Xuất khẩu thêm một lần phá kỷ lục

16:02 28/12/2021

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát dữ dội đã “chặt đứt” chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, nhiều chuyên gia và các cơ quan chuyên môn tỏ rõ sự “sốt ruột” cho mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Tuy nhiên, những lo lắng đó đã được thay bằng cảm xúc vỡ òa khi kết thúc năm 2021, xuất khẩu lại thêm một lần làm nên kỳ tích.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: Internet)

Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đến hết ngày 15/12/2021 đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, không những xuất khẩu đã “xô đổ” kỷ lục 282,65 tỷ USD của cả năm 2020, mà còn đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Đánh giá cao kết quả xuất khẩu thời gian qua, một số chuyên gia nhấn mạnh, đây là thành tựu rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam bởi năm vừa qua, cả nước đã chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Đặc biệt, thời điểm dịch bùng phát lần thứ tư đã tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả hai miền Nam - Bắc.

Một yếu tố quan trọng đóng góp tích cực cho thành tích xuất, nhập khẩu năm 2021 đó là động lực đến từ các Hiệp định thương mại (FTA) được các doanh nghiệp Việt Nam vận dụng hiệu quả, chủ động và linh hoạt hơn trong khai thác cơ hội để phát triển thị trường xuất khẩu.

Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, đánh giá về triển vọng thương mại châu Á trong năm 2022-2023 và khuyến nghị với doanh nghiệp Việt Nam, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, chỉ ra rằng, trong năm thứ hai của đại dịch Covid-19, triển vọng phục hồi thương mại toàn cầu khá tích cực và nhanh hơn so với dự báo trước đó.

Theo đó, năm 2022 sẽ là năm quan trọng, đặc biệt khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. Lĩnh vực phục hồi nhanh sẽ là điện tử, hàng hóa liên quan tới phòng chống dịch bệnh, như: điện tử, vật tư, thiết bị y tế, máy móc thiết bị, đồ gỗ, dệt may, giày dép....

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; chú trọng triển khai các FTA nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra. Đồng thời, ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu và sớm khôi phục các thị trường xuất khẩu sau dịch Covid-19; tập trung theo dõi sát từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác thị trường và thúc đẩy xuất khẩu.

 Thục Anh