Bốn giải pháp giám sát tài chính với doanh nghiệp nhà nước

00:00 12/10/2020

Bộ Tài chính vừa công bố số liệu liên quan đến tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 đạt 1.559.097 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2017. Cùng đó lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp nhà nước đạt 165.752 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện 2017.

Công tác giám sát tài chính cần được làm ngay từ khi lập kế hoạch sản xuất kinh doanh

Tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước là 2.937.871 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2017. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 39% tổng tài sản. Trong đó khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con có tổng tài sản là 2.690.431 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản; các công ty TNHH một thành viên độc lập còn lại chiếm 8% tổng tài sản.

Có thể thấy các chỉ tiêu về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của các doanh nghiệp nhà nước đều có xu hướng tăng lên so với năm 2017. “Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đều đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung nguồn lực tài chính tái đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, tăng thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động”, đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận.

Tuy nhiên trong số 855 doanh nghiệp nhà nước, có 110 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bị lỗ, chiếm tỷ lệ 13%.

Để công tác giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước đạt hiệu quả, Bộ Tài chính đã đề xuất bốn nhóm kiến nghị với cơ quan đại diện chủ sở hữu. Thứ nhất tập trung vào công tác giám sát trước, giám sát ngay từ khi lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, lập dự án đầu tư, huy động vốn, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Thứ hai, thực hiện giao kế hoạch sản xuất kinh doanh phải bám sát tình hình thực tế doanh nghiệp có tính đến biến động chung của thị trường, tránh giao chỉ tiêu quá thấp, dễ đạt được, ảnh hưởng đến chất lượng công tác xếp loại doanh nghiệp

Thứ ba, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính. Tận dụng các kết quả, kiến nghị của các cơ quan kiểm toán, thanh tra và thuế trong việc giám sát, cảnh báo đối với doanh nghiệp.

Thứ tư, nghiêm túc thực hiện quy định về xử lý vi phạm đối với người quản lý doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định về giám sát tài chính.

Quang Lộc