Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam

18:26 30/10/2023

Theo kết quả nghiên cứu và phân tích của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tình trạng khó khăn tại một số thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may của Việt Nam đã có sự cải thiện.

Cụ thể, kinh tế Mỹ vẫn “vững” trong bối cảnh lãi suất neo cao. Chi tiêu hộ gia đình - động lực chính cho tăng trưởng của quốc gia này, vẫn tỏ ra mạnh mẽ giữa tình trạng lạm phát, lãi suất cao. Trong tháng 9, người Mỹ đã chi tiêu nhiều hơn 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức lạm phát dưới 4%.Tại châu Âu, tín hiệu tích cực đến từ việc lạm phát trong tháng 9 giảm còn 4,3% (từ mức 5,2% và 5,3% trong tháng 7 và tháng 8), mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Kinh tế Trung Quốc có những tín hiệu phục hồi tích cực từ tháng 8 với doanh số bán lẻ tăng 4,6% theo năm (vượt xa mức dự báo 3%), sản xuất công nghiệp cũng tăng 4,5%/năm trong tháng 8 (mức dự báo là 3,9%).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Về phía ngành dệt may, tháng 9/2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ, kéo kim ngạch xuất khẩu dệt may chỉ giảm 14,2% so với cùng kỳ (kim ngạch xuất khẩu 8 tháng 2023 giảm hơn 15% so cùng kỳ). Giai đoạn 9 tháng đạt 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường xuất khẩu, điểm sáng ở thị trường Mỹ khi kim ngạch xuất khẩu tháng 9 tăng 2% so cùng kỳ năm trước, đạt 1,05 tỷ USD, vẫn duy trì vị trí nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 tại Mỹ với thị phần trên 18%; xuất khẩu đi Trung Quốc tăng 11% so cùng kỳ, đạt 290 triệu USD.

Theo ghi nhận từ các doanh nghiệp trong ngành, đơn hàng xuất khẩu bắt đầu dần quay trở lại trong những tháng cuối năm cho thấy tín hiệu tích cực. Các yếu tố kinh tế trong nước cũng ủng hộ doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói riêng khi: Lãi suất cho vay trong nước tiếp tục giảm, tỷ giá VND/USD bắt đầu có lợi cho xuất khẩu khiến lợi thế về tỷ giá của các quốc gia cạnh tranh này không còn rõ rệt như 2 năm vừa qua.

Ngọc Phi (TH)

Tags: