Bùng nổ siêu đô thị thông minh - món hời cho nhà đầu tư TQ

00:00 12/10/2020

Những dự án đô thị thông minh cũng là cách để các nước phát triển mở rộng ảnh hưởng chiến lược, với việc đổ vốn xây dựng các thành phố mới như một hình thức ngoại giao bẫy nợ.

Những khu đô thị kiểu mới mọc lên trên khắp thế giới ngày nay không ngừng vẽ ra những viễn cảnh tươi sáng và hào nhoáng về sự tân tiến về công nghệ cũng như thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, mặt trái của nó đi liền với cái giá cắt cổ và những nguy cơ tranh chấp đất đai cũng như bất bình đẳng thường trực có thể xảy ra, theo South China Morning Post.

Những đô thị bị thổi phồng

Vì đam mê và luôn mong muốn là người đầu tiên trải nghiệm công nghệ mới và hiện đại nhất, ông Kim Jong-won đã không ngần ngại đưa cả gia đình đến Songdo, Hàn Quốc, một thành phố thông minh xây dựng trên khu đất nhân tạo rộng 600 ha được nạo vét từ biển Hoàng Hải gần sân bay Incheon, Seoul.

Ở đây, rác được tự động hút qua các đường ống ngầm, những cột đèn cảm ứng luôn nhận ra mỗi khi có sự hiện diện của con người để tự thắp sáng. Các căn hộ tự động đưa thang máy xuống đón chủ nhân khi nhận biết xe đã về đến cửa.

Cảm biến trong các luồng lạch giao thông trên đường phố gửi thông báo tới điện thoại của người lái xe để thông báo khi mặt đường dày tuyết. Cư dân có thể chỉ nằm trên sofa cũng theo sát được trẻ đang chơi ngoài sân qua tivi.

Bung no sieu do thi thong minh - mon hoi cho nha dau tu TQ hinh anh 1

Công viên Trung tâm Songdo. Ảnh: Shutterstock.

Trong căn hộ của mình, Kim thích nhất màn hình cảm ứng nhỏ trên tường nhà bếp cho phép ông theo dõi mức tiêu thụ điện, nước và gas của vợ. Và quan trọng nhất là ông có thể so sánh nó với thống kê trung bình của tòa nhà.

Lướt qua giữa màn hình của biểu đồ thanh và đồ thị, Kim hớn hở khoe rằng trong ngày này, họ đã tiết kiệm năng lượng hơn tất cả những người hàng xóm. Từ cửa sổ phòng khách của ông Kim có thể nhìn ngắm trọn vẹn khu trung tâm Songdo.

Ngoài ra, trong phạm vi khu đô thị còn có một công viên trung tâm với rất nhiều cây cỏ và một hồ điều hòa, một sân golf do Jack Nicklaus thiết kế. Tuy nhiên, hệ thống loa thông báo chung của khu được lắp trên trần nhà có vẻ làm vợ của ông Kim khó chịu. Bởi cứ 8h30 mỗi buổi sáng, nó sẽ phát tin tức và các thông báo lớn nhỏ liên quan đến dân dư cả khu nhà, mà không tài nào tắt đi được.

“Hầm mỏ ngược” càng mọc cao lên càng nhiều lợi nhuận

Được khởi xướng bởi chính phủ Hàn Quốc vào cuối những năm 1990, Songdo là mô hình thành phố thông minh tiên phong đến nay đã được nhân rộng nhiều nơi trên khắp thế giới. Nó đã đạt được cấp cao nhất của Tiêu chuẩn LEED xanh trên thế giới. Tuy nhiên giao thông vẫn hoàn toàn sử dụng xe hơi, thậm chí không có một đường tàu đi đến sân bay gần đó.

Để đi vào Seoul, chỉ 30 km mà mất những một giờ rưỡi đi bằng tàu điện ngầm. Songdo có thể hiện đại hơn ở điểm nó có một Trung tâm điều hành tích hợp trên máy tính, nơi các luồng dữ liệu liên tục chảy về và được xử lý theo thời gian thực từ hàng nghìn cảm biến trên toàn thành phố.

Tuy vậy, mô hình này, về mặt vật lý, cũng không khác với bất kỳ khu đô thị nào khác. Ở đây quá đắt đỏ, biệt lập, độc quyền và thiếu riêng tư, cũng không xứng đáng với tiêu chí “tiết kiệm năng lượng” như quảng cáo.

Bung no sieu do thi thong minh - mon hoi cho nha dau tu TQ hinh anh 2

Cảng Khorgos ở biên giới Trung Quốc và Kazakhstan. Ảnh: Shutterstock).

