Vẫn theo ông Tuấn qua việc rà soát các điều kiện kinh doanh cho thấy tư duy nhà nước can thiệp còn rất rõ. Chẳng hạn có cơ quan vẫn muốn thẩm định phương án kinh doanh của doanh nghiệp trong khi “liệu phương án được trình lên đó liệu có thật và sẽ được doanh nghiệp áp dụng hay không?”- ông Tuấn đặt câu hỏi. Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cần có một bộ “lọc” pháp lý mang tính độc lập để không có chỗ cho những điểu kiện kinh doanh bất hợp lý tồn tại và hành doanh nghiệp.

Quang Lộc