Sắp xếp những lọ hoa đủ kiểu dáng mang phong cách thời trang trên những giá hàng, chị Nguyễn Hồng Lan, chủ xưởng gốm sứ cao cấp Minh Long, ở xóm 2, Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ rằng chị không nắm bắt được các thông tin về OCOP. “Mình ít quan tâm đến thông tin, lại không được địa phương tuyên truyền nên không biết đến chương trình này”, chị nói.

Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Đi sâu vào làng gốm, vợ chồng chủ xưởng gốm Trung Thái đang chăm chú làm việc. Người chồng tập trung tạo hình cho chiếc bình mộc, còn người vợ cẩn thận dán mẫu hoa văn cho một chiếc bình mộc khác để sau đó đưa vào lò nung. Người chồng cho biết, anh chỉ nghe đến Chương trình OCOP qua các chương trình truyền hình nhưng “đó là chương trình cho sản phẩm nông sản chứ!”, anh nghi ngờ nói.

Đến một cửa hàng khá lớn tại thôn 1, chị Ngô Thị Thu Hương, chủ cửa hàng cũng khẳng định, OCOP là chương trình dành cho sản phẩm nông sản và chị chỉ nắm được thông tin này qua phương tiện thông tin truyền thông. 

Sản phẩm gốm Bát Tràng có nhiều kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại.

Khá bất ngờ khi một chương trình lớn của khu vực nông nghiệp nông thôn lại gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lại có những chủ thể không nắm bắt được.

Điều đáng nói, Hà Nội là nơi được đánh giá là có nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước, có nhiều sáng tạo trong thực hiện chương trình và có tới 1.054 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, chiếm gần 1/4 tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Vậy mà vẫn có những người thợ, nghệ nhân ngay tại làng nghề gốm Bát Tràng nổi tiếng chưa quan tâm hoặc chưa hiểu rõ về nội dung chương trình. 

Các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng.

Theo tìm hiểu tại một số địa phương, nhiều chủ thể còn chưa nắm rõ các quy định, thủ tục, lợi ích khi tham gia chương trình, hay vẫn còn những khoảng trống trong đánh giá chất lượng sản phẩm. Điều này phần nào gây nên những e ngại cho các chủ thể khi tiếp cận chương trình.

Theo Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020 (Chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương); gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chương trình tập trung phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn có giá trị gia tăng cao và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong cơ chế thị trường.

Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân như doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. 

Thương hiệu chè Shan Tuyết và chè Sử Anh của tỉnh Tuyên Quang. 
   

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý nghĩa lớn nhất mà Chương trình OCOP mang lại là khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương đối với các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống. Từng bước chuyển đổi quy mô sản xuất nhỏ sang hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đánh giá, Chương trình OCOP đã góp phần thay đổi đáng kể cho ngành nông nghiệp về chất lượng cũng như vị thế sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế. Trên nền tảng các sản phẩm OCOP tỉnh sẽ đầu tư quy hoạch các vùng trở thành có quy mô lớn, chất lượng đồng đều, đáp ứng thị trường xuất khẩu, cũng như đẩy mạnh chế biến.

Chương trình OCOP cũng giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm của các địa phương với mức tăng bình quân khoảng 17,6%/năm. Ngoài ra, Chương trình còn mang lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Sản phẩm cói Tây An (Tiền Hải, Thái Bình) là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.

Đã có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang… Nhiều sản phẩm OCOP được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki… Một số doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP để đưa vào hệ thống phân phối, hiện đang được tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng đã tiếp cận thị trường xuất khẩu.

“Chỉ nuôi rồi bán thương phẩm cũng đã có lãi, thu tiền ngay. Nếu tham gia sản phẩm OCOP thì sẽ gặp phải thủ tục rườm rà, bao bì, kiểm định chất lượng, sản phẩm chế biến, sau đó cũng chưa biết có bán được hay không, biết bao giờ thu lãi được”, ông Nguyễn Quyết Chiến, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, một trong những hộ đang nuôi rắn ở địa phương cho biết khi dẫn chúng tôi đi thăm các hộ nuôi trong xã. Ở đây, không chỉ ông Chiến mà nhiều chủ thể chưa mặn mà đến với Chương trình OCOP bởi nhiều trở ngại từ chính người dân, từ đặc thù của sản phẩm, sự hiểu biết về chương trình cũng như những bất cập trong quá trình triển khai.