Trên khắp thế giới có vô số thành phố thông minh kiểu mới như Songdo đang hình thành. Chúng đều hoàn toàn biệt lập, và thường được thiết kế, quản trị bởi cùng các công ty tư vấn quốc tế, trải dài đến cả Kenya hay Kazakhstan.

Ấn Độ đã cam kết sẽ xây dựng 100 thành phố thông minh, cùng với châu Phi cũng đang chứng kiến 100 tỷ USD được đổ vào ít nhất 20 dự án. Trung Quốc đã khởi xướng 500 dự án thành phố thông minh trong nội địa và đang lên kế hoạch triển khai một loạt các dự án vệ tinh ở biên giới và bên ngoài lãnh thổ.

Arab Saudi cũng đầu tư vào Neom, một siêu dự án đô thị thông minh được họ đề cao là “táo bạo nhất thế giới” và mở ra “một kỷ nguyên mới của nhân loại” với diện tích gấp 33 lần thành phố New York, tập trung sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất thế giới về năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, sản xuất, truyền thông và giải trí. Ngoài ra, còn vô số những dự án đô thị thông minh hiện đại khác đang mọc lên như nấm trên toàn thế giới.

Hiện nay, sự gia tăng dân số toàn cầu cùng ý thức việc môi trường và nguồn tài nguyên bị vắt kiệt đã tạo nên một làn sóng xây dựng những đô thị kiểu mới. Các tập đoàn tư nhân đa quốc gia tích cực thổi phồng những dự án đô thị thông minh của họ như một “cộng đồng vàng”, với các trung tâm thương mại được miễn thuế, về đều giới thiệu những tính năng sử dụng công nghệ sinh thái hiện đại tới mức không tưởng.

Dựa vào việc Liên Hợp Quốc tính toán rằng 68% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050, và thêm 2,5 tỷ người nữa tràn vào các khu vực đô thị, chủ yếu ở châu Á và châu Phi, những đô thị thông minh này mọc lên như nấm, được quảng cáo là để đón đầu làn sóng những người dân thành thị mới đến sống và làm việc.

Thực chất, những thành phố mới này không dành cho người di cư từ nông thôn lên thành thị, mà đúng hơn chỉ là công cụ để thu hút đầu tư nước ngoài và làm cho người giàu thành thị trở nên giàu có hơn.

Theo nghiên cứu từ Savills, bất động sản hiện là loại tài sản có giá trị lớn hơn tất cả các cổ phiếu, cổ phiếu và nợ được chứng khoán hóa, với tổng giá trị khoảng 228 nghìn tỷ USD - tương đương hơn 3,5 lần GDP toàn cầu, hay 40 lần giá trị của tất cả số vàng từng khai thác. Thay vì đào xuống đất để tìm vàng, thì tại sao không đầu tư vào những “hầm mỏ ngược” càng mọc cao lên càng nhiều lợi nhuận?

Một hình thức ngoại giao bẫy nợ

Những dự án đô thị thông minh này cũng là cách để các nước phát triển mở rộng ảnh hưởng chiến lược ra nước ngoài, với việc đổ vốn xây dựng các thành phố mới như một hình thức ngoại giao bẫy nợ, buộc các quốc gia chủ nhà phải chịu những gánh nặng vô cùng nặng nề. Họ quảng cáo các dự án này sẽ giải quyết các vấn đề đô thị trên thế giới, giải quyết tình trạng quá tải, tắc nghẽn và ô nhiễm nhưng trên thực tế lại gây ra nhiều tranh chấp đất đai, suy thoái môi trường và bất bình đẳng xã hội.

Bung no sieu do thi thong minh - mon hoi cho nha dau tu TQ hinh anh 3

Một công nhân đang tháo dỡ những vật liệu dùng cho hệ thống thoát nước của Forest City. Ảnh: Reuters.

Ra mắt vào năm 2014, nằm ở mũi phía nam của Malaysia, trên một loạt bốn hòn đảo nhân tạo, Forest City là một dự án đô thị liên doanh trị giá 100 tỷ USD giữa Tập đoàn Country Garden của Trung Quốc và Quốc vương Johor, dự kiến thu hút tới 700.000 cư dân vào năm 2050, tích hợp hoàn hảo giữa các yếu tố an toàn, tiện lợi, xanh và thông minh vào mọi góc của cuộc sống.

Khu đô thị được trang hoàng bằng những tòa tháp kính sang trọng, khách sạn, văn phòng, trung tâm mua sắm và một trường học quốc tế - tất cả đều được bao phủ bởi cây xanh tươi tốt và có hàng rào điện ảo bảo vệ. Các căn hộ đắt đỏ đối với hầu hết người Malaysia nhưng lại là một món hời tương đối cho các nhà đầu tư Trung Quốc.

