Áp lực bủa vây ngành hàng F&B

00:00 12/10/2020

Đóng cửa, trả mặt bằng do kinh doanh ế ẩm giữa mùa dịch Covid-19, lại nặng gánh chi phí, cũng như xu hướng người tiêu dùng thay đổi là những áp lực lớn với ngành dịch vụ nhà hàng, ăn uống (F&B). Để tồn tại đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng này cần thích ứng tốt.

Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, ông Mai Trường Giang, chủ của 2 thương hiệu thuộc ngành hàng F&B là Otoke Chicken và Chewy Junior Việt Nam (chủ yếu tại Tp.HCM), cho biết vừa quyết định đóng bớt nhà hàng bị lỗ không cứu được.

Tình trạng “bất khả kháng”

Theo vị chủ doanh nghiệp (DN) này, dịch Covid-19 trở thành “bất khả kháng” khiến việc kinh doanh lâm vào tình trạng thua lỗ - đóng cửa thì có thể thương lượng thêm với chủ nhà để kết thúc hợp đồng trước hạn...

HINH-lang-kinh-12-3-9927-1584021681.jpg

Xu hướng tiêu dùng giữa mùa dịch Covid-19 đang thay đổi, đòi hỏi DN F&B thích ứng

Ghi nhận của PV tại một số tuyến phố đắc địa ở khu vực trung tâm của Tp.HCM hiện nay cho thấy, tình hình đóng cửa, trả mặt bằng của các chuỗi nhà hàng, quán ăn, chuỗi trà sữa, cà phê vẫn đang tiếp diễn.

Theo số liệu cung cấp của một số nhà hàng lớn trên địa bàn Tp.HCM, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng khách giảm từ 30-50%, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí giảm đến 79-80%, kể cả các quán ăn nhỏ. Số lượng nhân viên, người lao động trong hệ thống các nhà hàng ăn uống có dấu hiệu giảm nhanh, phần lớn là nghỉ việc và nghỉ việc không hưởng lương.

Còn ở Hà Nội, thông tin cho thấy chuỗi F&B có tiềm lực mạnh như Golden Gate cũng đã quyết định đóng cửa một số địa điểm kinh doanh. 

Nhiều ý kiến cho rằng nhiều chuỗi F&B ở Việt Nam đang có dấu hiệu xuống sức khi mà lượng khách giảm mạnh do dịch bệnh, trong khi chi phí mặt bằng vẫn quá cao. 

Trước tình hình này, ông Mai Trường Giang có đề xuất trên trang cá nhân là tạo nhóm để các doanh chủ chia sẻ những khó khăn trong vấn đề sang nhượng mặt bằng, thanh lý tài sản, chia sẻ nhân sự, bí quyết vượt bão..., hay những ý kiến đóng góp cho Chính phủ để hành động hỗ trợ doanh chủ nhanh chóng hơn...

Tình cảnh hiện nay của ngành F&B khiến nhiều người liên tưởng lại chuyện nợ nần, đóng cửa của chuỗi nhà hàng Món Huế hồi tháng 10 năm ngoái. Từ đó để thấy mặt khắc nghiệt của lĩnh vực này tại Việt Nam trong bối cảnh đầy bất trắc từ dịch bệnh cho đến áp lực cạnh tranh gay gắt, cũng như xu hướng người tiêu dùng đang có nhiều thay đổi.

Nhìn vào sự thăng trầm của ngành hàng F&B hiện nay ở Việt Nam, có thể thấy có những liên quan chặt chẽ đến ngành bán lẻ. Và việc nắm bắt những xu hướng đang thay đổi trong ngành hàng bán lẻ là điều mà các DN F&B cần nắm bắt trong giai đoạn khó khăn này.

Theo JLL Việt Nam, ngoài yếu tố tiên quyết là lựa chọn được vị trí có mật độ dân số và sức mua tốt, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, cũng như sự cạnh tranh từ thương mại điện tử, đã khiến việc phát triển được một mô hình bán lẻ phù hợp với thị trường mục tiêu trở thành yếu tố quyết định sự thành bại của một thương hiệu. 

Dồn lực để thích ứng

Việc một loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ trong ngành hàng F&B phải đóng cửa với lý do bất khả kháng là dịch Covid-19 có thể thấy còn do xu hướng người tiêu dùng đang có nhiều thay đổi.

Như nhận định từ một số tổ chức nghiên cứu thị trường Việt Nam, xu hướng của ngành F&B là ăn uống tại nhà. Người tiêu dùng muốn dành thời gian ở nhà vì đảm bảo an toàn ngừa dịch bệnh, truyền thông trực tuyến, làm việc tại nhà…

Và các nhà hàng, quán ăn, chuỗi cà phê, trà sữa cần nhận thấy việc giao hàng tận nơi là động lực tăng trưởng cho DN của mình. Đây là vấn đề quan trọng trong bối cảnh lượng khách đến địa điểm ăn uống sụt giảm.

Bên cạnh đó, xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) cũng có thể liên quan đến lượng khách hàng của một số DN trong ngành hàng F&B. Đó có thể là một số DN mới nổi thường sẽ chiếm bớt thị phần và không gian cửa hàng khỏi tay các công ty lớn nhờ vào xu hướng tiêu dùng đặc sản và có lợi cho sức khoẻ.

Thực tế cho thấy lượng khách đến các chuỗi thương hiệu F&B đang chịu ảnh hưởng do cạnh tranh gia tăng từ những cửa hàng F&B riêng lẻ và từ các cửa hàng tiện lợi có cung cấp đồ ăn liền.

Trước tình hình khó khăn chung như hiện nay, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân lưu ý các DN cần “lùi một bước để xây dựng nền tảng, lùi một bước để có thể tiến 3 bước sau mùa dịch”.

Theo bà Vân, đây là thời gian tốt nhất để DN quay về chấn chỉnh, xây dựng, hoàn thiện những nền tảng mà trước giờ chưa làm.

Đặc biệt là cần thay đổi hoặc điều chỉnh hồ sơ sản phẩm. Khi sản phẩm, dịch vụ on-premise (tại chi nhánh) gặp khó khăn do người tiêu dùng không đi mua sắm, sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại chỗ, thì cần ideate - nghĩ ra các sản phẩm, dịch vụ có thể phục vụ tận nhà. 

“Thay đổi này không quá lớn, chỉ cần đặt câu hỏi có thể làm gì để chuyển đổi sản phẩm từ on-prem - tại chỗ sang in-home - tại nhà?”, chuyên gia Nguyễn Phi Vân lưu ý.

Hoặc như việc thay đổi kênh bán hàng sang online (trực tuyến). Rất nhiều DN vừa và nhỏ trong ngành hàng F&B trước giờ phần lớn doanh thu đến từ offline (ngoại tuyến) trong khi doanh thu online có tỷ trọng thấp hoặc chưa có kiến thức triển khai. 

Trong khi đó, từ tác động của dịch Covid-19 cho đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt đang dần thay đổi, thì cách bán hàng của DN F&B cũng phải đổi theo, nhanh chóng, dồn lực đẩy mạnh các kênh online để có doanh thu, “sống sót” trong thời gian tới.

Thế Vinh