Xuất khẩu các ngành hàng nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ tăng 57,3% trong 2 tháng đầu năm

16:32 02/03/2021

Văn phòng Bộ NN-PTNT cho biết, thị trường xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm 33,05% thị phần.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm 33,05% thị phần; tiếp đến là Trung Quốc, ASEAN, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Xuất nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ tăng 57,3% ảnh 1Một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: NGUYỄN THANH

Ngày 1-3, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tháng 1 đạt 606 triệu USD, tháng 2 đạt 405 triệu USD.

Theo VASEP, trong 2 tháng đầu năm, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của nước ta là tôm chân trắng cỡ nhỏ đông lạnh, chả cá, cá cơm khô, mực khô, cá biển phi lê… Hầu hết các sản phẩm này có giá vừa phải, dễ chế biến.

Ngoại trừ Trung Quốc và EU, xuất khẩu cá tra Việt Nam có chiều hướng hồi phục mạnh tại tất cả thị trường. Cụ thể, tại thị trường Mỹ tăng 51% trong tháng 1; sang các nước có ký kết CPTPP với Việt Nam tăng 38%. Theo đà xuất khẩu của 2 tháng đầu năm, cộng với “đòn bẩy” từ các hiệp định thương mại tự do, dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng ở hầu hết các ngành hàng. Bởi lẽ, Việt Nam đang có cơ hội hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do đã ký như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA). Trong đó, ngoài EVFTA đã có hiệu lực từ 1-8-2020 và được các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác lợi thế thuế quan thì UKVFTA cũng đang mang đến những cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Ðình Hòe phân tích: Ðối với lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ có thị trường Mỹ và Trung Quốc duy trì được tăng trưởng dương, mức tăng lần lượt là 13% và 5%. Riêng thị trường EU, dù sụt giảm nhưng lại ghi nhận sự bứt phá đáng kể sau khi EVFTA có hiệu lực.

Năm 2021, ngành thủy sản vẫn hưởng nhiều lợi thế từ các FTA, nhưng để có thể chinh phục được đa dạng thị trường thì cần tạo ra sự khác biệt rõ nét cho sản phẩm về cả chất lượng và hình thức. Cụ thể như sản phẩm chủ lực tôm xuất khẩu, khi khó giảm giá thành thì buộc phải tạo ra sự khác biệt về chất lượng để cạnh tranh với sản phẩm tương đồng đến từ các quốc gia khác như Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a… Hay như cá tra, cần đa dạng các sản phẩm chế biến sâu, phù hợp nhu cầu người tiêu dùng từng quốc gia, khu vực.

Các mặt hàng rau, quả cũng đối mặt nhiều thách thức do những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã ở hầu hết các thị trường. Ngay cả Trung Quốc - một trong những thị trường truyền thống, chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu rau quả, trái cây của Việt Nam cũng đang liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác..., tạo ra những rào cản không nhỏ đối với các mặt hàng xuất khẩu.

Chính vì vậy, mới đây, Bộ Công thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cần tăng cường giám sát chất lượng hàng hóa, kiểm nghiệm kiểm dịch, tránh hiện tượng tồn ứ lượng lớn hàng nông sản do không đủ điều kiện thông quan. Bên cạnh đó, với khối thị trường ASEAN, dù có lợi thế từ Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) thì thách thức lớn lại chính là buộc phải tăng tối đa khả năng cạnh tranh cho sản phẩm vì hầu hết các quốc gia đều có chung những mặt hàng nông sản tương đối tương đồng. Riêng thị trường Mỹ, hiện cũng có nhiều lo ngại về việc Mỹ tiếp tục gia tăng hàng rào kỹ thuật đối với nhóm hàng lớn như thủy sản, hồ tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ…, cho nên các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng cần chủ động có giải pháp ứng phó linh hoạt.

Tất cả những thách thức trên đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tiếp tục đổi mới toàn diện các lĩnh vực, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, mẫu mã. Theo đó, cần sự ý thức, chung tay của từng hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu… để hoàn thiện chuỗi nông sản khép kín trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm chế biến; chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các quy định về kiểm dịch thực vật; thực hiện tốt các yêu cầu về lao động, môi trường và phát triển bền vững…

An Nguyên