Forest City cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển xung quanh. Đường đắp của khu đất cắt ngang qua đồng cỏ biển Tanjung Kupang, một môi trường sống của nhiều loại động vật biển quý giá, có vai trò giúp ổn định đáy biển và bảo vệ xói mòn ven bờ, đồng thời rừng ngập mặn đã bị phá đi để nhường chỗ cho các nhà máy phát triển. Ngư dân địa phương cũng không ngừng khiếu nại về việc đánh bắt giảm do khu đô thị phá hủy hệ sinh thái biển của họ.

Không có chỗ cho cư dân địa phương

Một câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra cách đó hàng nghìn dặm trên bờ biển phía tây châu Phi. Eko Atlantic, “một cơ hội đầu tư trên quy mô lớn chưa từng có” nằm trên một mảnh đất bồi phủ cát nạo vét từ Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển Lagos. Dự án thực hiện theo cơ chế đối tác công - tư giữa chính phủ và Tập đoàn Chagoury, một đế chế kinh doanh có ảnh hưởng ở Nigeria, với chuyên môn kỹ thuật được phụ trách bởi Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc - một tập đoàn nhà nước, cũng tham gia vào dự án Forest City và các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Eko Atlantic được khu biệt trong bức tường rào trên biển của riêng mình, được làm từ 100.000 khối bê tông nặng 5 tấn biến nó thành một hòn đảo tư nhân an toàn cho một số ít người, được bảo vệ khỏi thảm họa khí hậu. Đây là một đảo san hô lớn dành cho giới thượng lưu giàu có ở Nigeria, bên cạnh các khu ổ chuột thấp ven biển của người nghèo liên tục hứng chịu mưa lũ và xói mòn bờ biển ngày càng tăng lên kể từ khi xây dựng bức tường.

Nhà hoạt động môi trường Nnimmo Bassey cho rằng dự án này “trái với bất cứ điều gì người ta cần làm nếu thực sự nghiêm túc về vấn đề biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên”. Như thể để củng cố hình ảnh Tổng thống Donald Trump như chính khách đi đầu trong việc “làm ngơ” vấn đề khí hậu, Đại sứ quán Mỹ tại địa phương mới đây tuyên bố sẽ chuyển vào một khu phức hợp 5 ha an toàn trong Eko.

Bung no sieu do thi thong minh - mon hoi cho nha dau tu TQ hinh anh 4

Công nhân xây dựng làm việc tại tòa nhà Eko Pearl Tower ở khu đô thị Eko Atlantic gần Đảo Victoria ở Lagos, Nigeria. Ảnh: Bloomberg.

Eko Atlantic trên bờ biển Lagos đã tạo nên “cơn sốt” đô thị thông minh ở châu Phi với một loạt các dự án tương tự được các quốc gia khác trong châu lục khởi xướng, bao gồm Hope City của Ghana, Kigamboni New City ở Dar es Salaam của Tanzania, Tatu City ở Nairobi của Kenya, Vision City ở Kigali của Rwanda, and dự án Diamniadio Lake City trị giá 2 tỷ USD của Senegal.

Tất cả đều sử dụng khuôn mẫu tương tự những khu đô thị sẵn có với lời mời chào về công nghệ tiên tiến, không gian xanh nhưng tuyệt đối không cân nhắc tới dân cư trong nước hiện tại.

Như Rachel Keeton và Michelle Provoost của Viện Đô thị mới quốc tế đã viết trong cuốn sách mới của họ, To Build a City in Africa (Xây dựng đô thị ở châu Phi): “Những đô thị mới đang trở thành những hòn đảo biệt lập với dịch vụ chất lượng cao, trong khi nhiều thành phố trên khắp châu Phi hiện tại vẫn thiếu điện, thiếu nước sạch và các dịch vụ công cộng hoạt động kém hiệu quả. Do khó tiếp cận các các khoản thế chấp và các mô hình tài chính gia đình mới, tầng lớp trung lưu thực sự ở châu Phi không đủ khả năng sống ở những khu đô thị mới này".

Mặc dù bằng chứng về sự kém hiệu quả và bất hợp lý, không xứng đáng với những quảng cáo ban đầu từ những dự án đô thị thông minh đều rõ ràng nhưng xu hướng đổ tiền vào những dự án kiểu này không hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Xây dựng thành phố thông minh và vô số các dịch vụ quy hoạch, kỹ thuật đi kèm với nó, là một ngành công nghiệp đang bùng nổ, và các tập đoàn vẫn liên tục “tái chế” ý tưởng này bất kể bối cảnh địa phương.

Khánh Linh