Xuất khẩu gạo của Việt Nam tính đến nửa đầu tháng 7đạt 2,4 tỷ USD

20:32 26/07/2023

Đến nửa đầu tháng 7, cả nước đã xuất gần 4,5 triệu tấn gạo, thu về gần 2,4 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu do Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, nửa đầu tháng 7 (1 - 15/7) cả nước xuất khẩu 249.273 tấn gạo, kim ngạch đạt 135,45 triệu USD.

Tính chung từ đầu năm đến 15/7, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Kim ngạch tăng trưởng cao hơn lượng nên trị giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu năm nay cũng cao hơn cùng kỳ 2022.

Từ đầu năm đến 15/7, bình quân mỗi tấn gạo xuất đi có giá trị hơn 530 USD/tấn, tăng hơn 40 USD mỗi tấn so với cùng kỳ năm 2022.

3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều năm ở châu Á gồm: Philippines, Trung Quốc và Indonesia, với kết quả lần lượt là (cập nhật theo thị trường trong 6 tháng đầu năm): 1.698.593 tấn, 857,7 triệu USD; 677.387 tấn, 390,6 triệu USD: 492.801 tấn, 244 triệu USD.

Hoạt động xuất khẩu sang 3 thị trường chủ lực đều có tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2022.

Những ngày này, nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch vụ lúa Hè Thu. Ngày 25/7, giá lúa gạo tại thị trường trong nước tiếp tục tăng từ 200 - 300 đồng/kg.

Liên quan đến thông tin, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ngày 20/7/2023 đã ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường, quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, việc Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế hoạt động xuất khẩu gạo sẽ tác động đến thị trường thương mại gạo toàn cầu.

Ngày 20/7 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (một loại gạo phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ và khu vực Nam Á) và có hiệu lực ngay thời điểm ban hành. Động thái này của quốc gia châu Á diễn ra nhằm đối phó với tình trạng giá gạo tăng cùng tình trạng giảm gieo sạ diễn ra tại một số bang sản xuất gạo chính do gió mùa thất thường. Theo dữ liệu của Bộ thực phẩm Ấn Độ, giá bán lẻ gạo đã tăng khoảng 15% ở Delhi trong khi giá trung bình trên toàn quốc tăng hơn 8%.

Thông báo trên cũng cho biết các lô hàng cho các quốc gia khác nhằm đảm bảo an ninh lương thực của họ sẽ được Chính phủ cấp phép và dựa trên yêu cầu của quốc gia đó. Động thái mới nhất của Chính phủ Ấn Độ kết hợp với lệnh hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường trước đó sẽ ảnh hưởng đến một phần lớn thương mại trên toàn cầu. Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, trong đó tiêu thụ của châu Á chiếm đến 90% nguồn cung toàn cầu.

PV