'Cánh cửa' nào đưa hàng Việt vào sâu thị trường EU?

00:00 12/10/2020

Đa phần doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào EU đều tập trung vào các thị trường lớn, bỏ ngỏ những thị trường ngách - vốn được xem là "nhỏ nhưng có võ" giúp hàng Việt thâm nhập sâu vào thị trường EU hơn.

Ngày 1/8/2020, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực và đi vào thực thi, mở cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) nói riêng.

Bỏ ngỏ thị trường ngách 

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển nhìn nhận, Hiệp định EVFTA là cú hích lớn cho XK của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK. Năm 2019, Việt Nam XK sang EU đạt kim ngạch 35,8 tỷ USD, trong đó 7 nước EU là Hà Lan, Đức, Ý, Pháp, Áo, Tây Ban Nha và Bỉ chiếm đến 82% tổng kim ngạch XK. 

nguoi-chau-Au-chuong-hang-Viet-4076-1596

Doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh XK hàng hóa vào các thị trường khác ngoài Tây Âu (Ảnh: TL) 

Điều này cho thấy, trong 27 nước thành viên EU, các DN Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác một số thị trường truyền thống như Tây Âu, bỏ ngỏ nhiều thị trường khác.

"Khủng hoảng COVID-19 cho thấy việc phụ thuộc thị trường đã đem đến những hậu quả lớn. Trong bối này, Việt Nam càng cần phải đa dạng hóa thị trường để có chìa khoá quản lý rủi ro", bà Thúy nhấn mạnh.

Vì vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho rằng, thực thi EVFTA, bên cạnh việc DN tiếp tục khai thác thị trường truyền thống cần phải đẩy mạnh sang khai thác thị trường ngách như Bắc Âu với dân số chỉ 29 triệu người nhưng có thu nhập bình quân cao nhất thế giới.

Năm 2019, kim ngạch nhập khẩu của khu vực Bắc Âu rất ấn tượng, đạt gần 440 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu ổn định trong 5 năm qua, trung bình 6% mỗi năm. 

Bà Thúy phân tích một số thị trường tiềm năng thuộc khu vực Bắc Âu. Cụ thể, mỗi năm, Thuỵ Điển nhập khẩu cà phê với kim ngạch đạt khoảng 331,5 triệu USD nhưng Việt Nam chỉ xuất sang đây 6 triệu USD. Khi thuế mặt hàng cà phê về 0%, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển tính toán kim ngạch XK cà phê của Việt Nam sang thị trường này có dư địa tăng lên khoảng 196 triệu USD. 

Hay như Đan Mạch sẽ gia tăng nhập khẩu tôm chế biến, giày dép, điện thoại... Tương tự, Phần Lan nhập khẩu khối lượng gạo rất lớn nhưng Việt Nam chưa thể XK gạo sang đây. Gạo Việt Nam chưa cạnh tranh được với Thái Lan do thói quen tiêu dùng, không cạnh tranh được với Campuchia về giá do được hưởng thuế. Vì vậy, bà Thúy nhận định, EVFTA sẽ giúp cho gạo Việt Nam có cơ hội cạnh tranh với gạo Thái Lan, Campuchia tại thị trường này.  

Người tiêu dùng Bắc Âu thích các sản phẩm hữu cơ, thích bao bì thân thiện với môi trường... Hiện, tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ gấp 2-3 lần. Vì vậy, DN muốn thành công ở thị trường này cần chủ động tìm hiểu, chọn phân khúc thị trường phù hợp với sản phẩm của mình, tìm giải pháp xúc tiến thương mại hiệu quả, giao hàng đúng chất lượng, đúng hẹn. Dịch vụ sau bán hàng cũng rất quan trọng.

"Tuy nhiên, đây là một trong những điểm yếu của DN Việt Nam hiện nay cần phải cải thiện", bà Thúy chỉ ra. 

"Chạy đà" để tăng tốc 

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch XK của Việt Nam sang EU chỉ đạt 16,1 tỷ USD, giảm 8,8%. Con số này nhìn ban đầu có vẻ tiêu cực nhưng nếu xét trong tổng thể nhu cầu NK của EU giảm tới hơn 12% sẽ thấy điểm tích cực. Điều đó có nghĩa, XK của Việt Nam sang EU tương đối có tính cạnh tranh ngay cả khi EVFTA chưa có hiệu lực. 

Đặc biệt, hàng hóa Việt Nam XK sang một số nước tăng trưởng đột biến như Séc tăng 114%, Hungary tăng 82%, Phần Lan tăng 33%, các nước nhỏ như Bungary, Ba Lan cũng tăng mạnh. Đây là thị trường rất tiềm năng mà DN Việt cần quan tâm.  

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Quân, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nhìn nhận, số liệu tăng trưởng XK Việt Nam sang EU âm nhưng nhìn vào triển vọng từng tháng sẽ thấy tháng sau đang tăng hơn tháng trước. Đây là bước "chạy đà" để DN Việt Nam tăng tốc XK vào EU. 

Điều này cũng cho thấy tiêu dùng của người dân EU đang tăng lên. Tuy nhiên, nếu quan sát sẽ thấy thương mại trực tuyến đang là hình thức được ưu tiên. Thói quen tiêu dùng thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến là cơ hội cho DN. Các nước gặp khó khăn sẽ tìm nguồn hàng cạnh tranh, việc được cắt giảm thuế khi EVFTA có hiệu lực sẽ là cơ hội cho hàng Việt Nam. Vấn đề là DN phải làm tốt công tác hậu cần, hậu mãi, logistics...

Trong khi đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, EU là khối thị trường chung nhưng mỗi thị trường thành viên lại có đặc điểm, nhu cầu, quy định nhập khẩu và sở thích tiêu dùng khác biệt, chưa kể EVFTA là yêu cầu của thị trường chung, còn mỗi khách hàng có thể có những yêu cầu riêng. Trong bối cảnh DN Việt chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, quy mô sản xuất còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn khoảng cách cần cải thiện, nên cần cách tiếp cận thị trường phù hợp.

Với các thị trường "đầu tàu" truyền thống (Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ) được coi là thị trường cửa ngõ giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU, DN cần tiếp tục khai thác dư địa, tận dụng tối đa lợi thế mà EVFTA mang lại nhằm mở rộng thị phần, phát huy lợi thế cạnh tranh của mình.

Bên cạnh các thị trường truyền thống, có nhiều thị trường ngách phù hợp với năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mặc dù kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chưa cao nhưng đang có xu hướng gia tăng và chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh, được coi là “cánh cửa” giúp hàng Việt vào sâu hơn nữa thị trường EU.

Mặt khác, EU là một thị trường có giá trị gia tăng cao nên rất nhiều nhà XK trên thế giới quan tâm. Hơn nữa, EU còn có rất nhiều đối tác FTA và những đối tác này đang cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam khi tiếp cận thị trường. Làm thế nào để nâng cao chất lượng hàng Việt sẽ là điều mà DN cần đặt lên hàng đầu. 

Lê Thúy