Sản phẩm từ rắn mang tính đặc thù cao nên gặp nhiều trở ngại trong việc tham gia OCOP.
Trong ảnh (minh họa): Một hộ nuôi rắn ở xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang).

Xã Vĩnh Sơn với hơn 1.000 hộ dân thì có khoảng 700 hộ nuôi rắn từ hàng chục năm nay. Hằng năm, xã Vĩnh Sơn cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn rắn thương phẩm và thêm một số sản phẩm như cao, nọc… Có thể sản xuất số lượng lớn, không lo về nguyên liệu, thậm chí sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên cả nước khi đã được cấp phép nuôi của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Quyết Chiến và một số hộ đã từng nghĩ đến các món ăn từ rắn được chế biến sẵn, người tiêu dùng chỉ việc chế biến lại nhưng việc này đành bỏ ngỏ vì không có đơn vị kiểm định chất lượng, y tế, dịch tễ… 

“Với những người nuôi, đôi khi họ cũng muốn hướng đến cái tốt hơn nhưng với nhiều rào cản, suy nghĩ đó có vẻ “viển vông” bởi không biết bao giờ cơ quan chức năng công nhận, rồi sản phẩm sẽ bán thế nào? Trong khi đó, nếu bán tươi thì tiền có ngay, không phải lo nghĩ gì”, ông Nguyễn Quyết Chiến cho hay.

Ông Hạ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, sản phẩm từ rắn chưa có cơ quan thẩm định chất lượng vì sản phẩm có đặc thù riêng liên quan đến sức khỏe. Bên cạnh đó, sản phẩm cao rắn có tính chuyên môn cao, mỗi người có kinh nghiệm riêng và họ muốn giữ nghề của mình và không muốn truyền nghề ra ngoài nên khó thành lập được hợp tác xã để tạo ra sản phẩm có tính cộng đồng.

Còn tại làng mộc Bích Chu, xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, hầu như mọi người đều chưa biết về sản phẩm OCOP. Ông Trương Văn Đại là chủ một cơ sở mộc cho biết, ông làm nghề này bởi đây là nghề “cha truyền con nối”. Tuy rất mong muốn tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm nhưng đến nay ông cũng chưa nắm bắt được, chưa hiểu được OCOP có giá trị như thế nào, sẽ mang lại lợi ích gì với nghề mộc. Làng nghề có tiếng lâu đời nhưng không có mặt bằng sản xuất kinh doanh, các cơ sở chủ yếu là đi thuê từng năm một.

Nhận thấy xã An Tường có thế mạnh truyền thống là sản phẩm mộc có thể tham gia sản phẩm OCOP nhưng bà Đàm Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện xã mới chỉ ở bước 1 (bước đầu tiên trong 6 bước xây dựng sản phẩm OCOP) là tuyên truyền trên các hệ thống truyền thanh cũng như lồng ghép trong các cuộc họp, hội nghị.

Nông dân xã Ea Kao, TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) phơi cà phê.

Ngược lại, dù đã được nghe tuyên truyền và hiểu về sản phẩm OCOP, nhưng ông Lương Xuân Hưng, chủ Cơ sở sản xuất kinh doanh trang trại sinh thái Hưng Thịnh (Đắk Lắk) đang sản xuất và chế biến cà phê đặc sản cũng chưa mặn mà đến với OCOP. Bởi theo ông Hưng, sẽ phải mất thời gian và chi phí đầu tư cho sản phẩm này. Sản phẩm phải thiết kế lại nhãn mác, bao bì… và như vậy sẽ tăng thêm chi phí để hoàn thiện các tiêu chí.

