Báo động văn hóa ứng xử cộng đồng xuống cấp: Ý thức kém hay chế tài yếu?

00:00 12/10/2020

“Văn hóa ứng xử nơi công cộng hiện nay đang xuống dốc một cách trầm trọng. Để xảy ra điều này là do cái tôi cá nhân của mỗi người đang đặt trên cộng đồng, do chế tài xử phạt còn đang hạn chế”, PGS. Phạm Ngọc Trung nhận định.

 

Thời gian gần đây, hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng ngày càng xuất hiện nhiều. Từ thượng úy công an đánh nhân viên bán hàng khi chưa vừa ý cho đến gây rối trong bệnh viện, sàm sỡ phụ nữ trẻ em…khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Tuy nhiên, chế tài xử phạt những hành vi này không có tính răn đe và có thể tạo tiền đề xấu. Vậy, câu chuyện ứng xử văn hóa cộng đồng ngày càng xuống cấp là do cái tôi cá nhân của một người đang quá cao hay chế tài chưa đủ mạnh răn đe?

Từ đây, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát Triển Học viện Báo chí - Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí Tuyên truyền) xoay quanh vấn đề này.

PGS có thể so sánh văn hóa ứng xử cộng đồng trước đây và thời nay có gì khác nhau?

Văn hóa Việt Nam trước đây là văn hóa làng xã của một cộng đồng nông nghiệp. Vậy nên, tính cố kết động đồng, trật tự kỉ cương trong một tập thể làng xã là rất cao và duy trì chặt chẽ. Khi cá nhân xảy ra bất kỳ vi phạm nào sẽ bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc cao nhất là bị cộng đồng tẩy chay, bài xích (đuổi ra khỏi làng – PV). Thế cho nên người dân trước kia rất sợ bị cộng đồng trừng phạt, sợ bị loại khỏi cộng đồng.

Còn ngày nay, thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tính chất cộng đồng đã không được đề cao. Họ coi thường những nguyên tắc vốn có trước đây để đề cao tính cá nhân. Họ chỉ nghĩ đến sự thỏa mái, tiện ích của bản thân mà có những hành vi không chuẩn mực. Không ít người đã để cá nhân đặt ngoài cộng đồng, có khi còn trên cả cộng đồng.

Hành vi của thượng úy đánh người ở Thái Nguyên và đại úy gây náo loạn sân bay là một minh chứng khá rõ. Hay như trên tàu, trên xe,..chỉ cần những hành động nhỏ những sơ suất thôi cũng dẫn đến những hành xử mang tính chất bạo lực, vô văn hóa, gọi là xúc phạm người khác, vi phạm pháp luật.

Văn hoá - Báo động văn hóa ứng xử cộng đồng xuống cấp: Ý thức kém hay chế tài yếu?

Hành vi lệch chuẩn của thượng úy công an ngay tại trạm dừng chân.

Nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ những hành vi lệch chuẩn như hiện nay là gì thưa PGS?

Thứ nhất, từ khi tốc độ kinh tế phát triển một cách nhanh chóng đã dẫn đến sự du nhập của những lối sống mới, xuất hiện những con người có tính cách mới khiến cho xã hội dường như “đa nhân cách”. Đây cũng là một nguyên nhân khiến chúng ta khá lo lắng.

Thứ hai, do con người hiện nay không học được chữa nhẫn. Cho nên văn hóa thời xưa các cụ có câu “muốn thành công trong cuộc sống thì phải học chữ nhẫn. Bởi vì mọi thứ trong cuộc đời, ngay trong gia đình không đúng ý mình chứ không nói ngoài xã hội, chúng ta thấy không thỏa mái, không toại nguyện sẽ bùng phát quá mức, khi ấy lại sinh ra những va chạm bất  ổn và không hề tốt đến bản thân.

Thứ 3 do lỗ hổng về luật còn quá lớn khiến cho không ít người khi bị cư xử thiếu văn hóa nơi công cộng khiến họ e ngại. Hơn nữa, cách giải quyết của chúng ta tương đối mang tính chất hời hợt và không có thực tế.

