Xuất nhập khẩu Việt Nam – Brunei: Chưa tương xứng với tiềm năng

06:18 27/06/2023

Là quốc gia đứng thứ 26 trên tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Brunei và Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp song kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa hai nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

Ảnh minh họa
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Brunei Dato Erywan Pehin Yusof ký và trao đổi Biên bản thỏa thuận nhân Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban hỗn hợp hợp tác song phương Việt Nam-Brunei tổ chức tại Brunei ngày 10/10/2022 — Ảnh từ Bộ Ngoại giao

Việt Nam và Brunei Darussalam (gọi tắt là Brunei) thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992 và hai nước đã nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Quốc vương Brunei Darussalam tới Việt Nam vào tháng 3/2019. Theo nhận định của các chuyên gia thương mại, tính đến tháng 12/2022, Brunei đứng thứ 26/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 157 dự án có hiệu lực, tổng số vốn đăng ký 971 triệu USD. Brunei và Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp song do đặc tính của Brunei là thị trường nhỏ nên đến thời điểm này, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Brunei còn tương đối khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo thông tin từ phía Bộ Ngoại giao, chiều ngày 9/6, Đại sứ Việt Nam tại Brunei Darussalam Trần Anh Vũ đã tiếp và làm việc với ông Dainel Leong, Quyền Giám đốc điều hành Hội đồng Phát triển Kinh tế Brunei (BEDB) kiêm Quyền chủ tịch Cơ quan phát triển doanh nghiệp Darussalam (DARe) thuộc Bộ Tài chính và kinh tế Brunei. Tại cuộc gặp, hai bên đánh giá cao các bước phát triển mới trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Brunei thời gian qua, đặc biệt là những kết quả quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Brunei của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 2/2023. Hai bên nhất trí cần tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến kết nối giữa các cơ quan và doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa các cơ hội hợp tác đang mở ra, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, thương mại, đầu tư, thực phẩm Halal và du lịch…

Đặc điểm thị trường Brunei

Với nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt phong phú, dầu hoả và khí đốt chiếm 80% tổng thu nhập trong nước và 90% thu nhập về xuất khẩu của Brunei nhưng chỉ sử dụng 3% lực lượng lao động. Brunei là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba ở Đông Nam Á, sau Indonesia và Malaysia. Brunei còn là nước sản xuất khí đốt hóa lỏng lớn thứ tư thế giới.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Brunei gồm dầu, khí đốt, sản phẩm chưng cất từ dầu; hóa chất hữu cơ; máy móc, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi; máy móc y tế; thiết bị điện, điện tử; thủy hải sản. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Brunei bao gồm máy móc, lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi; các sản phẩm từ sắt thép; thiết bị điện, điện tử; nhiên liệu, dầu, sản phẩm chưng cất từ dầu mỏ; phương tiện giao thông, xe điện; sắt và thép; máy móc y tế và các thiết bị quang học, kỹ thuật; dược phẩm; đá, thạch cao, xi măng, amiăng, mica; thực phẩm (ngũ cốc, bột mì, tinh bột, sữa…)… Việt Nam xuất sang Brunei chủ yếu là hàng sắt thép, thủy sản và gạo, nhập khẩu từ Brunei chủ yếu là dầu thô và hóa chất.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Brunei và tiềm năng cho Việt Nam

Ông Trần Anh Vũ, Đại sứ Việt Nam tại Brunei Darussalam chia sẻ: Về hợp tác kinh tế - thương mại, Brunei tuy không phải là thị trường đông dân nhưng có nhu cầu nhập khẩu lớn, người dân có mức sống khá cao. Bởi thế, đây là một tiềm năng lớn để tiếp tục thúc đẩy giao thương, nhất là xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Halal của ta sang bạn. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 720 triệu USD, vượt mục tiêu 500 triệu USD trước kỳ hạn 2025 đặt ra trước đó. Cho đến nay, hợp tác thương mại giữa hai bên mới chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như năng lượng, hóa chất và vẫn còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng, nâng cao hơn nữa kim ngạch và giá trị sang các lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam và Brunei đồng thời là thành viên của nhiều Hiệp định Thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định Thương mại tự do thuộc khối ASEAN khác cho phép doanh nghiệp của cả hai nước có nhiều lựa chọn về ưu đãi thuế trong xuất nhập khẩu. Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam sang các thị trường trong khu vực nói chung và Brunei nói riêng. Hơn nữa, Brunei là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm tiêu dùng, nông sản và thực phẩm của Việt Nam bởi Brunei không tự sản xuất được các sản phẩm trong nước trong khi Việt Nam có lợi thế về sản phẩm cà phê, gạo, sản phẩm chế biến, thủy hải sản, gia vị, đậu hạt, rau củ quả...

vợ chồng Maziznabel Md Faderin Lee và Maisarah Nguyen, họ đang xây dựng nhà hàng Việt Nam Phở Ngon
Vợ chồng anh Maziznabel Md Faderin Lee và chị Maisarah Nguyen xây dựng nhà hàng Việt Nam Phở Ngon tại Brunei

Doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý những gì khi thâm nhập thị trường Brunei

Brunei là quốc gia Hồi giáo: Nên các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến đều phải tuân thủ theo các quy định Halal. Ngoài ra người theo đạo Hồi không ăn thịt lợn.

Cần chủ động tiếp cận thị trường và đối tác, đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược kinh doanh lâu dài: Về thương mại, là nước phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa nên từ lâu Brunei đã thiết lập được các mạng lưới cung cấp tin cậy từ các bạn hàng truyền thống, bởi vậy việc thâm nhập thị trường của Việt Nam sẽ tương đối khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tích cực tiếp cận thị trường Brunei và đối tác; đầu tư thời gian và công sức xây dựng mối quan hệ và tiếp thị sản phẩm tại đây.

Hạ Vũ