Ông Hưng còn cho rằng, khi làm sản phẩm OCOP, chi phí sẽ cao hơn, như vậy giá thành sản phẩm sẽ tăng và điều này đặt ra bài toán kinh doanh trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Một trong những yêu cầu quan trọng đạt OCOP là đáp ứng bộ tiêu chí chấm điểm sản phẩm này. Theo Quyết định 1048/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP, bộ tiêu chí được xây dựng khá toàn diện từ chất lượng, tiếp thị, tổ chức sản xuất, sức mạnh cộng đồng… với những thang điểm chuẩn, cụ thể. Nhưng cũng chính điều này đang gây khó cho nhiều chủ thể, nhiều sản phẩm đến với OCOP. Thậm chí có chủ thể đã tìm kiếm thêm điểm bằng cách “lách” các tiêu chí.

Khách tham quan, mua sắm tại các gian hàng OCOP.

Là doanh nghiệp chăn nuôi và kinh doanh, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại rắn Vĩnh Sơn (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) đánh giá, với sản phẩm rắn đặc thù, để đáp ứng các tiêu chí OCOP như doanh số bán hàng, mạng lưới tiêu thụ sẽ rất khó khăn. Bởi đây là sản phẩm đông y, sản phẩm sức khỏe nên khó bán rộng rãi, thương mại như các sản phẩm nông nghiệp khác, nên tiêu chí doanh số bán hàng hay việc có những khách hàng vệ tinh sẽ không thể đạt được.

Về tiêu chí chấm điểm chất lượng, ông Lương Xuân Hưng cũng cho rằng, sản phẩm của ông đã được đánh giá, chứng nhận là cà phê đặc sản bởi các chuyên gia chuyên ngành. Nhưng tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm OCOP chưa có điểm vượt trội. Các sản phẩm chỉ cần đủ điểm từ các tiêu chí khác đã có thể đủ để sản phẩm đạt 3 hay 4 sao. Bên cạnh đó, khi đánh giá, chấm điểm, tùy từng địa phương sẽ có nhiều hay ít sản phẩm được đánh giá, có khi lên tới hàng chục, hàng trăm sản phẩm ở các lĩnh vực khác nhau. Như vậy, hội đồng đánh giá sẽ phải đa lĩnh vực, mà thiếu đi sự chuyên ngành trong đánh giá về chất lượng sản phẩm.

Ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Khánh Hòa cũng cho rằng, bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm còn nhiều điểm chưa phù hợp với một số sản phẩm của các địa phương. Một số nội dung phân công hướng dẫn thuộc các lĩnh vực chuyên ngành của các sở, ban, ngành trong bộ tiêu chí còn chưa cụ thể, nhất là đối với các sản phẩm thuộc bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ trang trí và thủ công mỹ nghệ gia dụng, điển hình là đối với sản phẩm có chất liệu trầm hương - một sản phẩm đặc hữu, có thương hiệu của Khánh Hòa.

Cũng liên quan về chất lượng, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, trong bộ thang điểm OCOP thì điểm chất lượng chỉ có 40 điểm. Với sản phẩm đạt 3 sao không có quy định rõ là chất lượng phải đạt bao nhiêu điểm nên về chất lượng có thể chỉ đạt 5-10 điểm và cộng với điểm số khác thì vẫn có thể đạt.

Tuy đã được các cơ quan chức năng hỗ trợ trong việc hoàn thiện hồ sơ khi đăng ký tham gia sản phẩm OCOP, nhưng từ quá trình thực hiện bà Nguyễn Thị Lê - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Curcumin Bắc Hà chỉ ra, do mới triển khai nên các thủ tục pháp lý vẫn rườm rà, chưa cụ thể. Các chủ thể làm OCOP phải làm đi làm lại. “Nhiều chủ thể hoàn toàn có thể đáp ứng các điều kiện về hồ sơ tốt nhưng việc các hướng dẫn chưa rõ ràng, thậm chí còn thay đổi liên tục nên các chủ thể “chạy theo” rất mất thời gian, công sức”, bà Nguyễn Thị Lê cho biết.

Bà Nguyễn Thị Lê bổ sung: Chương trình chưa có sự nhìn nhận, phân định rõ ràng chất lượng những sản phẩm mang tính công nghệ cao. Điển hình như doanh nghiệp đã được công nhận kiểm soát chất lượng sản xuất dược phẩm (GMP), tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm) nhưng khi chấm điểm thì không được nhiều điểm ưu tiên.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) và các đại biểu nghe giới thiệu về sản phẩm lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn (Yên Bái).

