Xúc tiến thương mại: Cầu nối đưa sản phẩm OCOP vươn xa

00:00 12/10/2020

Thời gian qua, các sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Một trong những giải pháp quan trọng đóng góp vào thành công chung là hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và mở rộng thị trường...

xuc tienthuong mai cau noi dua san pham ocop vuon xa
Sản phẩm OCOP được tin dùng

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thực hiện Chương trình OCOP trên phạm vi cả nước (giai đoạn 2018 - 2020), với trọng tâm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Chương trình do các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể thực hiện, qua đó góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.

Sau 2 năm thực hiện, đã xác định được 6.010 doanh nghiệp hợp tác xã, hộ gia đình... tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế của địa phương thuộc 6 nhóm sản phẩm.

Các sản phẩm này tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc; nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn và làng bản văn hóa gắn liền với du lịch. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thế mạnh.

Bà Lê Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho biết, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho 12 tỉnh xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vào các hệ thống bán lẻ. Thông qua hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm OCOP đã ký kết tiêu thụ với các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài như Big C, Aeon...

Cùng với Chương trình OCOP, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" góp phần phát triển thị trường trong nước; thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt; tạo liên kết chặt chẽ từ người sản xuất đến người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước... giúp địa phương đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng.

Là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động kết nối, đưa sản phẩm nông sản nói chung và OCOP nói riêng vào phân phối tại đơn vị mình, ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long - cho biết, hiện trên các kệ của siêu thị Big C có 50 sản phẩm OCOP được bày bán. Người tiêu dùng đánh giá cao tính truyền thống và rất thích lựa chọn các sản phẩm OCOP; nhiều sản phẩm đạt doanh số cao như mỳ chũ Bắc Giang; giò me xứ Nghệ; nước mắm Cái Rồng Quảng Ninh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu của chương trình đến năm 2020 sẽ có 3.800 sản phẩm OCOP nhưng đến nay mới chỉ có trên 700 sản phẩm được công nhận. Số lượng sản phẩm không nhiều nên việc xây dựng thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP là đặc sản vùng miền quy mô nhỏ, sản lượng phụ thuộc vào thời tiết như quýt Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) nên chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Do đó, việc tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm trong Chương trình OCOP là yêu cầu cấp thiết và vô cùng quan trọng.

Theo ông Khúc Tiến Hà, khó khăn ở chỗ các sản phẩm OCOP thường xuyên thiếu hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm; sản lượng không ổn định, thường xuyên bị "đứt" nguồn cung; nhiều nhà cung cấp không đủ năng lực vận chuyển đến các kho trung chuyển hàng hóa của hệ thống phân phối hiện đại như Big C...

Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ OCOP đều có khả năng, dư địa phát triển... Cùng với sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, để mở rộng thị trường tiêu thụ, đòi hỏi doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư, tổ chức sản xuất một cách bài bản, đồng bộ, đáp ứng về chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng; chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.

Các địa phương tham gia chương trình OCOP cần khuyến khích HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, điều hành theo chuỗi liên kết giá trị. Các sản phẩm OCOP phải đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt, các địa phương ngoài việc xây dựng được sản phẩm mang thương hiệu cấp quốc gia, cấp tỉnh, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng mối liên kết vùng miền và doanh nghiệp bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn, phát triển làng nghề; tổ chức các hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn cả nước.

Thanh Hà