Xuất nhập khẩu nói chung trì trệ vì lý do khách quan đầu năm 2022

11:39 22/01/2022

Với lý do giá cước container tăng cao do ảnh hưởng bởi Đại dịch và rất nhiều lý cả khách quan lẫn chủ quan, xuất nhập khẩu Việt nói chung đang trì trệ trong đầu 2022.

Cảng biển tại Hoa Kỳ

Cảng biển tại Hoa Kỳ. (Ảnh: gCaptain)

Cụ thể, hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển hồi cuối năm 2021 đã đưa ra cảnh báo việc tăng cước container đường biển có thể khiến giá nhập khẩu toàn cầu tăng 11% và giá tiêu dùng tăng 1,5% từ nay đến năm 2023. Đây sẽ tiếp tục là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam. Hiện trạng dễ nhận thấy là nhiều doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng xuất khẩu bởi giá nguyên liệu và cước thuê container tăng khủng khiếp. Giới chuyên môn nhận định rằng trước khi dịch Covid-19 bùng phát, cước thuê container xuất hàng đi Mỹ chỉ dưới 2.000 USD/chiếc, nay lên tới 10.000-15.000 USD/container. Cụ thể, 1 ý kiến trong ngành cho rằng cước tàu đi Hoa Kỳ hiện ở mức 22.000-24.000 USD/container, đi châu Âu khoảng 12.000-14.000 USD/container.

Chưa hết, nếu như trước đây đặt trước 1-2 ngày là có container đến nhận hàng thì nay mất đến 3 tháng để đặt chỗ và vận chuyển tới nước bạn. Trong khi đó, hạn sử dụng của hàng lương thực, thực phẩm chế biến chỉ khoảng 6 tháng nên doanh nghiệp xuất khẩu lẫn đối tác phân phối ở nước ngoài rơi vào thế bị động do thời hạn sử dụng sản phẩm bị rút ngắn và giá bị đội lên cao. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lương thực, thực phẩm gặp khó khăn bởi khó đàm phán tăng giá bán do hầu hết đơn hàng đã ký từ trước. Mặt khác, doanh nghiệp Việt phải nỗ lực giữ giá để duy trì tính cạnh tranh, giữ khách hàng và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp gần đây than phiền về việc container lạnh ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các mặt hàng cần bảo quản. Lý do là đặc thù trong ngành trên mỗi tàu chỉ có số lượng ổ cắm điện nhất định nên sức chứa container lạnh chỉ khoảng 20%.

Thêm vào đó, hiện nhu cầu nhập hàng tươi từ nước ngoài về thấp, trong khi nhu cầu xuất khẩu cao nên không có sẵn container lạnh để sử dụng. Các hãng tàu phải vận chuyển vỏ container lạnh từ nơi khác về với phí khoảng 3.000-4.000 USD/container. Mặt khác, do cước container lạnh trên thế giới hiện rất cao nên có nhiều nước "hút" hết container lạnh nhờ mức giá hấp dẫn hơn thị trường Việt Nam. Cuối cùng, các doanh nghiệp Việt Nam thường khó ngồi lại với nhau thậm chí còn cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho nhau và nhất là gây thiệt hại cho nông dân nên không tận dụng được sức mạnh tập thế.

Lan Hương