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, qua 3 năm triển khai, một số địa phương chưa chủ động vào cuộc, có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa dựa vào lợi thế, thế mạnh của sản phẩm đặc trưng.

Nhìn vào danh sách kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của một số tỉnh, thành năm 2019, không khỏi có những suy nghĩ. Trong số 303 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao của thành phố Hà Nội có tới 123 sản phẩm rau, củ, chiếm 40% tổng sản phẩm; trong đó có những đơn vị có tới 18 sản phẩm rau, củ hữu cơ bằng số lượng sản phẩm OCOP của cả tỉnh Hà Nam. Hay tại tỉnh Nam Định, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình OCOP, có 146 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 113 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, chiếm 92,4%; 7 sản phẩm thuộc ngành đồ uống chiếm 4,8%; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, du lịch nông thôn mỗi loại có 2 sản phẩm, chiếm 1,4% tổng số sản phẩm…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP. So với kết quả chỉ trong 3 năm của giai đoạn đầu thì đây không phải là mục tiêu bất khả thi. Tuy nhiên, việc trong giai đoạn vừa qua chủ yếu khai thác các sản phẩm có sẵn và giai đoạn tới đòi hỏi phải có các sản phẩm mới, gia tăng giá trị cũng như phải duy trì và phát triển được các sản phẩm đã công nhận, thì để đạt được mục tiêu trên, việc triển khai OCOP không thể nóng vội, chạy theo phong trào và luôn cần sự đồng hành của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý với các chủ thể.

Sản xuất thùng sọt, giỏ xách, túi xách cỏ bàng tại Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Toàn Tuyền, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Theo PGS.TS. Trần Văn Ơn - "cha đẻ" và là Cố vấn Quốc gia chương trình OCOP, OCOP không phải là chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao, bởi vậy, không chọn sản phẩm đã có sẵn để đi thi, treo giải. Điều này sai 3 nguyên tắc của Chương trình OCOP (hành động địa phương nhưng hướng đến toàn cầu; Tự lực - Tự tin - Sáng tạo; Phát triển nguồn nhân lực).

Ông Ơn cho rằng, trong quá trình phát triển và thương mại hóa sản phẩm, phần người dân cần hỗ trợ nhất là: Tìm ý tưởng sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh, tìm nguồn vốn, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực… Có nghĩa là Nhà nước phải đồng hành cùng người dân ngay từ khâu tìm ý tưởng sản phẩm. Làm được điều này cũng chính là trả lời cho những băn khoăn của ông Nguyễn Quyết Chiến, ông Trương Văn Đại đang muốn phát triển sản phẩm rắn, sản phẩm đồ mộc ở xã An Tường, Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Để làm được những nội dung trên, chất lượng cán bộ ở tỉnh và mỗi huyện liên quan đến thành bại của Chương trình. Khi bố trí được cán bộ “tận tâm - hiểu biết” thì OCOP ở địa phương đó thành công. Ngược lại, khi các cán bộ phụ trách “lơ mơ - vô cảm” thì Chương trình sẽ đầy khó khăn, trắc trở và không thành công đúng nghĩa như mục tiêu. Do đó, cần thiết phải tiến hành đào tạo các cán bộ này - ông Trần Văn Ơn chỉ ra.

Đan đát các sản phẩm nông thôn thu nhỏ tại hộ kinh doanh Diệp Thị Trang (Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An (Trà Cú, Trà Vinh).

Đi từ thực tế, ông Trần Văn Chính, chuyên viên Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, cán bộ của tỉnh đã tham gia các lớp đào tạo của Chương trình, đã “vỡ” ra nhiều vấn đề và hỗ trợ được một phần nhất định cho bà con tham gia. Tuy nhiên, đây là chương trình mới, có nhiều vấn đề phức tạp, Nam Định đã thuê đơn vị tư vấn có năng lực về quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quản trị doanh nghiệp… để trực tiếp hướng dẫn các chủ thể tham gia chương trình. Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả này, các chủ thể đã rất tự tin, chủ động lập trang web, Facebook quảng bá sản phẩm đi nhiều nơi. “Quan trọng là sự tư vấn và đơn vị quản lý Nhà nước phải tâm huyết đi cùng các chủ thể”, ông Chính chia sẻ.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, mục tiêu từ nay đến năm 2025, Bắc Ninh có ít nhất từ 400 - 500 sản phẩm OCOP được công nhận cơ bản đạt tiêu chí 3 sao trở lên. Trong đó, có từ 5-10 sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Với mục tiêu này, tỉnh tập trung ban hành nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển sản phẩm OCOP bắt đầu từ hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm đến khâu tiêu thụ, sao cho các khâu này trở thành quy trình khép kín.