Nói như PGS thì chế tài xử phạt của chúng ta vẫn còn yếu, chưa đủ sức răn đe?

Thật ra tất cả những ngành nghề hay môi trường nào đó đều có những quy định, quy chuẩn riêng nhưng con người có chấp hành hay không thôi. Nhiều người khi bị xúc phạm trước cộng đồng nhưng họ đều tự xử lý và giải quyết với nhau. Nếu những hành vi lệch chuẩn đó mà làm chặt thì rất khó. Bởi, ai đứng ra làm và sẽ làm đến đâu? Cho nên tại sao chúng ta thấy văn hóa cộng đồng đang có lỗ hổng lớn nhưng không ai dám can thiệp.

Vì vậy, đối với hành vi thiếu văn hóa nơi cộng đồng, chúng ta cần tăng các mức xử phạt, chế tài để xử phạt và hơn hết phải nâng cao ý thức tự giác của mỗi người. Như vậy mới đủ sức để làm bài học cho những người luôn đặt cái tôi của mình lên trên hết.

Điều nữa, tôi cho rằng việc thiết chặt trật tự kỉ cương là việc cần thiết, không chỉ những cơ sở nơi có người vi phạm, có hành vi lệch chuẩn mà ngay cả người dân cũng phải tham gia vào quá trình xây dựng văn hóa cộng đồng và kiểm soát văn hóa cộng đồng đó.

Văn hoá - Báo động văn hóa ứng xử cộng đồng xuống cấp: Ý thức kém hay chế tài yếu? (Hình 2).

PGS.TS Phạm Ngọc Trung.

Nhận xét của PGS như thế nào khi thời gian gần đây một số người có học thức nhưng lại có văn hóa ứng xử cộng đồng rất kém, thậm chí thiếu chuẩn mực?

Một xã hội muốn phát triển tốt đẹp thì theo tôi dân chúng phải hiểu biết và chấp hành. Mặc dù riêng khối công chức, viên chức là lực lượng cốt lõi, nòng cốt trong việc xây dựng trật tự xã hội và xây dựng đời sống văn hóa nhưng mà chúng ta thấy rằng ngay cả những lực lượng này cũng có những điểm yếu.

Hiện nay vẫn còn những cá nhân chưa được bồi dưỡng và rèn luyện tốt, vẫn nóng nảy, bức xúc, xử lý không thông minh trong một số vụ việc, trước bàn dân thiên hạ khiến cho “một con sâu làm rầu nồi canh”. Với những người này, cần được xử lý nghiêm khắc để vừa mang tính giáo dục vừa răn đe.

Trước sự xuống cấp đáng báo động này thì cơ quan quản lý cần có những biện pháp gì để văn hóa ứng xử cộng đồng tốt đẹp lên?

Tôi nghĩ việc tuyên truyền về văn hóa ứng xử cộng đồng chúng ta cần làm giống như tuyên truyền ma túy. Bởi, đây là một khía cạnh đang tác động xấu đến xã hội. Ma túy hiện nay chúng ta đã đẩy lùi được rất nhiều. Vậy, văn hóa ứng xử cũng cần đẩy mạnh và quyết liệt như vậy. Cần đem ra bàn luận trong những buổi họp xã, phường, thị trấn…cần có những băng rôn, khẩu hiệu về việc ứng xử giữa người với người.

Chương trình giáo dục từ hệ thống vỡ lòng không chỉ dạy về việc kính thầy yêu bạn mà chúng ta phải mở rộng đạo đức của học sinh. Dạy các em không chỉ có thầy với bạn mình mà còn quan tâm đến cả cộng đồng, tôn trọng những người xung quanh.

Việc giáo dục này là cả một quá trình lâu dài cho nhiều cấp, từ em nhỏ cho đến người lớn để mọi người có thể chấp hành tốt, thực hiện tốt. Khi ấy, những mâu thuẫn trong cộng đồng sẽ giảm đi, bạo lực giảm đi và văn hóa cộng đồng được xây dựng.

Cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!

Mai Thu - Hà My

DMCA.com Protection Status