Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria tăng gần 8% trong những tháng đầu năm

21:55 15/06/2022

Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này đạt 73.135 USD, tương đương 80 tấn, trong khi năm 2021 không ghi nhận số liệu xuất khẩu sang Algeria.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Algeria đạt 59,8 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 55,4 triệu USD).

Trong đó, sau một năm vắng bóng, gạo Việt đã quay trở lại thị trường Algeria. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 73.135 USD, tương đương 80 tấn, trong khi năm 2021 không ghi nhận số liệu xuất khẩu sang Algeria.

Theo ông Hoàng Đức Nhuận, thương vụ Việt Nam tại Algeria, (phát biểu tại Hội nghị giao thương thực phẩm giữa Việt Nam – châu Phi), mỗi năm Algeria nhập khẩu khoảng 100.000 tấn gạo, chiếm 1% cơ cấu tiêu dùng lương thực của nước này

Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 73.135 USD, tương đương 80 tấn, trong khi năm 2021 không ghi nhận số liệu xuất khẩu sang Algeria.
Xuất khẩu sang thị trường Algeria đang có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên, hiện Algeria đang áp dụng mức thuế 5% đối với gạo có nguồn gốc từ Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Argentina. So với các nước Arab, gạo Việt có lợi thế cạnh tranh yếu hơn, do các quốc gia này không bị áp dụng thuế nhập khẩu gạo khi xuất sang Algeria.

Điều này một phần cũng đã tác động lên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong vài năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo sang Algeria ghi nhận sự phát triển không đều. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, xuất khẩu ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng, từ 6,2 triệu USD năm 2019 xuống còn 274.000 USD trong năm 2020. Riêng năm 2021, không ghi nhận số liệu xuất khẩu sang thị trường này.

Đối với mặt hàng cà phê, Algeria phải nhập khẩu hoàn toàn để phục vụ nhu cầu trong nước. Mỗi năm, Algeria nhập khẩu khoảng 130.000 tấn cà phê hạt, trị giá 300 triệu USD. Thị trường này nhập khẩu chủ yếu cà phê dưới dạng thô xanh và được chế biến tại các nhà máy theo thị hiếu của người Algeria.

Cà phê Robusta là chủng loại nhập lớn nhất, chiếm tới 85%. Đây cũng là loại cà phê Việt Nam sản xuất nhiều nhất, chiếm hơn 90% tổng sản lượng sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp có thể nắm bắt và xuất khẩu mặt hàng này sang Algeria.

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 56.545 tấn cà phê sang Algeria, đạt 99,68 triệu USD, tăng 6,3% và chiếm tới 65% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại ghi nhận đà giảm, giảm 59%, tương ứng giảm 1,1 triệu USD so với năm trước.

Cà phê Việt xuất vào thị trường này phải chịu mức thuế tới 63%.

Ngoài ra, Algeria cũng là thị trường tiêu thụ gia vị lớn, trong đó bao gồm hạt tiêu. Nhu cầu về hạt tiêu của nước này ở mức tương đối cao do không thể sản xuất. Mỗi năm, Algeria trung bình nhập khẩu 30 triệu USD hàng gia vị, trong đó chủ yếu là hạt tiêu đen.

Thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này vẫn ở mức tương đối cao, tổng lên tới 83%.

Đối với hàng thủy sản, thị trường này có nhu cầu về cá tra phile, mực và tôm bóc vỏ. Tuy nhiên, người dân Algeria tiêu thụ tương đối thấp, chỉ khoảng 2-5kg/năm. Điều này xuất phát từ việc thủy sản tại Algeria có giá thành cao, không phù hợp với thu nhập của đại đa số của người dân.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria dẫn số liệu từ Hải quan Algeria, mỗi năm nước này nhập khẩu khoảng 32.000 tấn thủy hải sản, thuế nhập khẩu ở mức 53%.

Tổng quan về thị trường, thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết, đây là thị trường phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu nông sản, thực phẩm do vị trí địa lý cũng như nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí (chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này).

Quy mô dân số khoảng 44 triệu người với GDP bình quân đầu người/năm là 3.449 USD, do vậy sức mua của thị trường này khá lớn. Khả năng thanh toán của doanh nghiệp của nước này cũng khá tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, thị trường vẫn còn nhiều bất lợi đối với doanh nghiệp xuất khẩu vào Algeria. Cụ thể, Algeria chưa phải là thành viên của WTO, hàng rào thuế quan vào Algeria vẫn còn rất cao. Trong đó, thuế nhập khẩu trung bình ở mức 30%, thuế VAT là 19%, thuế đoàn kết là 2%, thuế khấu trừ là 2%. Nhiều mặt hàng còn chịu thuế nội địa từ 30 – 200%.

Thuế nhập khẩu cao cũng xuất phát từ việc chính phủ Algeria mấy năm trở lại đây đã bắt đầu hạn chế nhập khẩu những mặt hàng đã sản xuất, chú trọng xuất khẩu hàng hóa ngoài dầu khí, đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào một nguồn thu chính.

Trên thị trường Algeria, Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa từ nhiều nước hàng hóa khác, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… và hàng cùng loại của các nước FTA với Algeria.

PV