Truyền thông cũng có vai trò rất lớn để làm người dân hiểu rõ về chương trình này, từ đó khích lệ thi đua sản xuất. Vì vậy, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Thường trực Tổ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho rằng cần rà soát lại chính sách, nhất quán trong chiến lược truyền thông và khích lệ phục hồi những nơi có nghề truyền thống đã mất, gắn kết với nghề mới. Qua đó tạo kết nối thị trường.   

Hội chợ công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm OCOP khu vực Đồng bằng sông Hồng năm 2020, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), ngày 16/11/2020.

Nhiều chuyên gia có quan điểm, sản phẩm OCOP không nhất thiết phải vào siêu thị, nhưng cũng cần có kênh bán hàng mang bản sắc riêng có của mình, chẳng hạn như cần có các trung tâm xúc tiến thương mại chuyên nghiệp. Việc hình thành các trung tâm xúc tiến thương mại chuyên nghiệp ở các vùng trọng điểm sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa ra các điểm sản xuất, có sự kết hợp với sản phẩm trong du lịch.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, trong khi du lịch phát triển mạnh, các sản phẩm đặc sản như vậy cần có các trung tâm giới thiệu, đưa sản phẩm đến với khách du lịch. Thời đại công nghệ số, các trung tâm này cũng cần phát triển cả về thương mại điện tử để sản phẩm được tiếp cận trực tiếp với nhu cầu từng người tiêu dùng. “Các chủ thể cần xây dựng mối liên kết trong sản xuất, phân công lao động theo kỹ năng tay nghề trong các công đoạn để tạo ra sự chuyên môn hóa. Chẳng hạn nơi trồng cà ngon thì sẽ không thể có nước mắm ngon và ngược lại, nhưng để tạo ra sản phẩm cà dầm nước mắm ngon thì hai địa phương này có thể kết hợp với nhau tạo ra sản phẩm ngon”, ông Hồ Xuân Hùng gợi ý.

Có OCOP, các sản phẩm nông thôn, làng nghề như được khoác trên mình cái áo mới. Nhưng để chiếc áo này luôn đẹp và bền thì chính chủ thể cũng đòi hỏi phải tự vận động, quảng bá, xây dựng hình ảnh và đảm bảo chất lượng.

Trước việc giai đoạn 1 vẫn khai thác “kho” có sẵn nên nhiều địa phương có rất nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, điển hình như Hà Nội, sang giai đoạn 2, PGS.TS. Trần Văn Ơn cho rằng, cần phải đi vào chiều sâu, tiếp tục khai thác sản phẩm mới. Giai đoạn này cần khuyến khích người dân sáng tạo, phấn đấu; đồng thời sàng lọc hỗ trợ các chủ thể đã đạt trong giai đoạn 1 để phát triển, tăng năng lực kinh doanh, tính minh bạch cho sản phẩm.

Phiên chợ nông sản an toàn và các sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định năm 2020.

Theo Sở Công Thương tỉnh Nam Định, trong một làng nghề có rất nhiều sản phẩm và rất nhiều hộ kinh doanh. Nếu nhiều hộ cùng sản xuất một loại sản phẩm và được công nhận sẽ có hàng trăm sản phẩm giống nhau. Do đó, Sở Công Thương Nam Định định hướng sẽ thành lập hợp tác xã, để cho một chủ thể đứng tên một sản phẩm cũng như tạo sự chuyên môn hóa, đồng nhất trong sản phẩm. Về phía tỉnh sẽ hỗ trợ, phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng tinh, không công nhận tràn lan.

