'Bóng ma' suy thoái kinh tế toàn cầu dần hiển hiện

00:00 12/10/2020

Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 xuống 1,25% viện dẫn đến tình trạng đại dịch COVID-19 lây lan mạnh tại châu Âu và Mỹ.

 Ảnh minh họa, Nguồn: Internet

Kinh tế toàn cầu đang bước vào suy thoái trong năm nay khi mà đại dịch COVID-19 lây lan ra bên ngoài châu Á, theo cảnh báo của các chuyên gia phố Wall.

Goldman Sachs, Morgan Stanley và S&P Global đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức suy thoái, khi mà ngày một nhiều các nước phương Tây đóng cửa trong những ngày gần đây.

Nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Morgan Stanley dẫn đầu bởi ông Chetan Ahya nhận định: “Chúng tôi dự báo kinh tế toàn cầu suy thoái”. Ngân hàng Đầu tư này dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm 2020, giảm hơn đáng kể so với dự báo đưa ra cách đây 1 tuần trước. 

Trong nghiên cứu của mình, các chuyên gia kinh tế viết: “Lần suy thoái này sẽ còn tồi tệ hơn đợt suy thoái toàn cầu của năm 2001. Nếu dịch lan sang quý 3/2020, chúng ta sẽ có thể chứng kiến suy thoái tồi tệ hơn”.

Mới đây, Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 xuống 1,25% viện dẫn đến tình trạng đại dịch COVID-19 lây lan mạnh tại châu Âu và Mỹ cũng như số liệu kinh tế Trung Quốc tháng 1 và tháng 2/2020 gây thất vọng. 

Tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu S&P Global đưa ra cảnh báo tương tự trong ngày thứ Ba, S&P Global dự báo về khả năng suy thoái toàn cầu trong năm nay, GDP tăng trưởng chỉ 1% đến 1,5% và còn tồn tại nhiều rủi ro suy giảm.

Thị trường chứng khoán Mỹ lại rơi tự do, giá dầu tụt xuống đáy

Trong phiên giao dịch ngày 18/3, giá cổ phiếu tại Phố Wall tiếp tục lao dốc không phanh bất chấp việc Chính phủ Mỹ xem xét gói cứu trợ kinh tế 1.000 tỷ USD. Giá dầu cũng giảm mạnh.

Theo CNBC, chỉ số Dow Jones bay hơi tới hơn 6,5%, tương đương 1.400 điểm do giới đầu tư lo ngại về tác động của dịch virus corona chủng mới đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt sụt 6,1% và 5%. 

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đang xem xét gói cứu trợ có quy mô từ 850 tỷ USD đến hơn 1.000 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế trước sức ép của dịch bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). 

Theo kế hoạch này, chính quyền Washington sẽ hỗ trợ cho mỗi người Mỹ trưởng thành 1.000 USD. Tuy nhiên, thông tin này không thể trấn an các nhà đầu tư.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng vọt lên 20% nếu Quốc hội không sớm thông qua gói kích thích 1.000 tỷ USD. Một số chuyên gia tài chính dự báo có tới 90% khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. 

Trên thị trường, giá dầu thô Mỹ cũng lao dốc tới 15,5% xuống 22,73 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 18 năm qua do cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga vẫn tiếp diễn. Giá dầu hiện rẻ hơn thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Singapore đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế

Singapore đang đối mặt với nguy cơ lần đầu tiên rơi vào suy thoái kinh tế trong gần 2 thập kỷ qua do tác động của lệnh cấm đi lại ở Malaysia, khiến "đảo quốc Sư tử" mất đi nguồn cung lao động chủ lực, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 buộc ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách.

Nhà kinh tế Khoon Goh tại ngân hàng ANZ cảnh báo: "Các điều kiện tài chính đã bị thắt chặt đáng kể trong những tuần gần đây và biện pháp kìm hãm đang được các nước áp dụng để khống chế dịch COVID-19 bùng phát đồng nghĩa Singapore sẽ không tránh khỏi suy thoái".

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Prakash Sakpal cho rằng việc Chính phủ Malaysia cấm công dân đi ra nước ngoài đến ngày 31/3 sẽ là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực dịch vụ cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Singapore vốn đang phụ thuộc vào lực lượng lao động từ Malaysia. Các doanh nghiệp Singapore hiện thuê khoảng 300.000 lao động người Malaysia.

Singapore lâu nay vẫn được biết đến là quốc gia luôn có những biện pháp ứng phó hiệu quả mỗi khi dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở nhiều nước trên thế giới, nền kinh tế này đang hứng chịu thêm nhiều sức ép và bắt đầu có những dấu hiệu rơi vào suy thoái trong năm 2020, buộc chính phủ phải hạ các mức dự báo tăng trưởng.

Chính phủ Singapore cũng dự định công bố gói kích thích kinh tế thứ 2 trong vòng 2 tháng qua nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng gói kích thích mới này sẽ hiệu quả hơn so với biện pháp tiền tệ trong kỳ hạn vừa qua.

Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế Singapore, chỉ riêng trong ngày 17/3, nước này đã ghi nhận thêm 23 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm cao nhất trong một ngày tại Singapore, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 266 người.

Tuy nhiên, so với nhiều nước khác, tốc độ lây lan của dịch COVID-19 tại quốc đảo này vẫn ở mức tương đối thấp.

An Bình (tổng hợp)