Xuất khẩu tăng mạnh tại thị trường EU nhờ cơ hội từ EVFTA

17:46 24/09/2021

DNHN – Theo thống kê từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU tăng đáng kể nhờ tận dụng tốt những cơ hội từ từ EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu - EU).

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Công thương, trong tháng 7/2021, nước ta xuất siêu 2,03 tỷ USD sang thị trường EU, tăng 15,25% so với tháng trước đó và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, nước ta xuất siêu 13,02 tỷ USD hàng hóa sang thị trường EU, tăng 15,75% so với mức xuất siêu cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường EU tháng 7/2021 đạt 4,73 tỷ USD, tăng 1,41% so với tháng 6/2021 và tăng 13,03% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam - EU đạt 32,09 tỷ USD, tăng 17,42% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 8,56% tổng kim ngạch thương mại hai chiều của cả nước. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Việt là Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ với các mặt hàng đạt kim ngạch cao nhất là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, giày dép các loại, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may, nông sản...

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), qua hơn một năm thực thi EVFTA, doanh nghiệp Việt ngày càng nắm bắt hiệu quả cơ hội và cải thiện xuất khẩu vào thị trường châu Âu tiềm năng. Theo tính toán, từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đạt mức tăng trưởng khoảng 18%. Trong đó, nhờ EVFTA, nông sản Việt đã và đang có rất nhiều cơ hội bước vào thị trường EU, chiếm lĩnh thị phần tại đây. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản sang châu Âu đạt 2 tỷ USD, với một số thị trường trọng điểm như Đức đạt 458 triệu USD, Hà Lan đạt 363 triệu USD...

Từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, xuất khẩu vào thị trường EU tăng trưởng khoảng 18%.

Đồng thời, chúng ta cũng ghi nhận được nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh có kim ngạch tăng trưởng mạnh vào EU. Đơn cử, thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký được nhiều đơn hàng lớn với mức giá cao, có lô hàng lần đầu tiên được xuất khẩu, với giá trên 1.000 USD/tấn. Các chuyên gia nhận định, sản phẩm nông sản Việt có thể nâng giá trị xuất khẩu lên gấp đôi từ nay đến 2025 nếu các doanh nghiệp Việt Nam khai thác được các lợi thế, tăng cường đầu tư chế biến sâu và quảng bá thương hiệu ở nước ngoài.

Theo các chuyên gia kinh tế, EU là thị trường có tiềm năng lớn và hàng Việt đang đạt được lợi thế cạnh tranh tốt nhờ những ưu đãi thuế quan đến từ EVFTA. Song, chúng ta không thể quên, năng lực cạnh tranh phải đến từ chất lượng hàng hóa, nhất là đối với một thị trường đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm như châu Âu.

"Doanh nghiệp Việt vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều để chinh phục thị trường EU khó tính bằng chất lượng sản phẩm, mẫu mã và thương hiệu, bên cạnh yếu tố giá" - ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), khuyến nghị với doanh nghiệp. Theo ông Lộc, để sản phẩm của mình đáp ứng được tiêu chuẩn tại thị trường EU, doanh nghiệp Việt phải chủ động tìm hiểu, tuân thủ một cách bài bản quy định cũng như trách nhiệm xã hội, thay vì chỉ tính toán lợi thế cạnh tranh về giá khi được cắt giảm thuế nhập khẩu nhờ EVFTA.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), doanh nghiệp Việt cần có chiến lược nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng hàng hóa sang thị trường EU thông qua việc linh hoạt đáp ứng các thay đổi trong chính sách thương mại của cộng đồng này. Đặc biệt, doanh nghiệp không được lơ là với xu hướng phòng vệ thương mại, các biện pháp phi thuế quan của EU. "Hiện Bộ Công thương đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang EU thời gian tới, nhất là trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hàng hóa Việt, xây dựng thương hiệu hàng Việt..." - ông Hải nhấn mạnh.

Riêng đối với nông sản, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nên đa dạng hóa nguồn cung cấp nông sản thô, chú trọng xuất khẩu thực phẩm chế biến để khai thác hạn ngạch... Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tìm hiểu và tận dụng nguyên tắc xuất xứ để phối hợp sản xuất, phát triển các cơ chế hợp tác logistics và thương mại điện tử để thâm nhập hiệu quả vào thị trường EU.

Theo ThờibáoTàichính