Theo quy định của chương trình, sản phẩm OCOP chỉ có giá trị trong 3 năm. Để sản phẩm luôn đáp ứng được yêu cầu, Nam Định đang xây dựng quy chế quản lý sản phẩm có ứng dụng công nghệ nhằm giám sát sản phẩm của tỉnh. Dự kiến trong quý II/2021, Nam Định sẽ ban hành và triển khai quy chế này.

Với các sản phẩm đã công nhận, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, các địa phương cần có cơ quan thẩm định lại để tránh việc công nhận tràn lan, để sản phẩm đã là OCOP thì người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm tin dùng, tránh có thể xảy ra tình trạng làm tùy tiện gây ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người tiêu dùng, dẫn đến ảnh hưởng chương trình.

Cây phát lộc Minh Tân của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Minh Tân (Đông Hưng, Thái Bình) là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao.

Đi đầu cả nước trong phát triển OCOP và khẳng định chất lượng sản phẩm này của địa phương, ông Vũ Thành Long - Trưởng Ban xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban chỉ đạo OCOP tỉnh cho biết, hằng năm, địa phương tiến hành kiểm tra các sản phẩm. Sản phẩm chưa tốt sẽ nhắc nhở và sản phẩm có chiều hướng không đảm bảo sẽ bị loại khỏi thị trường OCOP. Thời gian vừa qua, tỉnh đã loại trên 60 sản phẩm, nhiều nhất toàn quốc.

Để chương trình OCOP đi đúng hướng và không làm theo phong trào, nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, muộn nhất vào tháng 6/2021.

Trong đó, phải tiếp tục xác định Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững và phải xác định đây là chương trình mang tính dài hạn. Trong quá trình triển khai, tuyệt đối không được làm theo phong trào. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.

Trong giai đoạn tới, chương trình tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao. Cùng đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.

Sản phẩm bộ salon tre đạt OCOP 4 sao của hộ kinh doanh Trì Cảnh (Trà Cú, Trà Vinh).

Tuy nhiên, để chương trình có thể phủ sóng sâu rộng tới các chủ thể, các địa phương, tránh những hiểu lầm về chương trình, việc tăng cường tuyên truyền, thông tin qua các kênh rất quan trọng. Từ đó khơi dậy sáng tạo của người dân phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm.

Những phụ nữ dân tộc Thái tại tỉnh Nghệ An bằng cách này hay cách khác đang đưa những sản phẩm lợi thế, đặc sản địa phương gắn với Chương trình OCOP để phát triển kinh tế, đồng thời mong muốn quảng bá sản phẩm vươn xa.

Trên Quốc lộ 1 đoạn dốc Dừa xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, nhiều xe khách tấp vào quán ven đường để mua các sản vật địa phương như bánh gai, kẹo chè lam, bánh cu đơ về làm quà. Nhanh tay sắp bánh cho khách, chị chủ quán tươi tắn giới thiệu các sản phẩm là gia truyền, không sử dụng chất bảo quản. Hỏi ra chị tên là Bùi Thị Lan là Giám đốc HTX Bánh gai xứ Dừa Tường Sơn. Chị Lan cho biết, chị đang theo học lớp tập huấn để đưa sản phẩm bánh gai xứ Dừa lên OCOP. Qua 3 buổi tập huấn, chị thấy sản phẩm của mình có tiềm năng bởi là sản phẩm truyền thống của địa phương, sản xuất bằng nguyên liệu tại Anh Sơn và các vùng lân cận, được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh khảo sát, nhiều lần lấy mẫu và đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Chế biến 50 món ăn từ Lươn đồng xứ Nghệ đạt kỷ lục Việt Nam, năm 2019.

Hiện cơ sở bánh gai của chị Lan mỗi ngày sản xuất từ 3.000 - 4.000 cặp bánh. Tuy nhiên, bánh được làm bằng gạo nếp, lá gai, đỗ xanh, dừa tươi nên chỉ bảo quản nhiệt độ thường 2 - 3 ngày. Vì vậy, sản phẩm gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ đi các tỉnh xa hoặc xuất khẩu.

Chị Lan cho biết sẽ tính đến việc phát triển đa dạng kích cỡ bánh gai để đáp ứng nhu cầu khách hàng mua về làm quà và hy vọng sản phẩm bánh gai xứ dừa sẽ được nhiều nơi biết đến khi được trở thành sản phẩm OCOP.

Hơn 4 giờ chiều, gian bếp tại Homestay số 1 Hoa Thụ của chị Lô Thị Hoa, bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông đã nổi lửa chuẩn bị bữa ăn hàng chục món đặc sản dân tộc Thái cho đoàn khách du lịch Hà Nội. Chị Hoa cũng đã báo tin cho Câu lạc bộ dân ca Thái bản Nưa để các chị em chuẩn bị buổi tối biểu diễn các tiết mục văn nghệ và mời khách rượu cần.

Xã Tả Van (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng sinh thái homestay.

Chị Hoa cũng không giấu niềm vui chia sẻ, Homestay số 1 Hoa Thụ đã được tỉnh Nghệ An chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. “Máu làm du lịch ăn sâu trong tôi. Năm 2011, được huyện Con Cuông cho đi tập huấn làm du lịch cộng đồng, cùng với xem những chương trình du lịch trên truyền hình, thấy những gì có thể phát triển được là tôi tìm đến học hỏi và áp dụng”, chị Hoa cho biết. Chị cũng chủ động tìm đến Chương trình OCOP, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê với 33 hộ trong bản làm dịch vụ du lịch cộng đồng.

Để có homestay như hôm nay, chị Hoa được mời tham gia Dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp của tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) và được đào tạo cách làm du lịch cộng đồng, các kỹ năng phục vụ khách… Điều quan trọng của homestay là cơ sở hạ tầng gồm nhà sàn có thể phục vụ du khách ăn, nghỉ, khu nhà tắm, vệ sinh thì chị Hoa đã được dự án hỗ trợ.  

Bản Nưa êm đềm, xanh mát từ khi có 4 homestay, trong đó có 1 homestay của chị Hoa trở nên nhộn nhịp với những đoàn khách đến trải nghiệm. Du khách có thể ngắm cảnh quan tại nơi nghỉ ngơi với những vườn hoa xinh xắn được chăm sóc cẩn thận, dạo quanh bản Nưa yên bình rợp bóng cây lá với thấp thoáng những mái nhà sàn cổ, làn khói lam chiều. Du khách đến được thưởng thức những món ăn dân tộc như tôm suối chiên giòn, cá suối hong (hấp), mọc mềm nhuyễn hòa quện thịt, rau củ, gạo nếp nắm lại, bọc trong lá chuối, ninh nhừ, phảng phất hương vị bánh chưng của người Kinh; cơm lam nướng; thịt gà xiên lá chanh nướng lửa than; xôi cẩm, canh Khầu khiều…

Xã Tả Van (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng sinh thái homestay.

Đặc biệt thực phẩm cho bữa ăn đều là các sản phẩm sạch đánh bắt tự nhiên hoặc trồng trong vườn nhà. Trong bữa ăn, du khách được những phụ nữ duyên dáng trong trang phục Thái đến từng mâm, giới thiệu từng món ăn dân tộc, mời rượu. Cũng chính trang phục này, buổi tối dưới sân nhà sàn các chị biểu diễn các bài hát, điệu múa dân tộc, mời khách múa xòe, uống rượu cần.

Chị Hoa cho biết, làm du lịch đúng là rất khó với đồng bào dân tộc chỉ quen ngày làm ruộng, tối về xem tivi nhưng khi được hướng dẫn đào tạo từng việc như nấu ăn; uốn nắn từng điệu múa, chỉ dẫn khách nơi ăn, nghỉ; các dịch vụ homestay… họ đều làm được.

“Làm du lịch, mình được tìm hiểu văn hóa mọi miền, được mặc đẹp đẽ, sạch sẽ hơn, phong cách chỉn chu hơn và có thêm thu nhập nên rất vui”, chị Lương Thị In, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê vui vẻ nói.  

Mong muốn của chị Hoa, chủ Homestay Hoa Thụ 1 là khi đã được công nhận sản phẩm OCOP thì mô hình này sẽ tiếp tục được quảng bá, giới thiệu, thu hút thêm khách du lịch. Từ đó mô hình du lịch cộng đồng được nhân rộng tới các hộ khác để tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập người dân trong bản.

Theo baotintuc.vn